Đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản

Thanh Bạch| 28/10/2020 07:10

(HNM) - Thời gian qua, nhiều nông hộ, cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã nỗ lực tổ chức sản xuất để đưa ra thị trường các loại sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nông sản hiện vẫn gặp nhiều khó khăn đòi hỏi các cấp, ngành cần triển khai những giải pháp cụ thể, sát thực, trong đó chú trọng đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Dây chuyền đóng gói rau sạch tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đỗ Tâm

Gia đình anh Nguyễn Văn Lối ở xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) đang nuôi 30.000 con gà sao thương phẩm kết hợp cung ứng giống cho thị trường. Mặc dù chất lượng gà sao ngon, thịt thơm thuộc loại đặc sản và chăn nuôi hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, nhưng hiện anh vẫn chỉ bán được cho thương lái với giá 160.000 đồng/con (mỗi con 1,6-1,8kg). "Tôi luôn mong muốn sản phẩm gà sao của gia đình được đưa vào các kênh tiêu thụ ổn định để yên tâm sản xuất", anh Nguyễn Văn Lối chi sẻ.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Nội ở xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) cũng đang trồng 1 mẫu nho hạ đen theo quy trình VietGAP với 2 vụ/năm, sản lượng 6-7 tạ/sào. Song, đến nay sản phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP nên chưa thể tiêu thụ trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố.

Việc tiêu thụ nông sản của nông dân huyện Chương Mỹ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn cho hay, mặc dù sản xuất rau của đơn vị đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và có nhiều sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) song vẫn khó tiêu thụ tại các kênh phân phối. Đơn vị mong muốn thêm nhiều kết nối để bảo đảm đầu ra ổn định, giúp thành viên hợp tác xã yên tâm sản xuất...

Chỉ ra "điểm nghẽn" trong việc kết nối, xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn thành phố, ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hiện nay, nông sản an toàn của các nông hộ, chủ trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa đồng đều về chất lượng; nhiều hộ sản xuất tốt nhưng chưa hoàn thiện chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Muốn đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại, nông dân cần đáp ứng các điều kiện vừa nêu, đồng thời cần liên kết, tổ chức lại sản xuất...

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân tiêu thụ nông sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, UBND huyện sẽ là cầu nối trung gian kết nối nông dân với các doanh nghiệp. Ngoài ra, huyện tiếp tục xúc tiến, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm về chế biến, quản lý sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm...  

Đề cấp đến việc liên kết sản xuất - tiêu thụ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho hay, qua tư vấn tại các diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, nông dân đã được nghe nhiều về vấn đề này. Cụ thể, các hộ sản xuất nhỏ lẻ cần liên kết với nhau thành tổ, nhóm sản xuất, cử đại diện để kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở thực tế sản xuất, các tổ, nhóm có thể lập phương án xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi, từ đó, ngành Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông sẽ có sự hỗ trợ phù hợp.

Còn Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định: Ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chung về sản lượng, quy mô nông sản thực phẩm an toàn từng huyện, từng vùng. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm; hình thành sàn giao dịch thương mại điện tử cấp vùng; trước mắt, áp dụng cho các sản phẩm đặc trưng của mỗi huyện, thị xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản