Bài học quý của thành cổ Bagan

Quang Huy| 25/07/2019 13:56

(HNMCT) - Thành phố cổ Bagan được biết đến là một trong những vùng đất đẹp và linh thiêng nhất ở Myanmar. Đầu tháng 7 vừa qua, sau hàng chục năm nỗ lực sửa sai do phát triển du lịch, trùng tu di tích nóng vội, Bagan đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Bagan - miền cổ tích

Trải rộng trên dải đồng bằng khô cằn bên bờ phía đông sông Ayeyarwady, cách trung tâm Mandalay 145km về phía tây nam, Bagan là một thị trấn nhỏ thuộc vùng Mandalay với diện tích khoảng 40km². Đây là một khu vực khảo cổ quan trọng của Myanmar, nơi hội tụ hàng nghìn công trình kiến trúc đền, chùa độc đáo. Tất cả đều được xây dựng trong thời đại hoàng kim khi Bagan là kinh đô của vương triều Pagan hùng mạnh, tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII. Quy mô và sự độc đáo trong kiến trúc nơi đây có thể sánh ngang với hai quần thể đền, tháp Phật giáo vĩ đại là đền Angkor Wat của Campuchia và đền Borobudur tại miền Trung đảo Java (Indonesia).

Một trong những trải nghiệm được du khách yêu thích nhất khi đặt chân đến Bagan là chiêm ngưỡng vẻ đẹp có phần siêu thực của bình minh và cả khi hoàng hôn bao phủ trên vùng đất Phật từ những quả khinh khí cầu khổng lồ. Cảm giác được bay lơ lửng trên cao, phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh bình nguyên rộng lớn, phía dưới là những ngôi chùa, tháp đồ sộ, cổ kính đứng kiêu hãnh trong ánh bình minh rực rỡ hay ráng chiều ối đỏ khiến du khách khó có thể quên.

Tuy nhiên, chi phí cho trải nghiệm này không hề rẻ, khoảng 320-400 USD cho 1 lần bay. Đặc biệt, nếu muốn chiêm ngưỡng Bagan rực rỡ trong ánh sáng của hàng trăm quả khinh khí cầu lửa, hãy đến đây vào lễ hội Taunggyi Tazaungdaing, còn gọi là lễ hội ánh sáng, được tổ chức vào tháng 11 hằng năm, đúng ngày trăng tròn của Tazaungmon - tháng thứ tám theo lịch Miến Điện. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng màn trình diễn xuất sắc kết hợp giữa ánh sáng, màu sắc của những quả khinh khí cầu và pháo hoa. Tazaungdaing được đánh giá là một trong những lễ hội đẹp nhất châu Á.

Lựa chọn phổ thông hơn là trải nghiệm Bagan hoang sơ trên những chuyến xe ngựa do những người dân địa phương thông thạo địa hình điều khiển. Trải qua thời gian với bao biến động, Bagan ngày nay gần như bị bỏ hoang, rất nhiều ngôi tháp chỉ còn là phế tích. Ngoài hai con đường lớn có trải nhựa dài khoảng 10km mỗi đường chạy từ Bắc xuống Nam, còn lại đều là đường đất, đầy cát và bụi cỏ. Di chuyển bằng xe ngựa ở đây khá nóng và bụi nhưng lại mang đến cho du khách những cảm nhận rõ nét về màu sắc văn hóa bản địa. Bạn có thể ghé qua một vài địa điểm tiêu biểu như chùa cổ Shwesandaw, từ đây đứng ngắm bình minh hoặc hoàng hôn tĩnh lặng. Tháp quan sát Bagan cũng là nơi được đông đảo du khách tìm đến để ngắm cảnh từ trên cao, nhất là trong hoàn cảnh giới chức địa phương đã cho đóng cửa nhiều ngôi đền để bảo tồn, trùng tu. 

Phát triển du lịch đi đôi với gìn giữ di sản

Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng với khối di sản đồ sộ như vậy nhưng sau 25 năm lọt vào danh sách đề cử, đến nay Bagan mới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hành trình này cũng cho thấy những thăng trầm mà di sản này đã, đang phải chịu đựng.

Sự suy tàn của vương triều Pagan cùng những biến thiên lịch sử đã biến Bagan từ một thủ đô với hàng nghìn công trình Phật giáo đồ sộ rơi vào cảnh hoang tàn. Ngoài một số đền chính được trùng tu, còn hàng ngàn ngôi đền ít nổi tiếng và nằm xa khuất đã rơi vào hoang phế, không tồn tại nổi trước sức công phá của thời gian. Đặc biệt, hai trận động đất năm 1975 và 2016 đã chôn vùi hàng trăm đền, chùa ở nơi này. Hiện trên vùng đất Bagan cổ vẫn còn lại hơn 2.000 ngôi đền, chùa nhưng thực tế chỉ khoảng vài chục trong số đó là được chăm nom thường xuyên.

Vào những năm 1990, chính quyền Myanmar đã có nhiều cố gắng để khôi phục những đền, chùa, tháp bị phá hủy, nhưng việc trùng tu đã phần nào làm biến dạng các công trình hoặc khiến chúng không còn nguyên trạng với chất liệu ban đầu. Sự nóng vội trong phát triển du lịch cũng đã khiến nơi đây phải trả giá nặng nề. Giới sử gia và các nhà khảo cổ đã phản đối mạnh mẽ khi chính quyền cho làm một con đường 4 làn xe xuyên qua khu di tích Bagan, nối thị trấn Nyang-U với thị trấn New Bagan, xây tháp ngắm cảnh (Seeing Town) ngay giữa khu di tích, cho mở sân golf ngay ở nơi cần bảo vệ nghiêm ngặt... Sự thiếu thận trọng trong tu bổ di tích đã dẫn đến việc UNESCO không công nhận khu đô thị cổ Bagan là Di sản văn hóa thế giới. Và việc sửa sai phải kéo dài hàng chục năm.

Mới đây, sau những nỗ lực sửa sai bền bỉ như vậy, UNESCO đã công nhận Bagan là Di sản văn hóa thế giới. Đây chính là sự ghi nhận các nỗ lực của Myanmar trong việc bảo vệ di sản như thông qua luật di sản mới, có kế hoạch để giảm tác động của hoạt động du lịch xung quanh các ngôi đền cổ... Nhà ngoại giao Kyaw Zeya đại diện Myanmar đã khẳng định trước UNESCO rằng: Bagan là một di tích sống, đã trải qua rất nhiều thách thức trong hơn 1.000 năm và sẽ tiếp tục tồn tại thêm 1.000 năm nữa.

Hãy đến thăm Di sản văn hóa thế giới này để hiểu hơn về những điều vĩ đại mà con người đã kiến tạo trong lịch sử, cũng như học thêm bài học quý về gìn giữ di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học quý của thành cổ Bagan