Lan tỏa cái tốt, đẩy lùi cái xấu

Hoàng Lan| 30/08/2020 05:00

(HNMCT) - Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ then chốt được thành phố Hà Nội đặt ra từ nhiều năm qua. Thông qua các mô hình văn hóa, đặc biệt là Tổ dân phố văn hóa, nếp sống mới dần hình thành trên nền giá trị truyền thống. Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo đã được nhân rộng, lan tỏa cái tốt, đẩy lùi cái xấu, mang lại không khí đổi thay tích cực từ cơ sở.

Mô hình tổ dân phố “5 không” thực sự phát huy hiệu quả trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Ảnh: Hoàng Ngọc Tuyến

Lan tỏa những mô hình sáng tạo

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo. Không chỉ góp phần làm cho khu dân cư nền nếp, văn minh hơn, những mô hình này giúp người dân hướng nhiều hơn về lợi ích chung của cộng đồng.

Phường Việt Hưng, quận Long Biên là nơi tập trung nhiều khu chung cư, dân cư đông đúc nên chính quyền ở đây gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý. Trong bối cảnh đó, nhiều tổ dân phố đã có sáng kiến thành lập mô hình Liên gia tự quản. Bên cạnh việc đốc thúc người dân dọn vệ sinh vào mỗi sáng thứ bảy, trồng cây xóa chân rác, treo giỏ hoa, sử dụng vật liệu tái chế làm đồ chơi cho trẻ em, góp phế liệu gây quỹ..., thông qua các Liên gia, trách nhiệm chung tay vì cộng đồng của người dân được nâng lên.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương cho biết: “Là địa bàn dân cư đông, trung bình mỗi tổ dân phố có từ 200 - 600 hộ dân, các tổ trưởng tổ dân phố khó có thể triển khai hiệu quả công việc nếu không có sự hỗ trợ của Liên gia tự quản. Không chỉ tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền, các Liên gia còn góp phần khơi dậy, lan tỏa nhiều phong trào, cuộc vận động ý nghĩa, từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở”.

Nhiều tổ dân phố tại Hà Nội có cách làm sáng tạo để lan tỏa mạnh mẽ nếp sống văn minh trong cộng đồng, như mô hình tổ dân phố “5 không” (không có rác thải, không lấn chiếm lòng đường - vỉa hè, không vi phạm trật tự xây dựng, không phát sinh mới về tệ nạn xã hội và không còn hộ nghèo) ở quận Thanh Xuân. Nhờ mô hình này, các khu phố trên địa bàn quận khang trang hơn, sạch đẹp hơn.

Điển hình như tổ dân phố 19 phường Khương Trung. Trong quá trình đô thị hóa nhanh, môi trường sống tại đây bị ảnh hưởng bởi rác thải, không khí ngày càng ô nhiễm. Đặc biệt, trên địa bàn tổ dân phố có khu chợ tạm Hoàng Văn Thái hoạt động hàng chục năm nay. Khi triển khai thực hiện mô hình tổ dân phố “5 không”, nhiều cán bộ tổ dân phố đã có lúc nghĩ rằng không thể khắc phục tình trạng trên để hoàn thành tiêu chí không rác và không lấn chiếm vỉa hè như mục tiêu đã đề ra. Thế nhưng, nhờ sự quyết tâm của cán bộ và sự đồng lòng, hỗ trợ tích cực của người dân, khu chợ Hoàng Văn Thái đã gọn gàng hẳn, đường đi rộng rãi, hàng hóa bày bán ngăn nắp, tiểu thương có ý thức giữ gìn cảnh quan chung...

Xuất phát từ mục đích nâng cao đời sống văn hóa của cư dân, nhiều tổ dân phố xây dựng mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Mô hình “Xây dựng ngõ văn minh”, “Tổ dân phố xanh - sạch - đẹp”, mô hình tổ dân phố “3 không” (không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội), mô hình tổ dân phố thực hiện xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường, mô hình tổ dân phố không rác..., góp phần làm chuyển biến nhận thức của nhân dân theo hướng tích cực, đưa các phong trào đi vào thực chất.

Đặc biệt, gần đây, khi dịch Covid-19 quay trở lại, với tinh thần mỗi tổ dân phố trở thành một “pháo đài” chống dịch, không quản nắng mưa hay nguy cơ lây nhiễm, cán bộ tổ dân phố “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm tình hình. Nhiều tổ dân phố đã sáng tạo mô hình phòng chống dịch mang lại hiệu quả cao: Tổ chức đội tuyên truyền bằng loa kéo, đạp xe phát tờ rơi, dán áp phích tuyên truyền... hay lập nhóm Zalo để chia sẻ thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 như đã thấy ở tổ dân phố số 10 phường Liễu Giai, quận Ba Đình.

