Làng bánh chưng Lỗ Khê vào Tết

Đỗ Minh| 06/02/2021 15:09

(NSHN) - Những ngày giáp Tết, khắp thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (huyện Đông Anh) nhộn nhịp trong mùi thơm của gạo nếp và lá dong. Những chiếc bánh chưng đã đem phong vị Tết cổ truyền của người Việt đến khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới…

Gạo nếp cái hoa vàng được ngâm từ 30 đến 60 phút mới đạt độ nở để gói bánh chưng.

Nhộn nhịp ngày giáp Tết

Những ngày này, thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà tất bật từ xóm trên đến xóm dưới, người rửa lá, ngâm đậu, người gói bánh, luộc bánh... Là hộ dân có nhiều năm làm nghề gói bánh chưng, bà Phạm Thị Lành chia sẻ: “Nghề làm bánh chưng ở Lỗ Khê có từ khi nào, các bậc cao niên trong làng cũng không nhớ được, chỉ biết rằng, khi họ lớn lên thì đã có rồi. Cứ vậy, lớp người trước truyền lại cho lớp người sau và gói bánh chưng đã trở thành một nghề truyền thống của làng. Riêng gia đình tôi đã có 4 đời làm nghề này…”.

Những miếng thịt lợn ba chỉ được chọn, tẩm ướp kỹ càng.

Bí thư Chi bộ thôn Lỗ Khê Nguyễn Thị Xuân cho hay, người làng đều biết gói bánh chưng, còn làm chuyên nghiệp và quanh năm chỉ có 5-7 hộ. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, các cơ quan, đơn vị đến đặt bánh rất nhiều, lên đến cả vạn chiếc, nên xóm trên, xóm dưới đỏ lửa cả ngày, đưa mùi hương bánh chưng đi khắp làng...

“Gói bánh chưng dịp Tết lời lãi chẳng bao nhiêu, bởi muốn làm kịp đơn hàng thì các hộ đều phải thuê nhân công với giá rất cao. Thế nhưng vì yêu nghề, không muốn nghề gói bánh chưng ở Lỗ Khê bị mai một nên người dân nơi đây quyết tâm giữ nghề cho bằng được…” - bà Phạm Thị Lành chia sẻ.

Từng lớp gạo, thịt, đỗ đều theo tỷ lệ để bánh chưng Lỗ Khê có độ dẻo và nhân, vỏ đều nhau.

Cũng trong câu chuyện về những chiếc bánh chưng Lỗ Khê, chị Nguyễn Thị Tuyến tâm sự: “Những ngày này, tôi phải thuê 4 người gói bánh, mỗi người gói được hơn 100 chiếc một ngày. Còn khâu tước lá, ngâm đậu, vo gạo, luộc bánh, vớt bánh… do người trong gia đình đảm nhiệm”.

Bí thư Chi bộ thôn Lỗ Khê Nguyễn Thị Xuân nói với phóng viên Báo Hànộimới: "Chúng tôi rất tự hào và trân quý những giá trị truyền thống mà cha ông để lại. Mỗi dịp Tết đến, người dân khắp nơi đổ về đây đặt mua bánh chưng. Bánh chưng Lỗ Khê không chỉ gửi đi khắp mọi miền đất nước, mà còn có nhiều đơn hàng xuất ra nước ngoài…" 

Đặc sắc bánh chưng Lỗ Khê

Không nổi tiếng như bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), nhưng bánh chưng Lỗ Khê có nét đặc sắc riêng. Bà Phạm Thị Lành cho biết, người làng Lỗ Khê thường gói thứ bánh dài, hình ống. Còn bánh chưng vuông thì rất ít, chủ yếu là để thắp hương, cúng lễ tổ tiên và làm theo yêu cầu của khách hàng vào dịp Tết.

Bánh chưng sau khi luộc từ 6 đến 8 tiếng được vớt ra, để ráo trên các giá.

Nguyên liệu gói bánh cũng rất cầu kỳ. Lá dong phải là loại to, xanh mướt và được rửa sạch trước vài ngày cho ráo nước để khi luộc chín không bị nhớp nháp. Gạo gói bánh phải là thứ nếp cái hoa vàng được trồng trên vùng đất Lỗ Khê. Đậu xanh là loại còn nguyên vỏ, sau đó đem ngâm rồi đãi, tuyệt đối không dùng loại đậu tách vỏ, làm sẵn. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ với độ mỡ, nạc đều nhau và phải là thịt lợn sạch….

Còn khâu gói bánh, theo chị Nguyễn Thị Tuyến, bánh chưng Lỗ Khê được gói bằng khuôn. Với loại bánh hình trụ này, khi gói, phần quan trọng nhất là giàn dây go, một loại dây vải để định hình chiếc bánh. Sau khi bánh được tạo hình mới dùng dây lạt mềm để gói chắc chắn và lúc này, dây go sẽ được tháo ra. Bánh chưng Lỗ Khê thường được nấu trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 giờ đồng hồ, sau đó vớt ra và nhúng vào nước cho nguội… Người Lỗ Khê cũng có những cách riêng để bảo quản, giữ cho bánh chưng đậm đà hương vị.

Bánh chưng Lỗ Khê sau khi luộc, ráo nước sẽ được hút chân không nhằm bảo quản được nhiều ngày.

Một cái Tết ấm áp, no đủ như đến gần hơn với người dân Lỗ Khê trong chiều ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu với mùi hương đặc biệt của bánh chưng, những chuyến xe ra vào đưa hàng đi khắp nơi và rất nhiều câu chuyện thú vị... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng bánh chưng Lỗ Khê vào Tết