Giải tỏa ''cơn khát'' không gian công cộng

Hoàng Lan| 17/06/2021 14:40

(HNNN) - Quá trình đô thị hóa mang lại cho Hà Nội một bộ mặt mới khang trang hiện đại hơn nhưng đi liền với nó là các không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp. Phần đông người dân Hà Nội vẫn đang “khát” khoảng không gian chung phục vụ nhu cầu vui chơi thư giãn bởi đa phần khoảng không ấy ngay từ đầu đã không được tính đến hoặc nếu có cũng đang lần lượt “nhường chỗ” cho bãi trông giữ xe tự phát, quán ăn tạm hay các cửa hàng tạp hóa...

Không gian công cộng góp phần quan trọng tạo nên chất lượng sống của người dân Thủ đô (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).

Vẫn thiếu và bị chiếm dụng

Khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, vào những ngày cuối tuần hay buổi chiều tối, tại khu vực hồ Tây, các công viên như Cầu Giấy, Thống Nhất, Hòa Bình, Nghĩa Đô, Yên Sở, không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận... thường chật kín người đến hóng mát, vui chơi, tập thể dục. Thực tế này phần nào phản ánh cuộc sống người dân đô thị đang ngày càng bị bó hẹp trong những căn hộ bức bối, họ khát khao có được một không gian công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, thư giãn...

Mặc dù nhu cầu ngày càng lớn và bức thiết như vậy, nhưng các khoảng không gian công cộng tại Hà Nội lại đang thiếu. Điều này có thể thấy rõ nhất ở Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Khi mới ra đời cách đây hơn hai chục năm, nơi đây được coi là khu đô thị kiểu mẫu được thiết kế bài bản, đáp ứng được nhu cầu về không gian sống và đặc biệt không gian công cộng với đầy đủ hồ nước, cây xanh, khu vui chơi... Nhưng điều đó chỉ duy trì được trong khoảng thời gian đầu. Giờ đây, khoảng không gian công cộng ấy đang bị “băm nát” bởi các nhà hàng, các quán ăn tạm, bãi gửi xe...

Chị Nguyễn Hồng Vân sống tại tòa CT1 Khu đô thị Linh Đàm cho biết: Mặc dù chủ đầu tư luôn quảng cáo về các tiện ích đi kèm như công viên, hồ nước, khu vui chơi công cộng rộng rãi dành cho trẻ em nhưng tại các khu vực này, khoảng sân dưới các tòa nhà vẫn bị chiếm dụng thành bãi gửi xe, chợ cóc, nơi kinh doanh hàng quán. Trẻ con, người lớn không có không gian sinh hoạt chung nên rất bức bối, khó chịu.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở hầu khắp các khu đô thị, khu chung cư trên địa bàn thành phố. Đơn cử, từ nhiều năm nay, một nửa sân chung nhà H2 khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) đã trở thành quán caramen và bánh giò khá nổi tiếng với giới trẻ Hà thành. “Ăn” theo hai quán này, người cung cấp dịch vụ gửi xe cũng tận dụng luôn khoảng sân còn lại làm nơi kiếm sống. Tương tự, tại các khu tập thể bên cạnh như H4, H5, B1, B2 Nguyễn Công Trứ, khu tập thể 190 Lò Đúc..., khoảng không gian công cộng cũng bị lấn chiếm bởi các hàng ăn, quán giải khát, cửa hàng gội đầu, cắt tóc...

Khảo sát các khu tập thể Bách Khoa, Giảng Võ, Kim Liên, Tân Mai..., ở đâu sân chơi chung cũng bị một nhóm người sử dụng vào mục đích riêng. Chỗ chơi cho trẻ em, chỗ tập dưỡng sinh cho người già hay đơn giản là khoảng không gian đủ để dăm ba chiếc ghế đá cho các cụ về hưu chơi cờ, hàn huyên mỗi chiều không được ai quan tâm. Chị Trần Huyền Trang, một trong những người sống ở Khu tập thể Nguyễn Công Trứ cho biết, thiếu khoảng không gian để vui đùa, bọn trẻ đi học về là ngồi xem tivi, chơi điện tử hay nô đùa dọc hành lang... Vài cháu, do không có sân đá bóng, đã mang bóng lên hành lang các tầng trong khu tập thể để chơi.

Tìm giải pháp tổng thể

Ở nước ta, thuật ngữ không gian công cộng lần đầu tiên xuất hiện trong Nghị định số 42/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, không gian công cộng chưa được quan tâm, đầu tư và quản lý một các sát sao, do đó tỷ lệ không gian công cộng chỗ thiếu, chỗ thừa.

Là người gắn bó với các dự án xây dựng sân chơi, khoảng không gian công cộng trong nhiều năm qua, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, nhà đồng sáng lập dự án Think Playgrounds khẳng định: “Nguyên nhân không gian công cộng của Hà Nội đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị mới mọc lên trong khi diện tích đất dành cho mục đích công cộng không được chú trọng. Bên cạnh đó, ý thức người dân chưa được tốt, chưa hiểu hết về tác dụng và lợi ích của không gian công cộng với đời sống của chính gia đình mình nên họ vô tư chiếm dụng khoảng không gian chung. Thêm vào đó, công tác quản lý không gian chung còn yếu kém, lỏng lẻo. Sau nhiều năm làm sân chơi chung cho các khu dân cư, tôi nhận thấy các dự án dành cho công cộng chỉ thành công khi chính quyền cơ sở quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng và sát sao trong các hoạt động quản lý, giữ gìn mặt bằng, không gian chung sau đó”.

Đánh giá về thực trạng không gian công cộng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng nhận định: Trên thực tế, vấn đề quy hoạch khoảng không, cây xanh đã được thành phố Hà Nội rất quan tâm, có đầy đủ cơ sở pháp lý với nhiều giải pháp nhưng trong quá trình triển khai còn gặp vướng mắc ở nguồn lực và ý thức cộng đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc cảnh quan xanh đô thị, cho rằng, trước mắt, để bảo đảm cho mạng lưới khu vui chơi công cộng thật sự là những địa điểm vui chơi văn minh, sạch đẹp, an toàn, trật tự, chính quyền và các cơ quan chức năng cần triển khai thực hiện những biện pháp khả thi trong việc phân công trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo vệ các công trình này.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy chế, nội quy sinh hoạt ở nơi công cộng đồng thời tăng cường các biện pháp, chế tài xử phạt đối với người vi phạm nếp sống văn minh. Có như vậy, diện mạo của hệ thống công viên, vườn hoa, nơi vui chơi công cộng của Thủ đô Hà Nội mới thật sự thay đổi, chất lượng đời sống của người dân được nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải tỏa ''cơn khát'' không gian công cộng