Văn hóa mặc nơi công cộng: Để lưu giữ nét đẹp văn hóa qua năm tháng

Đoan Trang Nguồn: ghi| 01/11/2020 06:13

(HNMCT) - Việc lựa chọn cách ăn mặc như thế nào là quyền của mỗi cá nhân, song văn hóa mặc ở nơi công cộng cũng là sự phản chiếu gương mặt của xã hội. Hànộimới Cuối tuần ghi lại ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ về văn hóa mặc nơi công cộng của người Hà Nội để cùng lưu giữ, lan tỏa những khía cạnh tốt đẹp, khắc phục những gì còn hạn chế, từ đó bồi đắp nét thanh lịch - điều quan trọng làm nên cốt cách của người Hà Nội hôm nay.

Nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn:
Nét đẹp trong văn hóa mặc của người Hà Nội xưa vẫn còn hiện hữu

Ăn mặc là nết đất, nết người. Tự nó hun đúc qua thời gian và muốn biến cải nó là việc không hề dễ. Với một thành phố hơn nghìn năm tuổi, lại là đất kinh sư, dĩ nhiên Hà Nội cũng phải là kinh đô thời trang. Tuy nhiên, cách ăn mặc của người Hà Nội, nhất là ở nơi công cộng, chưa bao giờ vượt ra khỏi cốt cách điềm đạm, nền nã.

Với cốt cách như thế, những ai đã được định danh là “người Hà Nội” rất ít khi mặc những bộ đồ quá nổi bật trên phố - cả về màu sắc và thiết kế. Đặc biệt, văn hóa ăn mặc nơi đây còn gắn liền với tác phong. Người Hà Nội cho dù có mặc áo phông “hoa hoét” hay quần jean bạc phếch cũng không toát ra vẻ bặm trợn như thường thấy. Tác phong chậm rãi, đĩnh đạc là điều dễ thấy của con người ở đất này.

Chính vì thế, nết ăn, nết mặc ở Hà Nội còn được gọi là một nét văn hóa. Cái văn hóa ăn mặc ấy, dù chưa có một văn bản nào mang tính pháp lý quy định nhưng vẫn là dòng chảy âm thầm bền bỉ, chí ít nó cũng đã góp phần ngăn chặn trào lưu ăn mặc suồng sã ở chốn đông người, biến những hiện tượng ăn mặc phản cảm ở nơi công cộng trở thành thiểu số. Người Hà Nội dường như luôn tự giác ghép mình vào khuôn khổ - chuẩn mực rất mơ hồ mà chặt chẽ vốn đã hình thành từ lâu. Và vì thế, rất may mắn cho chúng ta khi nét đẹp trong văn hóa ăn mặc của người Hà Nội vẫn được duy trì cho đến hôm nay. Dựa vào đó, những thế hệ công dân kế tiếp sẽ có ý thức chỉnh đốn cách ăn mặc của mình sao cho phù hợp với văn hóa đất kinh kỳ.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng:
Cần làm tốt công tác tuyên truyền

Văn hóa mặc ở nơi công cộng tại Hà Nội hiện có hai xu hướng. Một xu hướng khá phổ biến đó là phần đông người Hà Nội vẫn giữ được nét thanh lịch, nền nã khi ra đường. Tại các công viên, trường học, công sở, trung tâm mua sắm, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người Hà Nội với những bộ trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường xung quanh. Đặc biệt là sự trở lại của chiếc áo dài trong những năm gần đây. Không cần vận động, tuyên truyền, bất cứ ngày lễ, ngày cưới, dịp hội họp... là rất nhiều phụ nữ Hà Nội sẽ mặc áo dài. Nếu so với cách đây 5 - 7 năm thì phong trào mặc áo dài bây giờ lan tỏa mạnh mẽ hơn. Thậm chí, cả nam giới trong các sự kiện lễ lạt, đám cưới, đám hỏi nhiều người cũng đã mặc áo dài chứ không mặc comple. Đó là biểu hiện của sự trở lại với văn hóa mặc của người Hà Nội xưa cũng như với bản sắc dân tộc. 

