Tiếng Paris trở thành ngôn ngữ tiêu chuẩn của nước Pháp như thế nào?

Quỳnh Dương| 27/02/2020 09:35

(HNMCT) - Tương tự như ngôn ngữ ở nhiều quốc gia khác, tiếng Pháp cũng có cách nói và phát âm không giống nhau tùy thuộc vào các vùng miền. Để xây dựng một bộ quy chuẩn về ngôn ngữ, cách đây gần 140 năm, các nhà lãnh đạo đã chọn tiếng Paris là ngôn ngữ chính thức sử dụng trong các trường học, khu vực hành chính, trên đài phát thanh và truyền hình...

Nếu nói được tiếng Paris, du khách sẽ có thể dễ dàng giao tiếp ở các khu vực khác của nước Pháp cũng như ở các quốc gia nói tiếng Pháp.

Lâu nay, tiếng Pháp luôn được xếp vào nhóm 3 ngôn ngữ quyền lực nhất thế giới. Theo thống kê của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), hiện có khoảng 274 triệu người nói tiếng Pháp ở khắp các châu lục, và đây cũng là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức quốc tế (Liên minh Châu Âu, Tòa án Công lý Quốc tế, Liên hợp quốc, UNESCO...).

Lý giải cho vị thế của ngôn ngữ này, nhiều chuyên gia cho rằng tiếng Pháp có một bộ quy tắc ngữ pháp và phát âm rõ ràng và khoa học. Điều này không có nghĩa là lịch sử hình thành phát triển tiếng Pháp không chịu sự ảnh hưởng của các ngôn ngữ khác. Các nhà ngôn ngữ học chia sự phát triển của tiếng Pháp ra làm 4 giai đoạn: Tiếng Pháp thượng cổ được hình thành từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XIII; Tiếng Pháp trung cổ được hình thành từ thế kỷ thứ XIV đến thế kỷ thứ XVI; Tiếng Pháp cổ điển được hình thành từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XVIII; Tiếng Pháp cận đại được hình thành từ cuối thế kỷ thứ XVIII đến nay. 

Trong bề dày lịch sử ấy, tiếng Pháp vay mượn rất nhiều từ tiếng Latin, tiếng Đức, tiếng Anh... Đây là một phần căn nguyên dẫn tới việc tiếng Pháp có rất nhiều phương ngữ. Theo thống kê, có tới 28 giọng nói hoặc phương ngữ khác nhau đang được sử dụng tại các vùng miền ở nước Pháp như Paris, Alsatian, Lorrain, Champenois, Burgundy, Marseille, Lyon...

Đến năm 1881, Pháp bắt đầu triển khai đạo luật Ferry (theo tên của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Jules Ferry thời bấy giờ), lấy phương ngữ Metropolitan hay còn gọi là tiếng Paris làm ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Theo các nhà ngôn ngữ học, có thể học tiếng Paris nhanh hơn các phương ngữ khác khi biết một vài quy tắc phát âm, dễ dàng phát âm những từ chưa biết. Học cách viết cũng nhanh hơn vì biết cách phát âm sẽ biết được chính tả của từ.

Thực ra trước khi có công cuộc cải cách của Bộ trưởng Jules Ferry, Pháp đã trải qua một thời gian dài không tìm được giải pháp cho việc xây dựng ngôn ngữ chuẩn quốc gia. Vì thế, thật khó để một người không phải là người nói tiếng Pháp bản địa có thể nghe hiểu tất cả các phương ngữ. Đây không chỉ là vấn đề cách phát âm khác nhau mà còn là nhiều từ và thành ngữ khác nhau. Thậm chí, các phương ngữ còn được sử dụng để phân biệt giai cấp và các tầng lớp trong xã hội.

Để thay đổi thực trạng này và tạo một bước tiến về giáo dục, đạo luật Ferry yêu cầu tất cả các trường học phải sử dụng tiếng Paris trong giảng dạy. Tất cả các giáo viên chỉ được tuyển dụng khi chứng minh có thể sử dụng thành thạo tiếng Paris. Nhiều sắc lệnh và pháp lệnh liên quan đến giáo dục ở Pháp thời điểm đó chỉ tập trung vào việc sử dụng tiếng Pháp chuẩn và loại bỏ các phương ngữ vùng miền. Những bước đi này đã thực sự mở ra thời kỳ hoàng kim cho tiếng Pháp. Vì hầu hết tầng lớp từ các nhà quý tộc đến thường dân đều có thể sử dụng tiếng Pháp chuẩn. Đây cũng là ngôn ngữ chính trong các lĩnh vực văn học và nghệ thuật của nước Pháp.

Về cơ bản, suốt 200 năm qua, hình thái, cấu trúc ngữ âm của tiếng Pháp Metropolitan hầu như được giữ nguyên. Điều này thực sự giúp mọi người dễ dàng học và trở nên thông thạo. Nếu nói được tiếng Paris, bạn sẽ có thể dễ dàng giao tiếp ở các khu vực khác của nước Pháp, cũng như ở các quốc gia nói tiếng Pháp ở khắp nơi trên thế giới. Trên các kênh truyền hình lớn của Pháp ngày nay, các phóng viên và biên tập viên cũng được yêu cầu sử dụng tiếng Paris.

Ý thức bảo vệ ngôn ngữ quốc gia của người Pháp cũng rất cao. Ngay từ những năm 1950, các nhà lãnh đạo đã ra chính sách để bảo vệ tiếng Pháp trước sự xâm lấn của những ngôn ngữ khác. Nhất là khi tiếng Anh bắt đầu trở thành ngôn ngữ toàn cầu, nhiều viện nghiên cứu được thành lập dưới sự quản lý của Bộ Văn hóa với nhiệm vụ được ví như “cảnh sát ngôn ngữ” để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Pháp.

Đáng chú ý, năm 1994, Pháp đã đưa vào thực thi luật yêu cầu loại bỏ sự hiện diện của bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Pháp trong quảng cáo, ấn phẩm của chính phủ, nơi làm việc... Đã có nhiều bài báo nói về việc người Pháp bảo vệ ngôn ngữ quốc gia của họ như thế nào và đây là điều gần như không có gì thay đổi qua rất nhiều đời lãnh đạo của đất nước hình lục lăng.

Cho tới hiện tại, vẫn có một số ý chiến cho rằng, đạo luật Ferry đã làm giảm bớt sự đa dạng hóa của tiếng Pháp, thậm chí góp phần làm cho một số phương ngữ biến mất. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là sự ra đời tiếng Pháp chuẩn đã giúp đoàn kết đất nước, thu hẹp khoảng cách giai cấp và mang lại sự đồng bộ cần thiết trong ngôn ngữ hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng Paris trở thành ngôn ngữ tiêu chuẩn của nước Pháp như thế nào?