Bài cuối: Tầm nhìn vì tương lai

Giang Nam| 25/07/2020 06:52

(HNM) - Thăng Long - Hà Nội đã qua một chặng đường dài của lịch sử. Nhưng tương lai thành phố sẽ ra sao, không chỉ mười, hai mươi mà hàng trăm năm sau nữa? Mỗi chủ trương, chính sách đều cần đặt trong tầm nhìn dài rộng ấy. Những bài học lịch sử chỉ ra rằng, nếu mọi yếu tố trong xây dựng, phát triển đều hướng tới người dân, vì cuộc sống nhân dân thì sẽ tập hợp được lòng người chung đúc dựng xây, để vượng khí Thăng Long mãi trường tồn.

Đường Võ Nguyên Giáp nối huyện Đông Anh với trung tâm thành phố Hà Nội được xây dựng khang trang, hiện đại. Ảnh: Đỗ Tâm

1. Đứng trên nóc một tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố sẽ cảm nhận rõ hơn hình thế “tựa núi, nhìn sông” của Thăng Long - Hà Nội. Dải lụa sông Hồng vẫn uốn quanh co. Sáu cây cầu như sáu gạch nối giữa khu vực trung tâm với vùng phụ cận.

Cách đây ít năm, khu vực Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Tiên Dương… của đất Đông Anh còn là “vùng xa” thì nay cầu Nhật Tân đã “kéo” lại gần. Từ trung tâm qua cầu, đi thêm một quãng đến nút giao Vĩnh Ngọc - nhìn từ trên cao như một bông hoa bốn cánh. Đấy là nơi tuyến cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp nối nội đô đến sân bay Nội Bài giao cắt với một trục giao thông hiện đại khác - quốc lộ 5 kéo dài, cung đường mang tên vùng biển đảo của Tổ quốc: Trường Sa và Hoàng Sa. Những con đường thoáng rộng cho phép ô tô lưu thông 80-100km/giờ. Nhưng tất cả hệ thống này mới là tiền đề cho một tầm nhìn xa hơn.

Tháng 10-2019, dự án Thành phố thông minh trên trục Nhật Tân - Nội Bài đã làm lễ động thổ. Đó sẽ là một đô thị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, nơi cư dân được thụ hưởng giao thông thông minh, học tập thông minh… và cả một nền kinh tế thông minh. Thành phố thông minh không chỉ là “điểm hút” đầu tư quốc tế, mà còn tạo động lực, hình mẫu để phát triển Thủ đô trong tương lai. Cũng ở mạn Bắc, sẽ có cầu Tứ Liên nối trung tâm thành phố với Trung tâm Triển lãm quốc gia mới, và di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Cổ Loa. Song hành với mạn Bắc, phía Tây là Đan Phượng, Hoài Đức, phía Nam có Thanh Trì, phía Đông là Gia Lâm. Vùng ven đô đang trong cuộc kiến tạo chưa từng có, đưa nông thôn ngoại thành Thủ đô chuyển mình thành những đô thị hiện đại.

Những năm gần đây, đường Vành đai 2 được nâng cấp, mở rộng bởi nhiều dự án: Đường Võ Chí Công, cầu vượt trung tâm quận Long Biên, đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở… Con đường huyết mạch chạy qua 8 quận, huyện này sẽ sớm được “khép kín” khi thành phố khởi công xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Những ngày này, một tuyến đường trên cao khác là Mai Dịch - cầu Thăng Long (thuộc đường Vành đai 3) đang thi công những công đoạn cuối cùng.

Đường trên cao vốn trước chỉ thấy ở các nước tiên tiến thì nay đã trở thành giải pháp giao thông phổ biến ở Hà Nội. Những tuyến đường 6 hay 8 làn xe, thậm chí 10 làn xe. Đường làm đến đâu, cây trồng đến đấy. Đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công rợp bóng hoa ban; đường Trường Sa những hàng long não, bàng lá nhỏ mọc đều tăm tắp… Ở nội đô, hệ thống cây xanh được cải tạo theo hướng đa tầng tán trên hàng trăm tuyến phố, nhất là những Hoàng Diệu, Kim Mã, Giảng Võ…, tạo không gian vừa xanh, vừa đẹp. Từ năm 2016 đến giữa năm 2020, bên cạnh nhiều khu đô thị và tòa nhà mới mọc lên đưa diện tích nhà bình quân đầu người của Hà Nội đạt 26,1m2/người, thành phố đã trồng mới gần 1,6 triệu cây xanh. Một thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang hình thành rõ nét.

