Tuyến buýt dễ thương

Phương Quang| 02/11/2020 15:12

(NSHN) - Đó là cái cách mà nhiều người thường xuyên đi trên tuyến buýt số 84 của Xí nghiệp Xe buýt Cầu Bươu nói về tuyến xe này, tuyến buýt của người dân ngoại ô, suốt một dải từ Linh Đàm đến Mỹ Đình.

Lại nhớ, tôi đã ước mong thế nào trong lần đi công tác, trú ngụ tại một khách sạn nhỏ trên đồi Montmartre Paris. Vào mỗi buổi sáng, lúc dậy sớm đi bộ theo những con phố nhỏ, dốc của khu ngoại ô này, tôi hay bắt gặp những chiếc xe buýt nhỏ, dừng ở những điểm đón khách theo lộ trình. Để ý thì thấy cả những khi không có khách trên xe hay dưới bến, xe cũng ghé điểm dừng đúng thời gian, cửa vẫn mở.

Nói không quá lời, những xe buýt nhỏ ấy, gây ấn tượng cho tôi không kém gì Thánh đường Sacre-Coeur, quảng trường Tertre hay thang máy leo dốc Funiculaire..., những địa danh nổi tiếng của Monmartre. Lúc ấy, tôi cứ ao ước, bao giờ Hà Nội của mình có những tuyến xe buýt như vậy.

Về Hà Nội, chia sẻ ao ước đó với bạn bè, mới biết bao lâu nay mình lạc hậu. Hà Nội, mà ngay gần khu nhà tôi ở thôi, cũng có một tuyến xe buýt “dễ thương” như thế. Để "sửa chữa", tôi làm một chuyến trải nghiệm. Nhân có người bạn mời ăn trưa ở Dương Đình Nghệ, tôi không phiền con cái gọi xe Grab, mà quyết đón xe buýt tuyến 84, nối khu đô thị Linh Đàm với Mỹ Đình.

Để ý từ trước, tôi được biết từ nhà tôi, đi bộ khoảng 600m là có 2 điểm chờ xe buýt, một trên phố Hoàng Văn Thái, điểm nữa trên phố Vương Thừa Vũ. Đó là khoảng cách không mấy xa ngay cả với một người U70, nhưng quen đi bộ buổi sáng. Chờ khoảng 20 phút, xe tới. Xe nhỏ, ít chỗ ngồi, màu xanh lá mạ thân thiện với môi trường, không sang trọng như những chiếc Limusin chở khách liên tỉnh, nhưng xe sạch sẽ.

Lần đầu đi xe nên tôi rút ví mua vé, cậu phụ xe có vẻ như không để ý. Thì ra, thấy mái đầu bạc của khách, cậu yên trí là tôi đã ngoài 60, có thẻ đi xe miễn phí theo quy định của thành phố Hà Nội.

Thấy tôi cứ nằng nặc đòi mua vé, cậu miễn cưỡng xé chiếc vé 7.000 đồng và dặn đi dặn lại: "Ông nhớ làm thẻ miễn phí. Đây là ưu đãi của thành phố. Với lại các cụ có tuổi, rút ra rút vào nhỡ rơi mất ví thì khổ".

Là giờ thấp điểm, ngoảnh đi ngoảnh lại trên xe chỉ có mỗi một hành khách là tôi. Vậy mà suốt một quãng đường khá dài, qua nhiều điểm đỗ, xe vẫn ghé bến đều đặn, dù không có khách xuống, khách lên. Loa trên xe vẫn nhắc rõ điểm dừng tiếp theo… Nhắc tôi xuống xe ở Dương Đình  Nghệ, cậu phụ xe còn dặn đi dặn lại: "Lúc nào về ông sang bên kia đường, trước cửa Tổng cục Hải quan là có điểm đỗ ông nhé! Mà ông nhớ làm thẻ!".

Xuống xe, nhìn chiếc xe buýt màu lá mạ tiếp tục hành trình, tôi như thấy được chuyến buýt ở Montmartre năm nào…

Sau chuyến đi đầu tiên ấy, ngỡ là mình phát hiện ra châu Mỹ, đem khoe với bạn thì nhận được cái cười rất vui pha chút ái ngại. Thì ra, bạn bè cùng cánh hưu như tôi, bằng cách này, cách khác từ lâu đã ít nhiều cảm nhận sự đáng yêu của xe buýt Hà Nội.

Có lẽ cái ấn tượng về những chuyến xe buýt Bờ Hồ - Hà Đông thời sinh viên cách nay gần 50 năm ám ảnh quá mạnh, nên cái sợ, cái ngại loại phương tiện công cộng này vẫn ăn sâu, khiến cho tôi có một thái độ "kính nhi viễn chi" với xe buýt, dù biết giờ không còn cái cảnh khách đi xe phải đứng một chân suốt từ Thủy Tạ đến Mễ Trì như lũ sinh viên chúng tôi ngày nào. Đứng một chân mà không ngã, bởi xe chật như nêm. Lại tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội sớm tiếp cận với phương tiện đi lại thuận tiện với người ít tiền mà xông xênh về thời gian như chúng tôi.

Những ngày gần đây, tôi biết tin Hà Nội đã được đồng ý để thí điểm xe buýt chạy điện. Vậy có nghĩa là Hà Nội vẫn đang tiếp tục chương trình hiện đại hóa để đưa loại hình giao thông tiện lợi này tiếp cận ngày một thân thiện, tiện ích hơn với người dân thành phố.

Và tôi cũng hiểu, để đạt mục tiêu đó, để hơn trăm tuyến buýt của Hà Nội đều là những tuyến buýt dễ thương, người dân phải đi lại bằng phương tiện này nhiều hơn, dù còn đôi chút bất tiện.

Chợt vui với ý nghĩ, mình đi xe buýt, dù là miễn phí, cũng là góp phần nho nhỏ để mục tiêu ấy sớm thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyến buýt dễ thương