Bukhara - “Viên ngọc” sáng giữa sa mạc

Quỳnh Dương| 23/05/2019 10:32

(NSHN) - Là thủ phủ của tỉnh Bukhara thuộc Uzbekistan, Bukharatan nằm giữa hai sa mạc trải dài từ Trung Quốc đến Ấn Độ. Xưa kia, nơi đây là điểm dừng chân của các thương nhân trên Con đường tơ lụa nổi tiếng. Được xây dựng cách đây khoảng 2.500 năm.

(NSHN) - Là thủ phủ của tỉnh Bukhara thuộc Uzbekistan, Bukhara nằm giữa hai sa mạc trải dài từ Trung Quốc đến Ấn Độ. Xưa kia, nơi đây là điểm dừng chân của các thương nhân trên Con đường tơ lụa nổi tiếng. Được xây dựng cách đây khoảng 2.500 năm.

Hầu hết kết cấu đô thị và công trình cổ của Bukhara được bảo tồn nguyên vẹn như: Lăng mộ của Ismail Samani (thế kỷ thứ X), Tháp gạch Poi-Kalyan và các nhà thờ Hồi giáo (thế kỷ XI)...

Thành phố của di sản thế giới

Lịch sử hình thành nên Bukhara được các nhà khảo cổ học xác định từ thế kỷ IV - V trước Công nguyên thông qua việc tìm thấy đồng tiền cổ có chữ viết của người Sogdian. Sự ra đời của thành phố gắn liền với truyền thuyết về hoàng đế Siavash, vốn là một hoàng tử Ba Tư. Do bị người mẹ kế buộc tội quyến rũ bà và phản bội vua cha nên ông bị lưu đày biệt xứ, sống lưu vong tới vùng đất Tura. Hoàng tử Siavash cưới công chúa con gái vua Afrasiab của vương quốc Samarkand. Món quà cưới đức vua Afrasiab ban cho Siavah là vùng ốc đảo Bukhara. Từ đó đến nay, mảnh đất này trải qua nhiều thăng trầm suốt chiều dài lịch sử.

Thời hoàng kim của Bukhara vào những năm 900, khi trở thành trung tâm tri thức lớn của thế giới Hồi giáo, chỉ đứng sau Baghdad (Iraq). Năm 1220, thành phố bị Thành Cát Tư Hãn và đội quân Mông Cổ chiếm đóng. Đến năm 1370, Bukhara lại bị chinh phục bởi Tamerlane - vị vua nổi tiếng độc ác nhưng lại rất yêu nghệ thuật. Nhờ vậy, Bukhara thừa hưởng những công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ những năm đầu của thiên niên kỷ thứ nhất đến những năm phồn vinh nhất vào thế kỷ thứ X, rồi những năm sau đó vào thế kỷ XVII - XVIII. Các khu lăng mộ, tháp gạch, nhà thờ Hồi giáo, quần thể các cung điện, khu chợ cổ... đã biến Bukhara trở thành một bảo tàng sống động về một đô thị. Với hơn 140 công trình cổ được UNESCO công nhận, không quá ngạc nhiên khi nhiều người gọi Bukhara là “Thành phố của di sản thế giới”.

Nổi bật ở Bukhara là lăng mộ Ismail Samani - một vị vua của vương triều Samanids (874 - 999) có nguồn gốc Ba Tư, được cho là người góp phần vào việc truyền bá đạo Hồi vào vùng đất này. Đến nay công trình vẫn còn nguyên vẹn. Đây cũng là kiệt tác của kiến trúc Hồi giáo được bảo tồn tốt nhất.

Dấu ấn của thế kỷ thứ XI dưới thời kỳ Karakhanid là sự nổi bật của tháp Poi - Kalyan, một kiệt tác trang trí bằng gạch cùng nhà thờ Hồi giáo Magoki Attori và đền thờ Chashma Ayub. Nằm ở quảng trường Poi Kalon là tháp Kalon Minaret, được xây dựng vào năm 1127, có chiều cao là 45,5m. Đường kính của chân tháp là 9m, phần đỉnh tháp khoảng 6m. Bên trong tháp là một cầu thang hình xoắn ốc có 104 bậc thang dẫn lên phần đỉnh trổ 16 mái vòm trang trí bằng nhũ đá. Khi ánh nắng chiếu vào, mái vòm sẽ phát ra ánh sáng long lanh như được nạm ngọc.

Xưa kia, tháp Kalon Minaret còn được xem như “ngọn hải đăng trên cạn” bởi vào thời kỳ Con đường tơ lụa hoạt động nhộn nhịp, Bukhara là một trong những điểm dừng chân của các thương đoàn. Trên bước đường thiên lý, họ phải đi qua những thảo nguyên mênh mông cũng như những sa mạc nóng bỏng. Vì vậy, vào ban đêm, đỉnh ngọn tháp này được thắp sáng nhằm mục đích chỉ hướng cho các đoàn thương nhân. Ngoài việc để nhắc nhở người Hồi giáo cầu nguyện năm lần mỗi ngày, tháp Kalon Minaret được sử dụng như một đài quan sát thiên văn, hoặc đài quan sát quân sự.

Một công trình đáng chú ý nữa là pháo đài Ark, nay là bảo tàng nghiên cứu lịch sử vùng. Vốn là thành lũy cổ xưa nhất có từ thế kỷ V trước Công nguyên, nằm ở phía tây bắc Bukhara, pháo đài được xây dựng vô cùng kiên cố với tường thành vững chãi. Đây cũng chính là trung tâm lịch sử của Bukhara...

Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Để bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản vô giá tại Bukhara, vào cuối những năm 1960, chương trình phục hồi các công trình cổ bắt đầu được tiến hành dưới thời Liên Xô (cũ), và tiếp nối bởi Uzbekistan kể từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1990. Một trong những quyết định được đánh giá cao của chính quyền lúc bấy giờ là phá đi những tòa nhà được xây dựng vào năm 1950 để bảo vệ quần thể kiến trúc cổ kính đồng nhất và mở rộng một số con đường nhằm tạo không gian thoáng đáng, rộng rãi bao quanh các di tích. Sau khi phục hồi, một số công trình đã được trao cho những công năng khác, vừa để khai thác du lịch, vừa để tạo môi trường sống động cho các tòa nhà lịch sử. Pháo đài Ark nay trở thành bảo tàng lịch sử. Các khu nhà dành cho khách lữ hành trước đây trở thành kho chứa vải vóc. Các trường dạy đạo Hồi trở thành trung tâm thủ công, phòng trưng bày...

Nhiều năm qua, Uzbekistan đã nỗ lực tuân thủ các nghĩa vụ theo Công ước UNESCO về bảo vệ di sản. Một số chương trình của nhà nước đã được công bố để bảo vệ và quản lý tốt hơn các di sản thế giới. Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác, Uzbekistan cũng phải đối mặt với thách thức để tìm ra sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Để giải quyết những khó khăn này, một mặt, chính phủ không ngừng phối hợp chặt chẽ với UNESCO, mặt khác Uzbekistan ký kết nhiều chương trình hợp tác về bảo tồn với các quốc gia có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Tây Ban Nha, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ...

Với tham vọng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất khu vực trong thập kỷ tới, mới đây, Chính phủ Uzbekistan cùng Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu đã ký kết một chương trình thúc đẩy phát triển kho di sản văn hóa theo hướng tiếp cận toàn diện. Đây sẽ là một “đòn bẩy” quan trọng để “viên ngọc” Bukhara tiếp tục tỏa sáng giữa những sa mạc vùng Trung Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bukhara - “Viên ngọc” sáng giữa sa mạc