Singapore tươi xanh

Thu Hằng| 31/12/2018 22:51

(NSHN) - “Vườn trong phố” - thương hiệu xanh và sạch của Singapore lâu nay ai cũng biết. Nhưng không chỉ có vậy, người dân quốc đảo Sư tử đã biến cả đất nước của họ thành một công viên khổng lồ...

(NSHN) - “Vườn trong phố” - thương hiệu xanh và sạch của Singapore lâu nay ai cũng biết. Nhưng không chỉ có vậy, người dân quốc đảo Sư tử đã biến cả đất nước của họ thành một công viên khổng lồ...

Trở lại Singapore sau gần 15 năm, tôi vẫn bị ấn tượng bởi màu xanh bao trùm của đảo quốc này. Được xem là đất nước phát triển nhất Đông Nam Á, Singapore đã mọc thêm biết bao công trình mới hiện đại, thế nhưng những mảng xanh nơi đây vẫn không hề bị cắt giảm. Mênh mông bát ngát trong sảnh nhà ga sân bay Changi đẹp, hiện đại là màu xanh cây cối, đâu đâu cũng mát mắt. Có những bức tường cây cao rộng tới mấy tầng nhà. Và những con đường quanh đảo quốc này thì khỏi nói, cây to cây nhỏ, cao thấp xa gần, thậm chí chúng còn leo cả lên lan can đường cao tốc...

Ở Singapore đâu đâu cũng bắt gặp một màu xanh mát mắt.


Singapore đã khéo léo dung hòa giữa thiên nhiên và con người nhằm tạo ra một môi trường xanh và sạch. Trước đây, Singapore được biết đến với tên gọi “Garden City” nhưng hiện nay đất nước này đã tự mình đổi tên thành “City in the Garden”, ý muốn nhấn mạnh hơn nữa yếu tố xanh và thiên nhiên, vốn là thế mạnh của Singapore trong khu vực.

Singapore đã tự mình đổi tên thành “City in the Garden”.


Khi người Anh đặt chân tới Singapore năm 1819, hòn đảo này chỉ là vùng đầm lầy hoang sơ. Sau khi giành độc lập năm 1965, chính phủ của Thủ tướng Lý Quang Diệu biến quốc đảo trở thành đô thị sống đáng mơ ước.

Ông Lý Quang Diệu tham dự một buổi lễ trông cây.


Báo Straits Times cho biết, khi nắm trọng trách phát triển Singapore, ông Lý Quang Diệu tin rằng hình ảnh Singapore sẽ không lẫn vào các nước Thế giới thứ ba chỉ bằng biện pháp đơn giản: Trồng nhiều cây cối để phủ xanh đảo quốc. Với tầm nhìn sâu xa, Lý Quang Diệu tin rằng, một Singapore sạch sẽ và xanh mát sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước trong quá trình vươn lên Thế giới thứ nhất. Mục đích của chiến lược này là làm Singapore trở thành một ốc đảo xanh ở Đông Nam Á, trở thành căn cứ cho việc kinh doanh của các thương gia trên khắp thế giới cũng như là một điểm đến thú vị đối với du khách.

Singapore đã mọc thêm biết bao công trình mới hiện đại nhưng những mảng xanh nơi đây không hề bị cắt giảm.


Trong hồi ký “Từ Thế giới thứ ba đến Thế giới thứ nhất”, ông Lý Quang Diệu chia sẻ: “Sau khi độc lập, tôi luôn đau đáu suy nghĩ về những biện pháp để tách bạch hình ảnh Singapore với các nước Thế giới thứ ba. Tôi quyết định phải cải thiện môi trường và cảnh quan Singapore. Phủ xanh thành phố là kế hoạch hiệu quả nhất mà tôi từng phát động”.

Singapore chú trọng mở rộng độ che phủ của cây xanh để giảm hệ quả tiêu cực của quá trình đô thị hóa, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống.


Trong những thập kỷ điều hành đất nước, Thủ tướng Lý Quang Diệu luôn quyết liệt hiện thực giấc mơ "thành phố vườn" ở Singapore. Ông nhấn mạnh việc mở rộng độ che phủ của cây xanh để giảm hệ quả tiêu cực của quá trình đô thị hóa, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, cây xanh còn góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị, đặc biệt khi đến mùa hoa nở, thu hút những chú chim đến làm tổ và mang lại âm thanh rộn rã cho phố phường. “Những mảng xanh trong thành phố cũng giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, khiến họ tự hào về những thực thể tồn tại xung quanh. Chúng tôi hướng dẫn họ chăm sóc cây xanh và không phá hoại cây cối” - ông Lý Quang Diệu kể trong hồi ký.

