"Giao lộ leng keng'' - nơi quá khứ và hiện tại đan xen, hòa quyện

Trà Giang| 14/02/2021 06:54

(HNMCT) - Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Lê Trung Hiếu luôn vấn vương tiếng tàu điện leng keng. Cơ duyên đưa anh đến với ngành đường sắt để từ đó trong anh nhen nhóm ý tưởng hiện thực hóa một “Giao lộ leng keng”.

Tàu điện trên đường phố Hà Nội xưa. Ảnh: Von Frank

Nỗi hoài nhớ

Tác giả Lê Trung Hiếu hiện là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban, Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. 20 năm công tác trong ngành đường sắt cùng với những ký ức về Hà Nội một thời chưa xa gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ đã tạo cho anh cảm xúc vô bờ mỗi khi nhắc đến tàu điện. 

Lê Trung Hiếu kể: “Tôi thuộc thế hệ 7x, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nên gắn bó với tiếng tàu điện. Tôi còn nhớ bài vè về tàu điện thuở đó: “Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài/ Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh/ Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành/ Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường/ “La ga” thì ở Thụy Chương/ Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên/ Bồi bếp cho chí bồi bàn/ Chạy tiền ký cược đi làm “sơ vơ”/ Xưa nay có thế bao giờ/ Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba...” (Thụy Chương: tên cũ của Thụy Khuê; “laga” tức nhà ga xe điện; “sơ vơ” là người bán vé kiêm cầm cần vẹt). Tiếng tàu điện “leng keng” đã đi vào ký ức, trở thành nỗi nhớ và tình yêu. Không chỉ là phương tiện vận tải công cộng, tàu điện còn là nét văn hóa gần gũi với người Hà Nội đã đi vào thơ ca, những hình ảnh còn lưu giữ về tàu điện Bờ Hồ”.

Theo sử liệu, Hà Nội từng có một hệ thống tàu điện mặt đất (tramway) tồn tại trong gần một thế kỷ, từ năm 1900 đến 1990. Tháng 5-1890, Công ty Điền địa Đông Dương xin phép chính quyền đô hộ thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là “Nhà máy xe điện”. Nhà máy đó đặt ở đầu làng Thụy Khuê. Từ ga trung tâm ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường tàu điện tỏa ra các ngả, dẫn tới Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, chợ Mơ, Vọng. Với chiều dài khoảng 50km, một depot (nhà tập kết, bến chính, nơi sửa chữa) đặt ở phố Thụy Khuê bây giờ, tàu điện phát triển mạnh nhất vào những năm 1930 - 1940, thời kỳ hưng thịnh nhất, tàu điện vận chuyển trên 40 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Khi thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội năm 1954, cơ sở vật chất không còn gì nhưng tàu điện đã phục hồi và phát triển nhanh chóng. Năm 1968, Thành phố đã có ý định hiện đại hóa tàu điện nên cử một đoàn đi nghiên cứu tàu điện ở Rumani, nhưng dự định không thành do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sang những năm đầu thập niên 80, tàu điện xuống cấp, mỗi năm chỉ còn khoảng 8 triệu lượt khách. Sau đó, vì nhiều lý do, tàu điện không còn cần thiết nữa. Toa tàu để gỉ, mục nát ở Thụy Khuê. Những thanh tà vẹt được bóc dỡ dần trong nỗi day dứt của biết bao người.

Tàu điện không đơn thuần là phương tiện vận chuyển, nó còn gắn với văn hóa, lịch sử, con người Hà Nội của một thời kỳ đã qua. Trong ký ức người dân Thủ đô về mùa đông năm 1946 khi Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những toa tàu điện trở thành lũy thép bảo vệ Thủ đô.

“Thực ra tàu điện là phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, rẻ tiền. Vé mua một lần đi suốt một tuyến thường chỉ có 5 xu, tương đương với ngày nay mua một quả chuối, hoặc một phần mười giá tiền bát phở bình dân”, anh Hiếu chia sẻ.

Hình ảnh đoàn tàu điện ngày xưa đã phai màu thời gian tại Depot Thụy Khuê.

Ý tưởng sáng tạo đặc biệt

Nỗi nhớ khôn nguôi về một thời đã qua, về hình ảnh những toa tàu nhuốm màu thời gian lại được khơi dậy trong mỗi người Hà Nội khi xem những thước phim tư liệu, những bức ảnh hoặc tác phẩm nghệ thuật, tranh bích họa... Và anh Lê Trung Hiếu cũng đau đáu cảm giác rằng ký ức, nét đẹp hoài cổ của tàu điện đang dần phai nhạt. Nếu không muốn ký ức đẹp đó một ngày nào đó sẽ hoàn toàn biến mất, Hà Nội thực sự mất đi một nét lãng mạn thì phải có một nơi lưu giữ nó. Những hình ảnh, hiện vật, thậm chí là “tiếng leng keng tàu sớm khuya” rất cần một nơi để trưng bày, phục dựng, giới thiệu cho người dân và du khách. Tàu điện Bờ Hồ - kỷ niệm nao lòng của quá khứ cần một nơi để neo lại, một con đường để chạy xuyên qua thời gian.

Hoài niệm cùng kinh nghiệm 20 năm gắn bó với ngành đường sắt đã hình thành trong anh Lê Trung Hiếu ý tưởng về một “Giao lộ leng keng”. Theo anh Hiếu, Hà Nội đang dần hình thành những tuyến đường sắt đô thị mới. Khác với vẻ đẹp trầm lắng của tàu điện mặt đất, tàu điện trên cao và tàu điện ngầm mang vẻ đẹp hiện đại. Cùng với những hoài niệm đẹp về tàu điện xưa, Hà Nội cũng cần lưu lại dấu ấn của đường sắt đô thị hiện đại. Và cách tốt nhất là tạo nên một “Giao lộ leng keng”, nơi quá khứ và hiện tại gặp nhau, đan xen, hòa quyện, tạo nên một bức tranh toàn cảnh đường sắt đô thị của Hà Nội. Giao lộ này có thể trở thành điểm nhấn văn hóa, góp phần xây dựng hình ảnh “Thành phố vì hòa bình”, Thủ đô văn minh và lịch lãm.

“Thiết nghĩ, không một nhà ga nào phù hợp để lưu giữ ký ức, quảng bá nét đẹp của tàu điện đến người dân và du khách hơn nhà ga bên hồ Hoàn Kiếm (ga C9) của tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Bởi nhà ga này nằm ở vị trí đắc địa, nơi mà bất cứ người dân hay du khách nào cũng muốn tới khi đến Hà Nội. Hơn nữa, hồ Hoàn Kiếm tự nó đã là nơi giao thoa giữa lịch sử - hiện tại và tương lai, nơi được coi là trái tim của Hà Nội”, anh Hiếu chia sẻ. Theo ý tưởng này, “Giao lộ leng keng” sẽ là nơi trưng bày các hình ảnh, hiện vật; được trang trí bằng những bức bích họa, cùng âm thanh, ánh sáng tổng hòa lại nhằm tái hiện không gian văn hóa gắn liền với tàu điện xưa nay.

Ý tưởng “Giao lộ leng keng” của tác giả Lê Trung Hiếu đã được trao tặng giải đặc biệt cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, Thành phố hòa bình” do Công đoàn Viên chức Thành phố phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức, tổng kết vào đầu tháng 10-2020. Ban tổ chức cuộc thi đánh giá rất cao tính khả thi của ý tưởng này bởi trên thế giới, ý tưởng đưa các nhà ga trung tâm trở thành nơi du khách có thể tham quan, hồi tưởng về lịch sử một cách sống động cũng đã được áp dụng thành công tại nhiều nhà ga lớn trên thế giới. Chẳng hạn như tuyến tàu điện ngầm ở Rome Line C, nhà ga San Giovanni (Rome), sảnh vào của ga tàu điện ngầm được thiết kế như một bảo tàng ngầm trưng bày những hiện vật theo từng giai đoạn lịch sử. Hay ga tàu điện ngầm “Quảng trường Cách mạng” trên tuyến Arbat - Pokrovsk tại Mátxcơva (Nga) có phòng trưng bày “Lịch sử Liên Xô” cũng rất thu hút người xem...

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đánh giá: Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Việc chúng ta có những ý tưởng sáng tạo là đã tiếp cận với tầm nhìn thế giới. “Giao lộ leng keng” là ý tưởng sáng tạo thể hiện được chất riêng của Hà Nội.

Lê Trung Hiếu - tác giả ý tưởng “Giao lộ leng keng”.

“Giao lộ leng keng” được kết tinh từ ký ức đẹp của một người con Hà Nội yêu và gắn bó với ngành đường sắt. Nếu bước từ ý tưởng ra thực tế, chắc chắn Hà Nội sẽ có thêm một điểm nhấn văn hóa, du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh Thành phố sáng tạo. Và người dân Hà Nội lại có cơ hội được nghe tiếng tàu điện leng keng tại Bờ Hồ, được sống lại cảm xúc về một Hà Nội cổ kính, trầm lắng và lãng mạn, để nhớ và tự hào về Thủ đô ngàn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Giao lộ leng keng'' - nơi quá khứ và hiện tại đan xen, hòa quyện