Kỳ tích giữa lòng Seoul

Thu Hằng| 09/01/2019 07:13

(NSHN) - Dự án khơi lại dòng kênh Cheong Gye Cheon đã giúp Seoul phát triển thành một thành phố nhân văn và thân thiện với môi trường.

(NSHN) - Dự án khơi lại dòng kênh Cheong Gye Cheon đã giúp Seoul phát triển thành một thành phố nhân văn và thân thiện với môi trường. Đây được xem là một thành công lớn trong nỗ lực cải tạo và củng cố mỹ quan đô thị của Seoul thời công nghiệp hóa, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội cho thủ đô Hàn Quốc.

“Cuộc cách mạng 5,8km”

Kênh Cheong Gye Cheon dài 5,8km chảy qua khu vực trung tâm Seoul, sau đó đổ vào sông Jungnangcheon và hợp lưu với sông Hàn để vào Hoàng Hải.

Kênh Cheong Gye Cheon ngày nay.


Dưới thời Joseon (thế kỷ XV), kênh có tên gọi là Gaecheon (sông đào) là dòng chảy huyết mạch của Seoul. Công việc nạo vét, đắp bờ và xây cầu cho người dân được quan tâm như là công việc quan trọng của quốc gia. Gaecheon sau được đổi tên thành Cheong Gye Cheon khi thực dân Nhật xâm lược Hàn Quốc.

Kênh Cheong Gye Cheon năm 1904.


Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), có rất nhiều người di cư đến Seoul kiếm sống, và vì hoàn cảnh họ phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ hai bên bờ Cheong Gye Cheon, hình thành nên những khu ổ chuột. Nguồn nước bị cạn kiệt vì tất cả rác thải sinh hoạt của các khu dân cư này cứ thế đổ thẳng xuống dòng kênh.

Dưới sức ép của sự gia tăng dân số và hoạt động kinh tế ngày càng phát triển, vào năm 1958, dưới thời của Tổng thống Rhee Syng-man, kênh Cheong Gye Cheon bị san lấp và đổ bê tông để xây dựng đường sá. Đây là một trong những tuyến đường tấp nập nhất của thủ đô Seoul.

Kênh Cheong Gye Cheon trước và sau cải tạo.


Năm 1976, dưới thời Tổng thống Park Chung-hee, một tuyến đường cao tốc trên cao được xây dựng trên con đường lấp kênh này, trở thành một minh chứng rõ ràng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công ở Hàn Quốc.

Kênh Cheong Gye Cheon trong quá trình cải tạo.


Bước vào thế kỷ XXI, với mục tiêu cải thiện điều kiện sinh thái khu trung tâm Seoul và quảng bá một thành phố thân thiện với môi trường, tháng 7-2003, Thị trưởng Seoul Lee Myung-bak đã quyết định triển khai dự án khá táo bạo là “Cheong Gye Cheon Culture Belt” (Vành đai văn hóa Cheong Gye Cheon).

Kênh Cheong Gye Cheon trước và sau cải tạo nhìn từ trên cao.


Theo đó, ông cho “bóc” tuyến đường cao tốc (cả ở trên cao) chạy qua trung tâm Seoul lúc nào cũng ùn tắc để hồi phục lại dòng kênh Cheong Gye Cheon. Phe đối lập chỉ trích kịch liệt kế hoạch này vì quan ngại khi phá hủy công trình bê tông chắc chắn sẽ gây ra cảnh giao thông hỗn loạn và nhất là chi phí thực hiện quá tốn kém (900 triệu USD). Bất chấp mọi khó khăn, việc cải tạo kênh Cheong Gye Cheon vẫn được xem là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Kênh Cheong Gye Cheon hồi sinh, trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở Kim chi.


Hàng chục vạn lượt công nhân đã làm việc không kể ngày đêm để đào, bốc hàng triệu tấn bê tông, nhựa đường, cải thiện hệ thống cống ngầm, xây dựng lại 21 chiếc cầu và đường đi bộ dọc theo hai bờ kênh cũng như cảnh quan xung quanh, bơm nước vào dòng kênh.

Trung tâm của những hoạt động kinh tế và văn hóa

Tháng 9-2005 kênh Cheong Gye Cheon hồi sinh không chỉ tạo ra một cảnh quan mới chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa mà còn mở ra một triển vọng cải tạo về kiến trúc, cải thiện về dân sinh và phát triển kinh tế khu vực trung tâm thủ đô Seoul. Dòng kênh trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở Kim chi.

Khu vực kênh Cheong Gye Cheon là trung tâm thu hút người dân và du khách khi đến Seoul.


Dưới dòng nước trong xanh, rất nhiều loại cá, chim chóc và côn trùng bắt đầu sinh sống tại đây. Việc phá bỏ hai con đường có mật độ giao thông khá lớn cũng giúp số lượng phương tiện giao thông đi vào trung tâm thành phố giảm xuống 2,3% trong khi số người sử dụng phương tiện công cộng lại tăng lên.

Kênh Cheong Gye Cheon mang đến một bầu không khí mát mẻ.


Kênh Cheong Gye Cheon cũng mang đến một bầu không khí mát mẻ cho khu vực lân cận với tầm nhiệt độ trung bình thấp hơn 3,6 độ C so với các khu vực khác của Seoul. Môi trường thủ đô như được truyền thêm sinh khí mới.

Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức tại đây.


Hai bên bờ kênh trở thành công viên Cheongye - một điểm du lịch ưa thích của du khách khi đến với Seoul. Không chỉ là một dấu nhấn, một nơi nghỉ ngơi đơn thuần mà đây còn được coi là một không gian văn hóa mới của Seoul, nơi có nhiều chương trình nghệ thuật đường phố đa dạng được tổ chức… Khu chợ Dongdaemun càng tấp nập người mua sắm, xứng danh là khu mua sắm số một của Seoul.

Vị Thị trưởng quyết đoán

Ông Lee Myung-bak đã được tạp chí Time bầu chọn là một trong những “Anh hùng xanh” vì đã theo đuổi chính sách xanh quyết liệt thời còn làm Thị trưởng Seoul.

Khu vực kênh Cheong Gye Cheon về đêm lung linh sắc màu.


Vào thời điểm ông trúng cử chức Thị trưởng Seoul (2002), Seoul mang trong mình nhiều hậu quả từ quá trình đô thị hóa, đầy bụi bặm và ô nhiễm. Bởi vậy, trong nhiệm kỳ của mình, ông Lee đã ưu tiên cho việc cải thiện môi trường. Ông Lee đã làm được nhiều điều thần kỳ cho Seoul.

Dòng nước mát Cheong Gye Cheon hồi sinh đã làm thay đổi thành phố.


Dòng nước mát Cheong Gye Cheon hồi sinh đã làm thay đổi thành phố. Giới chuyên môn xem đây là dự án cải tạo diện mạo đô thị của thủ đô lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Song song với nó, Thị trưởng Lee cũng cho cải thiện hệ thống giao thông Seoul, tăng thêm nhiều xe buýt chạy bằng nhiên liệu thân thiện với môi trường và triển khai dự án “Rừng Seoul” với 400 nghìn cây xanh để góp phần mang lại bầu không khí mát lành cho thành phố… Những việc làm này đã chứng minh rằng, bảo vệ môi trường hoàn toàn có thể song hành với phát triển đô thị. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ tích giữa lòng Seoul