Kế thừa truyền thống, hướng tới tương lai

TS.KTS Ðào Ngọc Nghiêm| 17/10/2020 16:32

(HNNN) - Năm 2020, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dịp để chúng ta nhìn nhận lại hành trình phát triển đáng tự hào của Thủ đô, từ đó thêm vững tin vào tương lai, sự phát triển bền vững của “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, một trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Tiến Dũng

Luôn giữ vị thế quan trọng

Từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, nhà nước Âu Lạc (Thục An Dương Vương) đã dời đô về Cổ Loa (Đông Anh ngày nay). Song diện mạo, tầm vóc kinh thành thực sự có đột phá từ khi Lý Thái Tổ dời đô về Đại La và đổi tên là Thăng Long, khẳng định nơi này là thắng địa, chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương. Kinh thành triều Lý (1009 - 1225) được xây dựng trên dấu tích thành Đại La xưa với hai vòng thành, ngoài có sông Hồng, sông Tô bao bọc, kinh thành bao bọc Hoàng thành. Với cấu trúc khác hẳn kinh đô các nước, lúc này đã phân rõ khu dân cư với cách quản lý khác nhau.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên lịch sử thời phong kiến, Pháp thuộc, có lúc không còn là kinh đô, nhưng Thăng Long - Hà Nội luôn giữ vai trò quan trọng đối với đất nước, thậm chí là với bán đảo Đông Dương.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, đặt dấu chấm hết cho chế độ quân chủ phong kiến, mở ra thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (1946) đã khẳng định “Thủ đô đặt ở Hà Nội”, trải qua kháng chiến rồi thống nhất đất nước với Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và hiện hành là Hiến pháp 2013 một lần nữa xác định “Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội” với vai trò vị trí Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở các cơ quan trung ương của Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước (theo Luật Thủ đô).

Kỳ họp Quốc hội khóa II, kỳ 2 (tháng 4-1961) đã quyết định Hà Nội mở rộng (lần thứ nhất) với diện tích 584km2, 91 vạn dân, với 4 khu nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 4 huyện ngoại thành là Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh.

Trong bối cảnh chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhất là chiến tranh phá hoại miền Bắc lan rộng, nhiều phương án luận chứng phát triển Thủ đô đã được nghiên cứu. Cuối cùng, phương án được chọn là giữ Hà Nội cũ với khoảng 40 vạn dân, phát triển Thủ đô ở Vĩnh Yên với 60 vạn dân. Khái niệm chùm đô thị Hà Nội đã được triển khai song thiếu nguồn lực nên khó thực hiện.

Cuộc đấu tranh thống nhất đất nước toàn thắng vào ngày 30-4-1975 đã mở ra một giai đoạn mới phát triển Thủ đô. Hội đồng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt số 163/CP ngày 17-7-1976, phê duyệt định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 với quy mô dân số là 1,5 triệu dân. Tháng 12-1978, Quốc hội, Chính phủ đã có quyết định phân định lại ranh giới Hà Nội, Thủ đô Hà Nội có diện tích đất tự nhiên là 2.136km2 với dân số 3,5 triệu người. Các chuyên gia nước ngoài đã phối hợp nghiên cứu điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch Thủ đô tới năm 2000 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đồ án quy hoạch này, dân số Thủ đô nội thị là 1,5 triệu người với quy mô đất đai là 100km2, vùng ngoại ô được mở rộng với 11 huyện thị.

Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 28-1-1983 của Bộ Chính trị đã xác định rõ hơn: Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng đây là thời kỳ tốc độ phát triển đô thị, nhất là nhà ở, có những kết quả đáng kể. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 (8-1991), ranh giới Hà Nội được điều chỉnh, chuyển 7 huyện, thị về tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phú. Với điều chỉnh này, quy mô đất đai tự nhiên Hà Nội còn 924km2. Chủ trương là phát triển mới gắn với cải tạo, để Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố hiện đại, trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước, xứng đáng là Thủ đô của một nước 100 triệu dân vào đầu thế kỷ XXI.

Hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững

Ngày 20-6-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng tầm là Thủ đô của cả nước, tháng 5-2008, Quốc hội khóa 12 đã ra Nghị quyết 15/2008/QH12 về “Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, có hiệu lực từ ngày 1-8-2008. Việc điều chỉnh địa giới Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã nâng diện tích Hà Nội từ 924km2 lên 3.344,7km2, trở thành đô thị có quy mô lớn nhất cả nước. Ngày 26-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định định hướng phát triển hệ thống đô thị, phát triển nông thôn, không gian xanh mặt nước, các khu chức năng hành chính, nhà ở, giáo dục và đào tạo, y tế, công trình văn hóa, thể dục - thể thao, dịch vụ thương mại, du lịch, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật. Để tạo điều kiện cho Thủ đô Hà Nội phát triển, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Thủ đô (có hiệu lực từ 1-7-2013).

Kể từ năm 2008 đến nay, Thủ đô đã có nhiều đột phá về diện mạo đô thị, thể hiện rõ ở cấu trúc, đó là chùm đô thị gồm 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái. Nhiều khu đô thị xuất hiện đã góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, như khu đô thị Mỹ Đình, Royal City, Gamuda, Times City... Một số công trình kiến trúc điển hình tạo điểm nhấn cho Thủ đô là: Bảo tàng Hà Nội, Tòa nhà Quốc hội, Tòa nhà Keangnam Landmark Tower 72 tầng, Tòa nhà Lotte Center 65 tầng... Thành phố cũng triển khai thí điểm xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ ở huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Trì. Chỉ tính từ năm 2016 đến năm 2020, tổng diện tích sàn nhà ở xây mới là 25,3 triệu mét vuông (bình quân đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra), tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%. Tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy cấp nước tập trung dự kiến đạt khoảng 1,7 triệu m3/ngày đêm vào cuối năm 2020. 100% dân cư đô thị và 75% dân cư khu vực nông thôn đã được cung cấp nước sạch...

Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông được quan tâm phát triển đồng bộ, nhất là hệ thống đường vành đai, hướng tâm, đường sắt đô thị, cầu đường bộ. Diện tích đất dành cho giao thông tăng mạnh, từ 8,65% năm 2015 lên 10,05% năm 2020; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng tăng từ 14,4% năm 2015 lên 20,05% năm 2020. Nhiều công trình mang tính đột phá như đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn vành đai 2,5 Đầm Hồng quốc lộ 1A, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Nhà ga T2 Nội Bài, các cầu Nhật Tân, Đông Trù... góp phần tạo ra diện mạo mới hiện đại cho Thủ đô.

Về cảnh quan, sự thay đổi rõ nét bắt nguồn từ việc xây dựng các công viên vườn hoa mới như: Hòa Bình, Cầu Giấy... cùng với việc tạo lập sân chơi trong các khu dân cư và dự án trồng cây xanh... Việc cải tạo hồ nước, các dòng sông cũng đã đem lại kết quả tích cực về môi trường.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, có thể vui mừng nhận thấy: Vị thế Thủ đô luôn được khẳng định và thực tế đã xứng tầm với mong muốn của cả nước. Tầm vóc, diện mạo Thủ đô luôn phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hà Nội đã không chỉ bảo tồn, phát huy truyền thống, quỹ di sản đô thị mà còn tiếp cận linh hoạt, có chọn lọc với xu thế thế giới. Tổ chức không gian, kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị Thủ đô phát triển gắn kết với từng giai đoạn và luôn tạo nên những điểm nhấn đặc trưng cho mỗi giai đoạn... Tự hào về những kết quả đạt được, chúng ta tin tưởng, hy vọng Thủ đô Hà Nội sẽ có nhiều bước tiến mới, phát triển bền vững, trở thành Thành phố sáng tạo, năng động, có môi trường sống và làm việc tốt, có cơ hội đầu tư thuận lợi và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kế thừa truyền thống, hướng tới tương lai