Nghề thủ công làm giàu Chuyên Mỹ

Bài và ảnh: Minh Bắc| 10/08/2020 11:03

(NSHN) - Với sự tài hoa, sáng tạo của những người thợ làng nghề ở xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), những món đồ sơn mài, khảm trai, ốc của Chuyên Mỹ đã đến được nhiều thị trường, “được lòng” khách hàng kỹ tính ở không ít quốc gia. Nhờ đó, nghề đã làm giàu cho nhiều hộ dân trong xã, đồng thời cũng tạo việc làm cho một số lượng lớn lao động vùng lân cận…

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giao thương ngưng trệ nên các tuyến đường ở xã nghề Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) khá vắng vẻ.

Về xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) vào đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đường làng khá vắng vẻ. Anh Đinh Văn Soi (29 tuổi, chủ cơ sở sản xuất Soi Hà ở thôn Bối Khê), giải thích: “Trước đó, làng tôi lúc nào cũng nườm nượp xe ra, vào vận chuyển, lưu thông; còn nay, các đơn hàng mới không ký được mà đơn hàng cũ vẫn phải hoàn thành dù có nguy cơ tồn đọng. Mặt hàng này rất khó bảo quản, đặc biệt là hàng xuất khẩu. Chưa biết bao giờ mới thông thương do dịch trên thế giới diễn biến phức tạp…”.

Qua tâm sự, anh Soi cho hay, anh vẫn nghe các cụ trong làng kể lại, nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ có cách đây gần 1.000 năm, đã trở thành nghề truyền thống và là nguồn sống chủ yếu của người dân trong vùng. Hằng năm, nhân dân Chuyên Mỹ tổ chức lễ rước nhằm tri ân Tổ nghề vào ngày 9 tháng Giêng (ngày sinh) và ngày 9 tháng Tám (ngày mất) của Tổ nghề khảm…

Các sản phẩm của làng nghề đều được làm thủ công, tiêu thụ mạnh khắp nơi, riêng cơ sở Soi Hà mỗi năm xuất khẩu 7-8 container sản phẩm, doanh thu 7-8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động trong làng và xã lân cận với mức thu nhập từ vài trăm nghìn đến gần 1 triệu đồng/ngày, tùy tay nghề.

“Trong xã, những cơ sở khảm trai, sơn mài như Soi Hà cũng lên tới con số hơn chục, tạo việc làm cho rất nhiều người. Chợ quê tôi lúc nào cũng họp rất sớm, những đồ ngon nhất luôn đắt hàng bởi người dân có thu nhập cao từ nghề”, anh Soi tự hào nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Vũ Quốc Thương, Chuyên Mỹ có 7 thôn (Đồng Vinh, thôn Thượng, thôn Trung, thôn Ngọ, thôn Hạ, thôn Bối Khê và thôn Mỹ Văn) thì cả 7 thôn đều được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận làng nghề truyền thống. Hiện nay, toàn xã có hơn 1.350 cơ sở sản xuất, tương đương 90% số gia đình trên địa bàn làm nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Sản phẩm chính gồm: Khảm trai, sơn mài và chế biến nguyên liệu khảm… Ngoài làm ruộng, nghề truyền thống đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Từ đó, người dân có điều kiện cùng chính quyền chung sức xây dựng nông thôn mới; cơ sở hạ tầng xã, thôn ngày càng khang trang.

Với đặc thù là xã có nghề thủ công truyền thống phát triển, Đảng bộ và nhân dân xã Chuyên Mỹ xác định: “Xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Chính phủ gắn với mở rộng, phát triển làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái”. Năm 2016, Chuyên Mỹ được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, toàn xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Về nghề truyền thống, Chuyên Mỹ đã có 11 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, nhiều người được cấp chứng nhận Bàn tay vàng, Cúp vàng cùng nhiều sản phẩm mỹ nghệ tham gia hội chợ, triển lãm do các bộ, ngành, khu vực, tỉnh, thành phố tổ chức… Hằng năm, xã phối hợp với các tổ chức, cơ quan chức năng mở lớp dạy nghề cho người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật…

Tuy nhiên, thời điểm này, như nhiều làng nghề, Chuyên Mỹ đang gặp khó bởi dịch Covid-19. Theo anh Đinh Văn Soi, cơ sở sản xuất của anh chỉ duy trì vài ba lao động tại xưởng và vài hộ dân làm tại nhà để hoàn thiện đơn hàng cũ. Tương tự, chị Nguyễn Thị Bình, chủ cơ sở sản xuất Bình Thành ở thôn Bối Khê cũng cho hay, ngoài duy trì việc làm, người làm nghề thêm nỗi lo về vốn vay phải chịu lãi suất để trả công thợ, mua nguyên liệu…

Xưởng sản xuất sơn mài Soi Hà ở xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) duy trì số ít thợ để hoàn thiện đơn hàng cũ.

Trước mắt, anh Đinh Văn Soi cho biết sẽ tận dụng thời gian trống để tham khảo, tạo mẫu mã mới cho đơn hàng sắp tới, tiếp tục tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. "Tôi không thạo ngoại ngữ và kỹ năng quảng bá nên hạn chế trong phát triển thương hiệu. Dù sản phẩm được người tiêu dùng trên thế giới sử dụng rộng rãi nhưng vẫn chưa chính danh thương hiệu làng nghề, mà phải qua khâu trung gian nên thu nhập chủ yếu hưởng từ chênh lệch tỷ giá; giá trị sản phẩm làng nghề chưa xứng tầm. Chúng tôi mong được các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề", anh Soi bộc bạch.

Còn với đa số người làm nghề trong xã và quanh vùng, thời điểm này, khi việc làm bị cắt giảm, họ chuyển sang công việc khác như kinh doanh nhỏ... Song, người làng nghề vẫn động viên nhau cố gắng, khắc phục khó khăn, chờ dịch được đẩy lùi để trở lại với nghề.

Bên cạnh nỗi lo về dịch Covid-19, người dân Chuyên Mỹ cũng đang đối mặt với ô nhiễm môi trường bởi bụi, nước thải... Do tận dụng không gian sân, vườn làm nơi sản xuất nên việc xử lý môi trường chưa triệt để, biện pháp còn thô sơ.

Về hướng khắc phục, Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Vũ Quốc Thương cho biết, từ nhiều năm trước, xã đã có quy hoạch điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề tại khu vực thôn Thượng (5ha). Tuy nhiên, hiện mới có hơn 20 hộ sản xuất sử dụng (gần 1ha). Thời gian tới, xã tập trung khảo sát nhu cầu về mặt bằng sản xuất, trên cơ sở đó, trình các cấp có thẩm quyền để có phương án phù hợp.

Hy vọng, khi đại dịch Covid-19 được khống chế trên toàn cầu, làng nghề Chuyên Mỹ sẽ trở lại nhịp phát triển mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề thủ công làm giàu Chuyên Mỹ