Nét đẹp ''làng đọc sách Võng Ngoại''

Nguyễn Mai| 02/09/2020 07:01

(HNM) - Là vùng thuần nông nhưng làng Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) đã hình thành được thói quen đọc sách trong cộng đồng. Những tri thức thu được từ sự đọc, sự học không chỉ giúp người dân nâng cao kiến thức để ứng dụng trong đời sống hằng ngày, hun đúc khát vọng vươn lên, mà còn tạo ra những nét đẹp văn hóa trong tiến trình phát triển của quê hương.

Người dân đọc sách tại tủ sách làng Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ).

Điểm hẹn văn hóa

Ấn tượng đầu tiên khi đến làng Võng Ngoại là khung cảnh mộc mạc, thân quen của vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Giữa làng là hồ nước lớn với những hàng cây xanh tỏa bóng quanh năm, ngôi đình làng cổ kính với những đầu đao cong vút...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Lê Nam Hưng, làng Võng Ngoại có 2 thôn Bắc Võng Ngoại và Nam Võng Ngoại với 900 hộ dân. Là làng thuần nông, trước đây người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lam lũ, tảo tần nên không nhiều người được học hành, đỗ đạt. Nhưng nay đã khác, cùng với sự đi lên của xã hội, sự đọc, sự học đã “bén duyên” với người dân nơi đây. Võng Ngoại ngày càng có nhiều người ham đọc và hiếu học.

Trong những câu chuyện về làng, về xã, chị Nguyễn Thị Thảo, thủ thư tại thư viện đình làng Võng Ngoại nói với phóng viên Báo Hànộimới: Trước khi có mô hình “làng đọc sách”, cách đây hơn chục năm, đình làng đã có tủ sách phục vụ người dân. Từ đây, dần hình thành thói quen đọc sách trong nhân dân. Vào thứ bảy hằng tuần, hàng chục người cao tuổi và các em học sinh thường tới thư viện đọc và mượn sách. Đình làng trở thành điểm hẹn văn hóa của rất nhiều người.

Phát huy những nét đẹp văn hóa của làng quê, đồng thời mong muốn góp phần tạo dựng những giá trị mới từ việc đọc, việc học, việc xây dựng xã hội học tập, tháng 6-2020, UBND huyện Phúc Thọ hỗ trợ xây dựng mô hình điểm “Làng đọc sách Võng Ngoại”. Theo đó, UBND huyện Phúc Thọ đã hỗ trợ 3 tủ sách tại: Đình làng, nhà văn hóa thôn Bắc Võng Ngoại và Nam Võng Ngoại, mỗi tủ sách có 200-300 đầu sách, có thủ thư quản lý và những thư viện này được đầu tư bàn, ghế để độc giả có chỗ ngồi đọc sách thư thái, đàng hoàng. Nhờ đó, ngày càng nhiều người tìm đến các địa điểm đọc sách trên để đọc và mượn sách về đọc.

Tại thư viện đình Võng Ngoại, cầm trên tay cuốn “Đền Hát Môn - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt”, chị Lê Thị Oanh bộc bạch: Cuốn sách nói về một địa danh của huyện Phúc Thọ chị ạ. Đọc hết cuốn này càng thấy rõ truyền thống văn hóa địa phương và càng tự hào về mảnh đất Phúc Thọ.

Còn chị Lê Thị Phượng, người dân làng Võng Ngoại chia sẻ: Không chỉ mang đến cho người dân những kiến thức về văn hóa, giải trí, sách ở thư viện đình còn là nguồn tri thức quan trọng giúp người dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Chúng tôi ở vùng quê thuần nông có truyền thống trồng hành lá, dưa chuột, đậu đỗ... luân canh, gối vụ. Ngoài những kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác, kỹ thuật trồng, chăm sóc rau từ sách đã giúp người nông dân chúng tôi rất nhiều.

Không chỉ dừng lại ở việc ham đọc

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học làng Võng Ngoại cho biết, việc ham đọc đã giúp người dân càng hiểu rõ tầm quan trọng của việc đọc và học để từ đó góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học tại địa phương. Rõ nhất là đến nay, Chi hội Khuyến học làng Võng Ngoại đã vận động người dân ủng hộ Quỹ Khuyến học với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, hằng năm làng có điều kiện tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh thi đỗ vào các trường đại học và học sinh giỏi các cấp. Riêng năm 2020, làng đã khen thưởng 154 học sinh với tổng số tiền 23 triệu đồng.

Còn chị Lê Thị Phượng, người dân làng Võng Ngoại, nói thêm: "Việc đọc sách về những tấm gương thành đạt còn mang đến những suy nghĩ mới, giúp chúng tôi có thêm động lực vươn lên, góp sức người, sức của xây dựng làng Võng Ngoại trở thành điểm sáng của xã Võng Xuyên trong phong trào xây dựng nông thôn mới".

Chị Nguyễn Thị Thảo, thủ thư tại đình làng Võng Ngoại khẳng định: Từ những hiệu quả ban đầu của phong trào đọc sách trong nhân dân làng Võng Ngoại, tôi tin rằng các tủ sách tại làng sẽ tiếp thêm tình yêu, niềm đam mê đọc sách, khát vọng làm giàu, làm đẹp quê hương trong mỗi người dân.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Lê Đình Bình cho biết: Từ mô hình “Làng đọc sách Võng Ngoại”, chính quyền xã mong muốn phong trào tiếp tục lan tỏa rộng khắp, khuyến khích người dân đọc sách, nâng cao tri thức, ứng dụng vào cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương. UBND xã sẽ tiếp tục quan tâm vận động xã hội hóa ủng hộ các đầu sách, để mô hình phát triển và lan tỏa rộng hơn, thu hút ngày càng đông các tầng lớp nhân dân đến với các thư viện.

Mô hình “Làng đọc sách Võng Ngoại”, xã Võng Xuyên lan tỏa trong đời sống không chỉ phát huy giá trị văn hóa đọc mà còn góp phần làm đẹp hơn bức tranh của quê hương Phúc Thọ đang trên đà đổi mới mỗi ngày... Và sẽ càng ý nghĩa hơn nếu mô hình này được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Phúc Thọ và Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp ''làng đọc sách Võng Ngoại''