Cán bộ cơ sở giỏi thì phong trào mạnh

30/08/2020 05:27

(HNMCT) - Vượt qua khuôn khổ của một cuộc vận động, "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội - đã trở thành phong trào rộng khắp, được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cả cộng đồng. Có được kết quả đó, không thể không kể đến sự vào cuộc tích cực của chính quyền và đoàn thể các xã, phường, tổ dân phố, trong đó có vai trò gương mẫu của cán bộ tại cơ sở. Hànộimới Cuối tuần phỏng vấn ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của tổ trưởng tổ dân phố trong phong trào “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”?

- Tổ trưởng tổ dân phố có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, khơi dậy niềm tin, thi đua sáng tạo trong từng cộng đồng dân cư; phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của mỗi người dân... Thực tế cho thấy, với nhiệm vụ của mình là triệu tập và chủ trì hội nghị tổ dân phố; vận động, tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, quy ước của tổ dân phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong tổ dân phố; báo cáo kịp thời với UBND cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố; phối hợp với ban công tác mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức này phát động..., họ đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Câu nói “Cán bộ nào thì phong trào ấy” vẫn luôn đúng trong mọi trường hợp, nhất là đối với tổ trưởng tổ dân phố. Trên thực tế, tổ dân phố là một tổ chức tự quản, những người làm việc ở tổ dân phố thực sự là những người “vác tù và hàng tổng”, nên nếu người đứng đầu tổ dân phố không năng động, nhiệt huyết với các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa thì các phong trào ấy sẽ không phát triển và khó có được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

- Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2023 có từ 50% thôn, tổ dân phố trở lên thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là tổ trưởng tổ dân phố. Theo ông, mô hình này có những lợi thế gì?

- Việc đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên đối với các tổ trưởng tổ dân phố và thực hiện chế độ kiêm nhiệm đối với các chức danh chủ chốt nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung và phương thức hoạt động của tổ dân phố được Thành ủy Hà Nội hết sức quan tâm. Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 70% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, phấn đấu đến năm 2023 con số này là trên 95% và sẽ có từ 50% thôn, tổ dân phố trở lên thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là tổ trưởng tổ dân phố.

Thực tế cho thấy, khi tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên thì thường được bầu làm phó bí thư hoặc bí thư chi bộ, nên có điều kiện trực tiếp cùng chi ủy, chi bộ bàn bạc, xây dựng nghị quyết sát với thực tiễn. Khi tổ trưởng tổ dân phố là bí thư chi bộ, họ sẽ nắm chắc nghị quyết của chi bộ và việc triển khai sẽ thuận lợi hơn, tạo hiệu quả và tăng niềm tin trong cộng đồng dân cư. Đây cũng là một trong những điển hình của Đề án: “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy biên chế”.

Tuyến phố văn minh đô thị Vũ Tông Phan (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) có cảnh quan đẹp. Ảnh: Hồng Thái

- Tổ dân phố là một tổ chức tự quản của địa phương, như vậy, trong quá trình công tác, tổ trưởng tổ dân phố chắc hẳn gặp không ít khó khăn?

- Là người đứng đầu phong trào xây dựng nếp sống văn hóa tại tổ dân phố nên các tổ trưởng tổ dân phố phải thường xuyên sáng tạo các mô hình hoạt động để thúc đẩy, tạo khí thế mới cho các phong trào. Điều này đòi hỏi tổ trưởng tổ dân phố phải là người có tư duy mới mẻ, nhiệt huyết với phong trào. Thêm vào đó, do đặc thù tổ dân phố là nơi tập hợp nhiều thành phần dân cư với trình độ văn hóa, nhận thức khác nhau nên trong quá trình vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các tổ trưởng tổ dân phố sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Đặc biệt, tổ trưởng tổ dân phố phải là người có uy tín bởi với đặc thù là một tổ chức tự quản ở khu dân cư, tổ dân phố không có chế tài xử phạt và hầu hết các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa đến với người dân chủ yếu bằng phương pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Nếu người đứng đầu không có uy tín thì không thể thuyết phục được người dân.

- Vậy là thời gian tới, thành phố sẽ có nhiều việc cần làm để nâng cao vai trò của tổ trưởng tổ dân phố nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh cộng đồng trong xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh?

- Tổ trưởng tổ dân phố là người trực tiếp tiếp nhận, truyền đạt và hướng dẫn tổ dân phố thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Họ là những người sát dân, gần dân, hiểu dân nhất, là cánh tay nối dài của chính quyền cấp phường, xã. Họ vừa là người đại diện cho nhân dân của tổ dân phố vừa đại diện cho chính quyền đứng ra tổ chức, quản lý các hoạt động. Do đó, năng lực và uy tín của tổ trưởng tổ dân phố sẽ là yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng khối đoàn kết ở khu dân cư.

Để nâng cao hơn nữa vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức, hoạt động của tổ dân phố, bao gồm quy định về tổ trưởng tổ dân phố. Tiếp đó, cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đối với tổ trưởng tổ dân phố - cả về phẩm chất, uy tín và năng lực công tác; tăng cường công tác quản lý đối với tổ trưởng tổ dân phố, cụ thể là có chế độ khen thưởng kịp thời, có hình thức kỷ luật thích hợp đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, chính quyền cần nhận thức đúng về vị trí, tầm quan trọng, đặc điểm của tổ trưởng tổ dân phố để quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng...; hoàn thiện chế độ, chính sách đối với tổ trưởng tổ dân phố, bao gồm chế độ phụ cấp, phúc lợi và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Có như vậy thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ dân phố sẽ được nâng cao, tạo tiền đề nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ cơ sở giỏi thì phong trào mạnh