Gìn giữ nét đẹp Tết Trung thu

Nguyễn Thanh| 23/09/2020 06:42

(HNM) - Tết Trung thu truyền thống ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, qua thời gian đã có nhiều biến đổi, mang đến không ít tiếc nuối cho người yêu di sản.

Nhằm gìn giữ, trao truyền nét đẹp, giá trị văn hóa của Tết Trung thu phố cổ Hà Nội, nhiều năm qua, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đều đặn tổ chức các chương trình, sự kiện hấp dẫn, ý nghĩa, góp phần “thắp lửa” Trung thu xưa, bồi đắp, lan tỏa tình yêu và trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa trong các thế hệ. 

Nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh giới thiệu về nghệ thuật nặn con giống bột tại Hoàng thành Thăng Long.

“Thắp lửa” Trung thu xưa

Cơn mưa nặng hạt chiều 19-9 vừa qua không ngăn nổi dòng người háo hức tìm đến Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (số 9, phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình). Nơi đây đang diễn ra những hoạt động ý nghĩa khởi động mùa Trung thu 2020 với chủ đề “Lung linh trăng rằm”, do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp cùng nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tổ chức.

Trong không gian rộng lớn của phòng trưng bày, một góc phố cổ Hà Nội hiện ra với các gian hàng tràn ngập những món đồ chơi tinh xảo, độc đáo có từ thời xa xưa. Mâm cỗ trông trăng, ban thờ ngày Tết, các trò chơi dân gian... cũng được tái hiện đầy đủ, chi tiết, gợi lên không khí đón Trung thu rộn rã, đầm ấm.

Tham gia trải nghiệm cùng các thành viên trong gia đình, chị Trịnh Thị Hằng (phố Trần Kim Xuyến, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Không chỉ các cháu nhỏ, người lớn cũng thấy cuốn hút, hấp dẫn với những hoạt động ở đây. Qua sự dẫn dắt của các nhà sử học và nghệ nhân, tôi cùng người thân được biết các hoạt động đặc trưng của ngày Tết Trung thu, qua đó hiểu thêm về văn hóa dân tộc. Chẳng hạn như thời nhà Lý, Tết Trung thu có truyền thống tổ chức đua thuyền, diễn rối nước, rối cạn. Sang thời nhà Trần, các nhà quý tộc vừa thưởng rượu, ngâm thơ, vừa dạo ngắm phong cảnh. Đến thời Lê - Trịnh, Phủ Chúa trong những ngày này luôn được trang hoàng rực rỡ bằng các loại đèn tinh xảo, lộng lẫy”.

Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến cho biết, với sự hỗ trợ của nhiều nghệ nhân, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long tổ chức chuỗi hoạt động quy mô và đậm chất dân gian, đem đến những trải nghiệm thú vị cho công chúng, qua đó đánh thức tình yêu, lan tỏa ý thức kế thừa, gìn giữ những giá trị Trung thu xưa trong đời sống hôm nay.

Mục tiêu đó được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thể hiện qua nhiều hoạt động trình diễn, sắp đặt và trải nghiệm, nhấn mạnh vào tính trao truyền di sản, thu hút sự quan tâm, yêu thích của người tham dự ở nhiều lứa tuổi.

Bên cạnh hoạt động tham quan không gian Tết Trung thu lung linh, đa sắc, người xem còn được tham gia các hoạt động chuẩn bị đón Tết trông trăng truyền thống, như: Làm đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ, mặt nạ; làm bánh trung thu; nặn con giống bột... dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân: Phạm Thị Nguyệt Ánh, Đặng Văn Hậu, Đặng Văn Quyền...; thả đèn hoa đăng tại dòng sông cổ của khu di sản hay nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nói chuyện về Tết Trung thu xưa.

Để nét đẹp sống mãi

Tết Trung thu hay còn gọi là Tết trông trăng diễn ra vào ngày rằm tháng Tám âm lịch, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Giữa tiết thu mát mẻ, mùa màng chờ thu hoạch, người dân mở hội cầu mùa, ca hát, vui chơi. Đây cũng là dịp để mọi người thể hiện tình cảm với gia đình, người thân. Qua thời gian, nguồn gốc, giá trị văn hóa tinh thần của ngày Tết Trung thu cũng không được nhiều người tìm hiểu cặn kẽ, dẫn đến nguy cơ mai một.

Nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của kinh thành Thăng Long xưa, nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã nỗ lực đưa tới công chúng nhiều chương trình đón Tết Trung thu ý nghĩa, vừa tạo sân chơi lành mạnh, hấp dẫn, vừa đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống trong các thế hệ.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, mỗi năm, chương trình Trung thu tại khu di sản lại có một chủ đề riêng, song luôn bám sát tiêu chí tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ lớp trẻ chung tay gìn giữ, trao truyền di sản.

Còn theo nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh, người có nhiều năm tham gia các hoạt động quảng bá di sản văn hóa tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long chia sẻ: "Tham gia chương trình, tôi mong muốn góp thêm công sức để nét đẹp văn hóa dân gian sống mãi. Số người đến với sự kiện Tết Trung thu ở Hoàng thành Thăng Long ngày một đông hơn, cho thấy sức hút của một chương trình nhiều ý nghĩa".

Đánh giá về các hoạt động quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống ngày Tết Trung thu tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho rằng, các hoạt động rất đáng quý, cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhằm thúc đẩy tình cảm, trách nhiệm gìn giữ di sản của cha ông cho các thế hệ tương lai. Đây cũng là hoạt động góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân Thủ đô cần được nhân rộng và phát huy trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ nét đẹp Tết Trung thu