Hiệu quả từ trồng rừng sinh thái

Bạch Thanh| 07/04/2021 07:28

(HNM) - Những năm qua, diện tích rừng trồng keo, bạch đàn trên địa bàn thành phố bộc lộ nhiều hạn chế, sinh trưởng kém, năng suất thấp, gây thoái hóa đất. Vì thế, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh sang trồng rừng sinh thái, cây gỗ lớn. Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện giải pháp này, các mô hình chuyển đổi đang khẳng định hiệu quả, cần nhân rộng.

Mô hình chuyển đổi trồng rừng keo, bạch đàn sang cây sao đen tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Văn Bốn ở thôn 3, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) là một trong những hộ mạnh dạn chuyển từ rừng trồng keo, bạch đàn sang trồng cây sao đen, cây hông, cây bóng mát... "Gia đình tôi có 10ha rừng trồng. Trước kia trồng bạch đàn, keo, sau 5-7 năm, thu hoạch chỉ được vài chục triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi rất ít; nay, chuyển đổi cơ cấu cây lâm nghiệp mới, giá trị rừng trồng của gia đình đã tăng tới 7 lần", ông Bốn chia sẻ.

Tương tự, gia đình anh Quách Đình Phòng ở thôn 3, xã Tiến Xuân có hơn 1ha rừng trồng. Trước kia, trồng keo, bạch đàn nhưng 5 năm nay, anh chuyển sang trồng cây sấu. "Nếu như keo, bạch đàn 5-7 năm mới cho thu hoạch, thì trồng sấu thu được cả gỗ và quả, giá trị khoảng 100 triệu đồng/ha/năm; môi trường sinh thái, chất lượng rừng tăng", anh Phòng phân tích.

Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Quách Đình Thắng thông tin, toàn xã có 644ha rừng trồng thì 85% diện tích là keo, bạch đàn, giá trị thấp. Hầu hết diện tích trồng keo, bạch đàn tự phát, phân tán trên đất dễ xói mòn, gây thoái hóa đất. Theo xu hướng chung của thành phố về nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp gắn với nâng cao chất lượng rừng, xã đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình trồng cây hông, sao đen, sấu, cây công trình… giá trị đạt 100-300 triệu đồng/ha/năm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, trên địa bàn thành phố, diện tích rừng trồng thuần loài keo, bạch đàn, hỗn giao keo, bạch đàn khoảng 9.637ha, tổng trữ lượng gỗ khoảng 574.000m3. Theo tính toán, trồng rừng keo, bạch đàn, sau khi trừ chi phí, cho thu nhập chỉ 2,3-2,8 triệu đồng/ha/năm - đây là mô hình có mức thu nhập thấp, cũng là hạn chế, bởi một số mô hình nông - lâm kết hợp của Hà Nội đã đạt 150 triệu đồng/ha/năm...

Trước những hạn chế trên, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái trên địa bàn giai đoạn 2014-2017. Qua kết quả điều tra thực địa năm 2020, một số địa phương bắt đầu chuyển đổi, thay thế loài keo, bạch đàn bằng cây bản địa (khoảng 18,74ha), tập trung chủ yếu tại các huyện: Thạch Thất (18,24ha, chiếm 97% tổng diện tích rừng keo, bạch đàn chuyển đổi của thành phố), Ba Vì (0,5ha, chiếm 3%).

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, mặc dù đã có đề án trồng rừng thay thế nhưng do chưa có cơ chế khuyến khích hộ trồng rừng nên tiến độ còn chậm. Do vậy, rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế rừng bền vững, bảo vệ môi trường.

Để phát huy giá trị mô hình chuyển đổi trồng rừng sinh thái, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ nêu kế hoạch: Đến năm 2025, hỗ trợ trồng rừng thay thế rừng keo, bạch đàn có giá trị thấp khoảng 1.000ha. Trong đó, ưu tiên trồng cây bản địa và cây lấy gỗ lớn, chu kỳ dài, có giá trị kinh tế cao, tập trung tại 6 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây. Chi phí khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, mức hỗ trợ 300.000 đồng/ha. Đối với trồng rừng mới, các loài cây sản xuất gỗ lớn, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha; các loài cây gỗ nhỏ, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; các loài cây bản địa, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha… Với cơ chế, chính sách hỗ trợ trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc trồng rừng sinh thái đạt hiệu quả bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ trồng rừng sinh thái