Xu hướng thứ hai, ít hơn, đó là do Hà Nội là nơi giao thoa của nhiều luồng văn hóa nên một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ, có phong cách ăn mặc khá hiện đại. Người biết tiết chế các nét giao thoa văn hóa trong trang phục, học hỏi được cái đẹp trong văn hóa mặc của các quốc gia khác sẽ hình thành nên phong cách ăn mặc hiện đại, hợp thời trang. Ngược lại, có một số ít, đặc biệt là các bạn trẻ có phong cách ăn mặc khá lố lăng, kệch cỡm: Trang phục ngắn, mỏng, hở hang, quần jean xé gấu, áo thun in hình ảnh hoặc những dòng chữ tối nghĩa, tục tĩu... Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Hà Nội là trung tâm văn hóa nên việc một bộ phận người dân nhanh nhạy với các xu hướng thời trang quốc tế là điều dễ hiểu. Nhưng Hà Nội cũng là nơi mà ý thức tự hào dân tộc luôn được thể hiện ở mức cao nhất, vì thế, tôi tin người Hà Nội sẽ chắt lọc những cái hay và làm giàu thêm văn hóa mặc của mình.

Hà Nội ở vị trí trung tâm của cả nước, nơi giao thoa của nhiều luồng văn hóa nên để phát huy hơn nữa nét đẹp văn hóa mặc của người Hà Nội, chúng ta cần hiểu rằng, bất cứ hành động văn hóa nào muốn đi vào cuộc sống đều phải tuân theo một khuôn mẫu văn hóa. Và muốn xây dựng khuôn mẫu văn hóa, chúng ta cần quan tâm đến hai giải pháp quan trọng, đó là định hướng khuôn mẫu và đẩy mạnh tuyên truyền. Trong việc định hướng khuôn mẫu văn hóa có trách nhiệm rất lớn từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao công tác tuyên truyền bởi khi người dân nhận thức được ăn mặc thế nào là có văn hóa, là phù hợp với bối cảnh xung quanh thì khi ấy họ sẽ tự ý thức và khép mình vào chuẩn mực chung.

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng - nguyên Trưởng khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Sự lệch chuẩn là do nhận thức cá nhân

Xã hội ngày càng phát triển, vấn đề ăn mặc, đặc biệt là ở nơi công cộng, càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh phong cách ăn mặc chuẩn mực, nền nã, thanh lịch, tiếp thu và lưu truyền được nét đẹp trong văn hóa mặc của người Hà Nội xưa, còn có một bộ phận nhỏ có xu hướng đi ngược truyền thống, gây ra hiện tượng phản cảm trong xã hội. 

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu trung lại, văn hóa mặc của người Hà Nội hiện đang chịu tác động của nhiều luồng văn hóa. Chính quá trình hội nhập trên diện rộng đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu giữa các nền văn hóa, cho phép người dân được tiếp cận nhiều phong cách thời trang trên thế giới. Và, với những bạn trẻ chưa đủ "sức đề kháng" trước sự xâm nhập ồ ạt của các luồng văn hóa ngoại lai không lành mạnh, sự bắt chước là cơ hội thể nghiệm và khẳng định bản thân. Nhưng sẽ là không đúng nếu đổ lỗi hoàn toàn cho quá trình hội nhập, bởi sự đẹp - xấu còn là do sự tự nhận thức, tự giáo dục, tự điều chỉnh của mỗi cá nhân. Khi họ đặt cái tôi của mình quá lớn, muốn thể hiện mình trước đám đông, thích làm nổi bật mình, thích sống khác thường theo kiểu kỳ quặc, lố lăng mà không quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống hay cảm nhận của người khác thì sẽ dẫn đến sự lệch chuẩn trong cách ăn mặc.

Văn hóa mặc không chỉ thể hiện trình độ văn hóa của mỗi người, mà còn thể hiện bộ mặt của xã hội. Chính vì thế, là người Hà Nội, công dân của Thủ đô, chúng ta càng cần nhìn nhận rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan nêu trên để từ đó rút ra những bài học cho mình trong việc lựa chọn cách ăn mặc sao cho phù hợp với vóc dáng, hoàn cảnh, bối cảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa mặc nơi công cộng: Để lưu giữ nét đẹp văn hóa qua năm tháng