Thông điệp sẻ chia thiết thực, chân tình

Lê Dương| 30/07/2020 10:01

(HNMCT) - Do nắng nóng kéo dài, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội mới đây đã kích hoạt 2 điểm tránh, trú nắng tại Nhà văn hóa Hoàng 13 (số 257 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai).

Hơn cả một nơi nghỉ ngơi tránh nắng an toàn, đây thực sự còn là thông điệp sẻ chia thiết thực, chân tình của cộng đồng với những người lao động hay người phải di chuyển đường dài ngoài trời oi bức.

Điểm tránh, trú nắng tại Nhà văn hóa Hoàng 13 (số 257 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Mát lòng trong những ngày nắng nóng

Tìm đến phố Phạm Văn Đồng trong những ngày nắng nóng mới thấy điểm tránh, trú nắng này thật ý nghĩa. Tại đây, không chỉ có nhà bạt được trang bị quạt gió, quạt phun sương mà Hội Chữ thập đỏ thành phố còn bố trí các tình nguyện viên phát miễn phí khăn lạnh, nước mát, khẩu trang, nước sát khuẩn, tờ rơi tuyên truyền và phòng, tránh tác hại của nắng nóng... 

Theo bà Nguyễn Thị Vinh, tổ trưởng tổ dân phố Hoàng 13, một tình nguyện viên của chương trình, khi đến các điểm tránh, trú nắng này người dân sẽ được nghỉ ngơi trong điều kiện mát mẻ hơn và được chăm sóc sức khỏe. “Nếu mệt mỏi, choáng váng, người dân sẽ được các tình nguyện viên hướng dẫn sơ cấp cứu, chườm đá và có thể được hỗ trợ đưa đến các cơ sở y tế khi họ có biểu hiện không thể lưu thông tiếp trên đường. Đối tượng được hỗ trợ là người bán hàng rong, thợ xây, xe ôm, những người di chuyển đường dài qua đây”, bà Vinh nhấn mạnh.

Những ngày qua nắng “cháy da, cháy thịt” nhưng anh Ngô Văn Tuấn (sinh năm 1975, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn phải chật vật chạy Grab ngoài đường để kiếm tiền nuôi con đang học năm thứ hai Đại học Thương mại. Anh Tuấn cho biết, trước khi đi làm đã trang bị cho mình khăn tay, áo chống nắng nhưng vẫn không thể làm dịu được cái nóng như đổ lửa ngoài trời. “Biết là ra đường những lúc này là rất có hại cho sức khỏe nhưng tôi vẫn phải tiếp tục công việc để có tiền ăn uống, sinh hoạt, học hành cho con. Khi biết đến điểm tránh, trú nắng này, những khi chưa có khách thì tôi lại tìm đến đây để nghỉ ngơi lấy sức”, anh Tuấn chia sẻ.

Tương tự như vậy, tại điểm tránh, trú nắng ở chợ đầu mối phía Nam cũng có rất đông người lao động dừng chân tìm kiếm những phút nghỉ ngơi. Đa phần họ là những người buôn bán từ các huyện ngoại thành Hà Nội và các vùng lân cận. Chị Lê Thị Phương (sinh năm 1971, Phú Xuyên, Hà Nội), một tiểu thương ở chợ đầu mối phía Nam và cũng là người hay lui tới điểm tránh, trú nắng này khẳng định: “Nhiều người nói thời buổi kinh tế thị trường làm giá trị xã hội bị đảo lộn, thế nhưng được ngồi trong một không gian mát mẻ, được các tình nguyện viên phục vụ tận tình, chu đáo thì mới thấy điều đó là không đúng. Những điểm tránh, trú nắng là thật sự cần thiết ở một thành phố vốn có tiếng là thân thiện, mến khách”.

Nhân rộng mô hình 

Là một tình nguyện viên ở điểm tránh, trú nắng Nhà văn hóa Hoàng 13, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, "đối tượng mà điểm phục vụ là những người có thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vì thế chúng tôi  luôn niềm nở, gần gũi để họ thấy được sự chân thành từ tận đáy lòng mình". Bà Cúc cũng cho biết, mặc dù số tiền bỏ ra để mua một chai nước là không lớn nhưng giữa mùa nắng nóng này  đó là sự sẻ chia thiết thực, chan chứa tình người. Bởi thế, dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cứ nghĩ đến việc được góp phần sức lực nhỏ bé của mình cho cộng đồng là bà lại sẵn sàng tham gia.

Theo ông Đào Ngọc Triệu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, chủ đề năm nay của Hội Chữ thập đỏ Hà Nội là “Vì sức khỏe cộng đồng” và trước tình hình thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, Hội nhận thấy cần tiếp tục triển khai các điểm tránh nắng, nóng trên địa bàn toàn thành phố. Ở mỗi điểm, Hội bố trí 6 tình nguyện viên đã được tập huấn về công tác ứng phó với cảm nhiệt, nắng nóng..., túc trực từ 8h đến 17h để giúp đỡ người dân. “Qua khảo sát, chúng tôi thấy điểm tránh nắng nóng rất hữu ích với những người lao động ngoài trời như xe ôm, người bán hàng rong... Dự kiến trong mùa hè này, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình tại 15 phường của 8 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai)”, ông Đào Ngọc Triệu cho biết.

Đây là năm thứ hai Hội Chữ thập đỏ Hà Nội triển khai mô hình phòng, tránh nắng nóng trên địa bàn đô thị theo dự án “Sẵn sàng với FbF” do Hội Chữ thập đỏ Đức tài trợ. Theo khảo sát, có 66% số lao động ngoài trời mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng nên những điểm tránh nắng nóng được kích hoạt có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi tình hình nắng nóng được dự báo vẫn còn kéo dài. Hơn nữa những nghĩa cử “thương người như thể thương thân”, những hành động vì cộng đồng này đã và đang góp sức lan tỏa mạnh mẽ truyền thống thanh lịch văn minh của người Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp sẻ chia thiết thực, chân tình