Lan tỏa lối sống xanh

Nguyễn Thanh| 11/11/2020 06:21

(HNM) - Ra đời từ năm 2018 với mục tiêu gìn giữ môi trường sống sạch - xanh, chương trình “Đổi rác lấy cây” do một nhóm bạn trẻ thuộc Tổ chức cộng đồng Green life sinh sống và học tập trên địa bàn Thủ đô Hà Nội thực hiện, đã và đang góp phần làm thay đổi thói quen, nhận thức của đông đảo người dân về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh.

Chương trình “Đổi rác lấy cây” luôn thu hút đông đảo người dân tham gia.

“Bớt một cọng rác, thêm một mầm xanh”

Những ngày này, nhóm bạn trẻ thuộc Tổ chức cộng đồng Green life đang gấp rút hoàn thành các phần việc chuẩn bị cho chương trình “Đổi rác lấy cây”, sẽ diễn ra tại Trường Đại học Dược Hà Nội (số 13-15 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm) vào ngày 15-11 tới. Công tác truyền thông đã khởi động và việc huy động tình nguyện viên cũng cơ bản hoàn tất. Hàng nghìn cây xanh sẵn sàng rời vườn ươm để thực hiện sứ mệnh đổi rác bảo vệ môi trường.

Phụ trách sự kiện Green life Đỗ Thị Thanh Mai chia sẻ: "Chương trình “Đổi rác lấy cây” được chúng tôi tổ chức định kỳ hằng tháng tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp địa bàn Hà Nội, nhằm tạo dựng thói quen phân loại rác tại nguồn, gây dựng lối sống văn minh từ thông điệp “bớt một cọng rác, thêm một mầm xanh”".

Theo đó, rác sau khi được làm sạch, phân loại theo nhóm và mang đến sự kiện, sẽ được Green life quy đổi thành “sao” để nhận một phần quà xanh của chương trình. Các loại cây được xếp hạng từ 1 đến 10 sao, cho mọi người tùy ý lựa chọn. Ngoài ra, trong các sự kiện, nhóm cũng bán cây, chậu đất, sản phẩm làm từ đồ tái chế… để gây quỹ hoạt động.

Được khởi động từ cuối năm 2018, Green life do một nhóm bạn trẻ là học sinh, sinh viên sinh sống và học tập trên địa bàn Hà Nội tổ chức, với mong muốn truyền tải các thông điệp bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh, sống hài hòa với thiên nhiên thông qua các hoạt động truyền thông, trong đó “Đổi rác lấy cây” là chương trình “xương sống”.

Sáng lập viên Green life - anh Hoàng Quý Bình, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để duy trì ổn định chương trình, nhóm gây dựng, phát triển một vườn ươm cây; đồng thời, thỏa thuận với một số tổ chức, doanh nghiệp, nhóm dự án thu gom, tái chế rác sau phân loại. Chẳng hạn như, pin, thiết bị điện tử hỏng được đưa về các điểm thu gom trên địa bàn để tái chế. Giấy vụn, vỏ lon bia, nước ngọt, sắt, nhựa… gửi về Công ty TNHH JP Corelex Việt Nam (tỉnh Hưng Yên) để xử lý. Riêng sách giáo khoa, truyện tranh sẽ được nhóm tập hợp, gửi tới các tổ chức, đoàn, đội, câu lạc bộ, dự án về sách để xây dựng tủ sách cộng đồng.

Mỗi sự kiện “Đổi rác lấy cây”, Green life thu về 3-5 tấn rác tái chế, trong đó có tới 80% là giấy phế liệu. Lượng giấy khổng lồ này được tái chế thành các sản phẩm, quay lại phục vụ cộng đồng - anh Hoàng Quý Bình cho biết thêm.

Vì môi trường bền vững

Kể từ khi khởi động đến nay, chương trình “Đổi rác lấy cây” của Green life đã tổ chức thành công gần 50 sự kiện, thu hút hơn 80 nghìn người tham gia, với 160 tấn rác được thu gom và xử lý. Hiệu ứng của chương trình còn thể hiện qua con số 100.600 lượt theo dõi, 15 triệu lượt tiếp cận, chia sẻ Fanpage Green life cùng hàng chục liên kết, phối hợp tổ chức sự kiện.

Chị Đinh Thị Lan (Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi biết đến chương trình “Đổi rác lấy cây” qua mạng xã hội, rất ấn tượng với cách làm và ý nghĩa của sự kiện, nên thường xuyên theo dõi thông tin chương trình. Từ đây, tôi và người thân cũng tìm hiểu, hình thành thói quen phân loại, thu gom rác để hưởng ứng các hoạt động bổ ích này. Tôi mong nhóm sẽ có thêm nhiều hoạt động bổ ích hơn nữa trong tương lai”.

Bên cạnh việc tổ chức các sự kiện “Đổi rác lấy cây” định kỳ, Green life còn hình thành nhiều điểm thu gom rác cố định trên địa bàn thành phố, tại các địa chỉ: 

Ngõ 128C Đại La (quận Hai Bà Trưng); số 6 ngõ 52 Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân); số 5, ngõ 82 Duy Tân (quận Cầu Giấy)… để mọi người tiện đổi rác khi cần. Cùng với việc "Đổi rác lấy cây", nhóm cũng đã phát triển thêm nhiều sản phẩm hữu ích khác để đa dạng phần quà: Đổi hạt giống cây, giấy đa năng hay các sản phẩm tái chế do chính tay các tình nguyện viên thực hiện. Ngoài ra, Green life bắt đầu triển khai một số hoạt động truyền thông ý nghĩa khác, như: Lớp học truyền thông “Từ nhỏ đến lớn”, cuộc thi ảnh “Nhặt rác dưới chân mình”...

Sinh viên Dương Thị Hoàn, Trường Đại học Thương mại, tình nguyện viên nhóm Green life cho biết: “Tham gia các hoạt động cùng nhóm, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, vì được góp một phần nhỏ bé của mình vào việc thúc đẩy thay đổi thói quen, ý thức vì sự bền vững của môi trường. Tuy còn nhiều khó khăn, song chúng tôi đều cố gắng vượt qua, bởi chúng tôi hiểu rằng, càng đông người tham gia, sự kiện càng được lan tỏa và thành công hơn”.

Theo Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Sách Thái Hà (Hà Nội) Phạm Thị Thủy, việc phối hợp với Green life thực hiện chuỗi hoạt động “Đổi rác lấy cây” không chỉ góp phần thu gom giấy và sách cũ để xây dựng thư viện, quyên góp cho học sinh vùng sâu, vùng xa, mà còn góp phần lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa lối sống xanh