Biến ước mơ thành hiện thực...

Thùy Ngân| 14/01/2021 06:33

(HNM) - Với ước mơ góp sức bảo vệ môi trường sống, Bùi Hạnh Nguyên, chủ cơ sở “Touched.Studio - Xưởng Chạm” đã đi khắp các vùng miền Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai... để tìm kiếm nguồn nguyên liệu sạch làm đồ thủ công cho trẻ em. Sau thời gian dài tìm kiếm, Bùi Hạnh Nguyên đã biến ước mơ trở thành hiện thực khi tìm được vải gai dầu của người dân tộc Mông ở Hà Giang - loại vải vừa thân thiện với môi trường vừa an toàn cho người sử dụng, đồng thời lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến nhiều người khác.

Bùi Hạnh Nguyên (ngoài cùng bên phải) cùng các em nhỏ hoàn thành việc nhuộm vải tự nhiên ở buổi trải nghiệm, sáng tạo đồ chơi tổ chức tại Trường Liên cấp SenTia (quận Nam Từ Liêm).

Từ tìm nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường...

Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Bùi Hạnh Nguyên (ở số nhà 113, ngõ 7 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) làm việc trong ngành công nghiệp dệt may ở vị trí thiết kế sản phẩm. Nhưng khi nhận thấy, ngành công nghiệp thời trang cho ra đời hàng loạt sản phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cô gái trẻ đã đi tìm nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường ở vùng cao Việt Nam. Từ đó, vừa thỏa mong ước sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, sản xuất ra sản phẩm thuần Việt thân thiện với môi trường vừa mang lại công việc cho bà con dân tộc thiểu số.

Đi khắp các vùng miền Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai... Bùi Hạnh Nguyên mới tìm được loại vải gai dầu - một trong những loại vải cổ nhất của người Mông ở Hà Giang, với quy trình từ trồng hạt, tuốt sợi, làm mềm, dệt vải hoàn toàn thủ công, càng sử dụng vải càng mềm. Đặc biệt là vải khi cũ hỏng không gây hại đến môi trường. Ý tưởng của Bùi Hạnh Nguyên đã được nhận chứng nhận của Hội đồng Anh tại cuộc thi Thủ công và Thiết kế năm 2017-2018 vì đã góp phần đưa ra giải pháp cho vấn đề sinh kế bền vững cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, thúc đẩy cách tiếp cận kinh doanh bền vững và có đạo đức, bảo vệ môi trường...

“Tôi muốn trở thành khách hàng thường xuyên của bà con dân tộc thiểu số. Ngoài giúp họ nâng cao thu nhập, giữ gìn nghề truyền thống, tôi còn mong muốn tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường”, Bùi Hạnh Nguyên cho biết.

... đến lan tỏa giá trị đẹp

Ban đầu Bùi Hạnh Nguyên mong muốn sản xuất quần áo từ vải gai dầu nhưng vì khổ vải dệt tay nhỏ (50-60cm), giá thành sản phẩm cao nên cô gái trẻ chuyển hướng sang thiết kế đồ chơi trẻ em và tìm tới các cửa hàng may quần áo xin vải vụn...

Chị Trần Như Quỳnh, chủ tiệm may ở ngõ 115 phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), nơi Hạnh Nguyên đến xin vải vụn cho biết: “Mỗi tháng, cửa hàng may vứt bỏ nhiều vải vụn sau khi cắt may quần áo. Từ khi phân loại cho Hạnh Nguyên dùng tái chế, tôi rất vui vì đã góp phần hạn chế rác thải ra môi trường”. Còn chị Nguyễn Minh Trang, phụ trách việc nhồi bông ở “Touched.Studio - Xưởng Chạm” chia sẻ: “Tôi đã bị lôi cuốn bởi ước mơ về một môi trường sống sạch, đẹp, không ô nhiễm của Hạnh Nguyên và quyết định đồng hành cùng cơ sở “Touched.Studio - Xưởng Chạm” làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường”.

Bước đầu, Hạnh Nguyên đã tổ chức thành công 20 buổi trải nghiệm, sáng tạo đồ chơi từ vải thủ công cho các em nhỏ, vừa khơi gợi niềm đam mê sáng tạo, vừa hướng các em tới việc chung tay bảo vệ môi trường. Bé Nguyễn Hiền Minh An (phố Yên Phụ, quận Tây Hồ) cho biết: “Em rất thích khi được tự tay hoàn thành búp bê bằng vải gai dầu không ảnh hưởng đến môi trường khi cũ hỏng”.

Mẹ của Nguyễn Hiền Minh An - chị Nghiêm Quỳnh Phương cho hay: “Tôi đưa con đến với hoạt động của “Touched.Studio - Xưởng Chạm” vì muốn  con ra ngoài chơi thay cho việc ngồi nhà xem điện thoại, ti vi. Không ngờ, khi tham gia trải nghiệm, cháu đã bị thuyết phục bởi câu chuyện nhân văn về sản phẩm thân thiện môi trường và điều đó cũng lan tỏa sang tôi”.

Về những gì Hạnh Nguyên đã và đang làm, anh Trịnh Đức Hồng (phố An Dương, quận Ba Đình), có con tham gia một buổi trao đổi, sáng tạo chia sẻ: “Trực tiếp tham gia trải nghiệm mới thấy rõ ý nghĩa nhân văn trong câu chuyện mà Hạnh Nguyên đang làm tại “Touched.Studio - Xưởng Chạm” khi không chỉ phát triển sản phẩm thủ công truyền thống, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn sáng tạo đồ chơi an toàn, thân thiện môi trường cho trẻ em. Tôi hy vọng những hành động đẹp này sẽ tiếp tục được lan tỏa trong cộng đồng”.

“Mỗi sản phẩm bán được, “Touched.Studio - Xưởng Chạm” trích 5% để gây quỹ cộng đồng bảo vệ môi trường. Năm 2021, tôi sẽ mở lớp học làm đồ chơi miễn phí từ vải vụn cho trẻ em thiệt thòi nơi bãi giữa sông Hồng. Tôi hy vọng sẽ mang đến niềm vui cho trẻ nhỏ, tạo sân chơi bình đẳng đồng thời đánh thức khả năng sáng tạo trong các em”, Hạnh Nguyên cho biết.

Hơn ba năm tìm tòi nguồn nguyên liệu và sáng tạo sản phẩm thủ công truyền thống, như Hạnh Nguyên cho biết, đó giống một “cú chạm nhẹ” để lan tỏa giá trị về bảo tồn tự nhiên và môi trường sống, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sạch, đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến ước mơ thành hiện thực...