2. Thành phố ngày một hiện đại hơn. Dẫu vậy, những công trình hạ tầng hay con số về thu nhập chưa thể thể hiện hết những thành tựu của quá trình phát triển, nhất là từ khi đổi mới. Khi Hà Nội mở rộng, thuận lợi đan cài khó khăn. Hà Nội có thêm vùng nông thôn rộng lớn. Hà Nội gánh vác nhiệm vụ xây dựng văn hóa Thăng Long, bảo tồn, phát huy văn hóa xứ Đoài… Thành phố vừa mở rộng chưa lâu thì triển khai xây dựng nông thôn mới. Ngày nông thôn mới “về làng”, mừng đấy mà cũng lo đấy. Nguồn lực sẽ lấy ở đâu, nhất là với những vùng quê nghèo?

Thế rồi, có những điều không ai ngờ được. Thuộc diện nghèo nhất Hà Nội, nhưng năm 2020 này Ba Vì phấn đấu có 23/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Minh Quang là một xã khó khăn của Ba Vì, địa bàn rộng, giao thông không thuận tiện, kinh tế thuần nông. Ai cũng nghĩ cái đích nông thôn mới còn xa lắm. Nhưng khi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đồng thuận thì Minh Quang đã trả lời được câu hỏi nguồn lực ở đâu: Đó là sự kết hợp giữa hỗ trợ của thành phố với nội lực nhân dân. Có những hộ gia đình hiến cả nghìn mét vuông đất, ủng hộ hàng chục triệu đồng để xây dựng công trình công cộng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm trở nên khang trang. Minh Quang đầu tư chiều sâu về nông nghiệp, phát triển thêm nghề miến dong, chế biến chè búp khô...

Tháng 5-2020 vừa rồi, Minh Quang đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bây giờ, đến “vùng sâu” Minh Quang vào dịp cuối tuần, sẽ nghe âm vang “binh boong” đặc trưng của xứ Mường khi bà con luyện tập cồng chiêng. 15/15 thôn của Minh Quang có nhà văn hóa. Toàn xã có 6 câu lạc bộ cồng chiêng. Kinh tế - xã hội phát triển, tạo tiền đề cho bảo tồn bản sắc văn hóa.

Câu chuyện Minh Quang là kết quả của quá trình nỗ lực. Nói đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa, ta không kể những vùng đất trù phú, những địa bàn “trọng điểm”. Ta nói về Minh Quang của Ba Vì hay những vùng đất khó của Mỹ Đức, Thạch Thất, Phú Xuyên… để nhận thức sâu sắc hơn bài học đồng thuận, để hiểu hơn vì sao Hà Nội dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, vì sao Hà Nội hiện đại, hội nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc.

3. Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV. Dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội cũng là năm thành phố tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII. Và sau hai nhiệm kỳ nữa, Hà Nội sẽ tiến tới độ tuổi 1020. Cứ hai nhiệm kỳ, Thăng Long - Hà Nội lại đến dịp kỷ niệm lễ trọng!

Nhìn vào tiến trình ấy để thấy chủ trương, chính sách mỗi nhiệm kỳ cần có tầm nhìn dài rộng, đặt trong dòng chảy lịch sử. Thành tựu đạt được những năm qua là vô cùng to lớn. Nhưng Thủ đô “đất lành chim đậu” đồng nghĩa với dòng người các nơi đổ về. Áp lực dân số khiến ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm... còn nan giải. Cùng lúc đó, nét thanh lịch văn minh có xu hướng phôi pha, không ít truyền thống tốt đẹp phai nhạt. Chặng đường xây dựng, phát triển phía trước còn gặp những thách thức không nhỏ.

Cái vượng khí của đất Thăng Long - Hà Nội bền vững, những thành tựu đã và đang đạt được, chính nhờ bởi yếu tố “nhân hòa”. Trong mỗi con người ở mảnh đất này luôn có ý thức dựng xây. Nhưng phải làm sao tập hợp sức mạnh, phát huy trí tuệ của cộng đồng. Những bài học lịch sử chỉ ra rằng, nếu mọi yếu tố trong xây dựng, phát triển đều hướng tới người dân, vì cuộc sống nhân dân thì sẽ tập hợp được lòng người chung đúc dựng xây. Và khi ấy, vượng khí Thăng Long - Hà Nội, rộng hơn là vượng khí quốc gia sẽ mãi trường tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tầm nhìn vì tương lai