Singapore Botanic Garden - khu vườn gần 160 năm tuổi  được UNESCO công nhận là di sản quốc gia đầu tiên của Singapore.


Thành phố đã xanh sạch đẹp như vậy nhưng chính phủ Singapore hiện nay vẫn tìm cách cải thiện tình hình. Một dự án lớn, do một quan chức của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tiết lộ, là đang nghiên cứu làm sao giảm nhiệt độ toàn thành phố xuống 4 độ C. Nhiệt độ ngoài đường chứ không phải trong các tòa nhà, vốn đã được điều hòa gần như liên tục. Một phương án là sơn lại tất cả các con đường và mái nhà bằng màu sáng và loại sơn đặc biệt không hấp thụ nhiệt.

Màu xanh ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS).


Đảo quốc Sư tử ngày nay được đánh giá là một đất nước xanh và văn minh. Có được điều này, ngoài sự "hiển hiện" của một bộ máy điều hành quốc gia quy củ, còn bởi một lý do rất lớn là ý thức người dân. Thế nhưng mấy ai biết được rằng, hơn nửa thế kỷ trước, Singapore có nền tảng thấp. “Hàng nghìn người bán thức ăn trên hè phố không đếm xỉa gì đến giao thông, sức khỏe và các lý do khác. Rác rưởi, mùi hôi của các thức ăn đã bị thối rữa và các âm thanh hỗn loạn đã khiến nhiều khu vực của thành phố biến thành những khu ổ chuột”... Sự thay da đổi thịt này không tự nhiên mà có, nó nằm ở quyết tâm và ý chí con người.

Những biện pháp quyết liệt của Singapore đã giúp đường phố có được sự trật tự.


Trong hồi ký, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cho biết, sau khi chọn “Singapore xanh và sạch” làm sự khác biệt với các nước thuộc Thế giới thứ ba khác, ông nhanh chóng nhận ra, cơ sở hạ tầng cơ bản dễ cải tiến hơn “cung cách cộc cằn của người dân”. Bởi lẽ, dù đã đến sống trong những căn hộ hiện đại nhưng họ vẫn giữ những nếp sống kém văn minh, không thân thiện... “Chúng tôi đã phải làm việc cật lực để xóa bỏ việc vứt rác bừa bãi, những âm thanh ồn ào, thái độ thô lỗ và hướng dẫn người dân trở nên ý tứ và lịch sự hơn” - ông Lý Quang Diệu viết.

Singapore ngày nay đã là một công viên khổng lồ.


Thời điểm đó, nhà lập quốc của Singapore cho rằng, không thể “làm sạch” thành phố bằng cách di dời những người bán hàng rong hay những taxi bất hợp pháp. Điều này chỉ xảy ra sau năm 1971, khi chính phủ tạo ra được nhiều việc làm, luật pháp mới có thể thi hành. “Chúng tôi cấp giấy phép kinh doanh cho những người bán hàng rong và chuyển họ từ lề đường vào trung tâm dành cho những người bán hàng rong với hệ thống cấp thoát nước, cống rãnh và chỗ đổ rác. Mãi đến đầu những năm 1980, chúng tôi mới tái ổn định tất cả những người bán hàng rong. Kết quả, một vài người trong số đó làm những món ăn tuyệt hảo hấp dẫn khách du lịch. Một vài trong số đó trở thành những nhà triệu phú đi làm bằng xe Mercedes-Benz và thuê người phục vụ” - ông Lý viết trong hồi ký.

Khu vườn thực vật nhân tạo rộng 101ha này nằm ngay trung tâm khu đô thị mới của Singapore bên bờ vịnh Marina, là sự kết hợp hài hòa giữa đô thị với thiên nhiên nhằm đảm bảo vẻ đẹp của cảnh quan đô thị và tăng chất lượng cuộc sống con người.


Những biện pháp cứng rắn, quyết liệt của ông Lý đã giúp đường phố Singapore dần có được sự trật tự. Ngày nay, ở Singapore có tới hàng ngàn Food court (nơi bán hàng tập trung của những người bán hàng rong), thường gắn liền với các khu dân cư, trung tâm thương mại với giá cả bình dân. Giao dịch ở đây chủ yếu bằng tiền mặt. Đồ ăn uống và giải khát ở Food court rất phong phú. Khách có thể gọi món ở nhiều quầy và ngồi tập trung thưởng thức cùng nhau. Dịch vụ thu dọn và rửa bát tập trung, rất sạch sẽ và tiện lợi. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Singapore tươi xanh