Cán bộ và nhân dân tổ dân phố khu vực tổ 2, 3 cùng chung tay xây dựng phường Gia Thụy, quận Long Biên “xanh - sạch - đẹp”. Ảnh: Hoàng Ngọc Tuyến

Nhiệm vụ gian khó mà vẻ vang

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, mô hình Tổ dân phố văn hóa đã được triển khai rộng rãi theo quy trình chặt chẽ kể từ năm 2002, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những mô hình văn hóa được các quận triển khai xây dựng khá hiệu quả như: Khu phố văn hóa, Khu tập thể văn hóa, Số nhà văn hóa, Cầu thang văn hóa... Qua thời gian, mô hình này đã thể hiện tính ưu việt, góp phần vào việc triển khai thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chương trình số 04-CTr/TU về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, mô hình tổ dân phố còn thể hiện sự hạn chế nhất định trong quá trình hoạt động. Ông Nguyễn Văn Thúy, Tổ trưởng tổ dân phố số 10 phường Liễu Giai, quận Ba Đình, cho biết: “Sau khi sáp nhập các tổ dân phố, giờ đây có nơi quy mô tổ dân phố lên tới 600 hộ dân. Tổ dân phố đông dân, thành phần dân cư đa dạng, nhiều người coi nhẹ việc thực hiện các nội dung của phong trào văn hóa tại khu dân cư. Thêm vào đó, lực lượng nhân sự trong tổ dân phố hiện rất mỏng, đội ngũ tổ trưởng tổ dân phố còn thiếu và yếu, trình độ không đồng đều, nhiều người tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế. Đáng kể nhất là nhiều tổ dân phố hiện nay thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi có thì nhà văn hóa quá nhỏ nên việc triển khai các nội dung xây dựng đời sống văn hóa tại tổ dân phố gặp nhiều khó khăn”.

Theo kế hoạch, Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành chỉ tiêu 72% số tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Trước những hạn chế trên, để phát huy hơn nữa vai trò của tổ dân phố trong xây dựng đời sống văn hóa, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Nguyễn Thị Nhung cho rằng: “Cần duy trì và phát huy hơn nữa các phong trào văn hóa hiện đã được thực hiện tốt tại các tổ dân phố, đồng thời, cần xây dựng quy chế khen thưởng và khen thưởng đột xuất với các tổ dân phố có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt, vì là một tổ chức tự quản, dựa vào vận động, thuyết phục người dân là chính nên các tổ dân phố cần đổi mới hơn nữa cách thức tuyên truyền, sáng tạo ra những phong trào, mô hình mới để thu hút người dân tham gia”.

Còn theo Chủ tịch UBND phường Kim Giang Trần Thị Nga, để nâng cao hơn nữa vai trò của tổ dân phố, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, khi tổ dân phố gặp khó khăn, lãnh đạo phường cùng lực lượng chức năng của phường phải vào cuộc cùng tổ dân phố.

Nhờ mô hình tổ dân phố văn hóa "5 không", các khu phố trên địa bàn quận Thanh Xuân đã khang trang hơn, sạch đẹp hơn.

Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xét cho cùng chính là quá trình sửa đổi, loại bỏ thói quen xấu, tạo nên những thói quen tốt để từ đó hình thành nếp sống văn minh. Trong quá trình đó, có thể nói tổ dân phố đã làm tốt nhiệm vụ của mình là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cùng chung tay xây dựng đời sống mới với phương châm: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn (tác phẩm Đời sống mới, năm 1947).

Tổ dân phố văn hóa là mô hình góp phần làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc trong các hoạt động xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Mô hình tổ dân phố “5 không” được thực hiện trên địa bàn tổ dân phố số 8 (trước sáp nhập là tổ dân phố số 7 và tổ dân phố số 8) từ tháng 9-2019. Sau khi được UBND phường Thanh Xuân Nam giao nhiệm vụ, tổ dân phố đã động viên nhân dân xây dựng tổ dân phố xanh - sạch - đẹp như xã hội hóa đoạn đường dài 300m tại hẻm 495/1 phố Nguyễn Trãi với số tiền ủng hộ hơn 60 triệu đồng, sơn sửa toàn bộ tường trên trục đường ngõ 497, hẻm 495/1 phố Nguyễn Trãi, ngõ 49 Triều Khúc... Sáng thứ bảy nào tổ cũng tổ chức quét dọn đường phố, xóa quảng cáo rao vặt trên tường. Tổ dân phố còn vận động các gia đình buôn bán nhỏ ký cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. 

Ngày đầu gian nan, các cán bộ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác dân vận vì đây là mô hình mới, nhân dân chưa hiểu rõ, thậm chí các hộ gia đình buôn bán nhỏ có phản ứng, nhưng sau một thời gian vận động thuyết phục, bà con đã nhiệt tình ủng hộ. Cũng nhờ sự đồng thuận của người dân và quyết tâm của cán bộ tổ dân phố, tổ dân phố số 8 đã nhanh chóng được công nhận là tổ dân phố “5 không” và giữ vững danh hiệu đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa cái tốt, đẩy lùi cái xấu