Xây dựng nếp sống xanh

Lê Dương| 18/09/2020 11:10

(HNMCT) - Triển khai từ năm 2019, phong trào “Đổi giấy vụn, chai nhựa lấy cây xanh” do Đoàn Thanh niên quận Hà Đông khởi xướng đã thể hiện rõ tính thiết thực, giúp các đoàn viên, thanh niên, nhất là các em học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Qua 3 đợt triển khai thí điểm ở Trường Trung học phổ thông (THPT) Trần Hưng Đạo (phường Phú Lãm), Trường THPT Xa La (phường Phúc La) và gần đây là Trường THPT Quang Trung (phường Quang Trung), Quận đoàn đã thu về hơn 10 tấn phế liệu và quy đổi thành hơn 2.000 cây xanh.

Đoàn Thanh niên quận Hà Đông triển khai phong trào "Đổi giấy vụn, chai nhựa lấy cây xanh" tại Trường THPT Quang Trung (phường Quang Trung, quận Hà Đông) đầu tháng 7-2020.

Lợi ích “hai trong một”

Đến Trường THPT Trần Hưng Đạo (phường Phú Lãm, quận Hà Đông) trong những ngày đầu năm học mới 2020 - 2021, chúng tôi không khỏi bất ngờ với không gian lớp học có nhiều giỏ cây xanh, nào là sen đá, trầu bà rồi cây thủy sinh... Chỉ tay lên những giỏ cây treo trên cửa sổ, cô giáo Đào Thị Luyến, Bí thư Đoàn trường cho biết, năm 2019, Quận đoàn Hà Đông đã chọn Trường THPT Trần Hưng Đạo là điểm triển khai phong trào “Đổi giấy vụn, chai nhựa lấy cây xanh” đầu tiên.

“Từ ngày triển khai phong trào, lớp học sinh động hẳn lên nhờ sự có mặt của những giỏ cây xanh. Nhận thức được ý nghĩa của phong trào, nhiều lớp để những thùng carton to ở cuối lớp để quyên góp giấy vụn, chai lọ nhựa hằng ngày để mang đổi lấy cây xanh”, cô giáo Đào Thị Luyến chia sẻ.

Quyết tâm lan tỏa lối sống xanh trong trường học, thầy giáo Lê Đình Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Quang Trung (phường Quang Trung) cho biết, việc bảo vệ môi trường là yêu cầu bức thiết hiện nay. Bởi thế, trong nhiều năm qua, nhà trường luôn coi trọng việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em trong các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp hay trong các hoạt động ngoại khóa.

“Không chỉ tuyên truyền cho việc tích trữ giấy vụn, nhà trường hiện còn có những hành động cụ thể để loại bỏ những chai nhựa uống một lần, thay vào đó là những chai thủy tinh xinh xắn có in hình logo của nhà trường”, thầy Lê Đình Khánh chia sẻ.

Thầy giáo Chu Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Xa La (phường Phúc La) phân tích, trong học tập học sinh phải sử dụng giấy thường xuyên, nếu số giấy vụn này không được thu gom thì sẽ ảnh hưởng tới môi trường, lâu dần sẽ gây ô nhiễm. “Việc đổi giấy vụn, chai nhựa lấy cây xanh đem lại lợi ích “hai trong một”, ngoài việc giúp các em có ý thức không xả giấy vụn, chai lọ nhựa ra môi trường thì với những cây xanh đổi được, các em có thể trang trí góc học tập, tạo không gian xanh trong lớp”, thầy giáo Chu Ngọc Hà nhấn mạnh.

Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên

Phong trào “Đổi giấy vụn, chai nhựa lấy cây xanh” lan tỏa trong nhà trường và cả những cán bộ đang hoạt động tại các chi đoàn cơ sở. Chị Nguyễn Thị Phương Châm, Bí thư Chi đoàn Trường Mầm non Văn Khê (phường La Khê) đánh giá: Đây là phong trào thiết thực, có ý nghĩa rất lớn khi góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên.

“Tôi mong rằng phong trào được duy trì lâu dài, rộng khắp, phổ biến với cộng đồng. Khi mọi người có nhận thức tốt hơn, họ sẽ biết sử dụng giấy tiết kiệm hơn, biết tái chế và hạn chế dùng đồ nhựa, như thế thì môi trường sạch đẹp hơn nhiều”, chị Nguyễn Thị Phương Châm tâm sự.

Theo Bí thư Đoàn Thanh niên quận Hà Đông Hoàng Thị Huyền Trang, hiện cứ 5kg phế liệu sẽ đổi được 1 cây sen đá nhỏ (trị giá khoảng 10.000 đồng), nếu cây to (khoảng 20.000 - 30.000 đồng) thì cần có lượng phế liệu lớn hơn. Chị Hoàng Thị Huyền Trang chia sẻ: “Chúng tôi thật sự bất ngờ khi qua 3 đợt ra quân, Quận đoàn đã thu được hơn 10 tấn phế liệu, trong đó chủ yếu là giấy vụn. Nếu số giấy và chai lọ nhựa này xả ra môi trường thì không biết môi trường của chúng ta sẽ bị ô nhiễm đến mức nào?”.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mà hiện nay, Quận đoàn Hà Đông mới chỉ triển khai thí điểm ở 3 trường THPT. Theo Bí thư Đoàn Thanh niên quận Hà Đông, sắp tới Quận đoàn sẽ triển khai đồng bộ tại các trường học trên địa bàn quận.

“Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường phải được chuyển hóa thành công việc, hành động cụ thể, thiết thực. Chúng tôi mong rằng, thông qua hoạt động đổi giấy vụn, chai nhựa lấy cây xanh, ý thức bảo vệ môi trường sẽ ăn sâu vào nếp sống, suy nghĩ của từng học sinh. Hy vọng mỗi em đều trở thành một tuyên truyền viên trong gia đình, khu phố, tổ dân phố để góp phần xây dựng quận Hà Đông xanh - sạch - đẹp”, chị Hoàng Thị Huyền Trang khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nếp sống xanh