Phần cuối: Thành phố bên sông

Văn Chinh| 27/06/2020 07:07

(HNM) - Đứng trên sân thượng tòa nhà MIPEC Long Biên, nhìn về hướng Nam - Đông Nam, suốt ven tả ngạn sông Hồng và hữu ngạn sông Đuống thấy thấp thoáng những khu đô thị mới của HUD, Vincom… Tuy không nhộn nhịp, đông đúc như bên nội thành cũ trải miên man về hướng Tây - Tây Bắc, nhưng nhiều màu xanh hơn, thoáng sạch hơn. Có nên gọi nó là “nội thành mới” chăng?

Xây dựng đô thị ven sông Hồng sẽ tạo điểm nhấn mới cho Thủ đô.

Dù sao thì, với chỉ như hiện tại, các khu đô thị Việt Hưng, Sài Đồng, Vinhome Riverside… đã tạo nên một thế cân bằng hơn với nội thành cũ, với sông Hồng ở giữa. Trong tầm nhìn này mới thấy chủ ý của tiền nhân. Sông Đuống là con sông quê của Lý Công Uẩn, ngài đã đổi tên sông là Thiên Đức. Đổi tên thành Thiên Đức, chính là một cách ghi nhận công lao chia lũ 20-30% cho sông Hồng, củng cố thêm cho sự “nắn dòng” chếch từ Tây sang Đông để bảo vệ vĩnh viễn Thăng Long không bị xói lở. Trong lịch sử chống ngoại xâm, Thiên Đức trở thành hào tiền ngăn chậm vó ngựa quân thù trước khi chúng đến được hào hậu sông Hồng.

Thiết nghĩ, đây là thời điểm cần đẩy nhanh các dự án ven tả ngạn sông Hồng, sao cho nội thành mới cân bằng với nội thành cũ đã phát triển tối đa. Đô thị và các đường phố xanh, sạch, đẹp, cùng với thói quen làm việc qua mạng của dân văn phòng, công sở mới hình thành trong mùa dịch Covid-19 mới rồi, sẽ nhanh chóng giải tỏa ách tắc cho vùng lõi Hà Nội, kể cả các tuyến đường khu phố Tây (khu phố cũ) đã trở nên quá tải.

Lâu nay báo chí, truyền hình đã nhắc tới dự án “thành phố bên sông”, nhưng hình như do vướng vấn đề thoát lũ nên mọi ý tưởng vẫn nằm trên giấy. Về vấn đề này, xin được bàn đôi chút.

Hơn nghìn năm trước, khi còn mang tên Đại La thành, Hà Nội chủ yếu gồm những bãi sình lầy, sông hồ, rất nhiều hồ. Sông Tô Lịch còn có thể bơi thuyền rồng. Phần lớn địa bàn quận Hoàng Mai bây giờ là đầm nước mênh mông kéo mãi xuống vùng Yên Sở. Khu vực Lò Đúc, Thanh Nhàn dăm bảy chục năm trước còn là ruộng rau muống. Tương tự, các khu đô thị hiện đại như Royal City, Time City, Hapulico…, trước đó là Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình… hầu hết được xây dựng trên nền đất của các cơ sở công nghiệp, vốn trước năm 1954 cũng là đồng ruộng, ao hồ. Có thể ví quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội hơn nghìn năm qua như hình ảnh rồng cất mình từ bùn lầy bay lên.

Qua tham khảo tài liệu và thực tế cho thấy, trong phần lớn thế kỷ XX, Hà Nội phát triển đô thị nhưng chỉ xây 5 tầng là kịch khung vì sợ nền đất yếu. Nhưng sang thế kỷ XXI, sự ra đời của hàng loạt cao ốc chọc trời đã chứng minh vấn đề không nằm ở nền đất yếu.

Nêu vậy để muốn nói rằng, sông Hồng giờ đã ít nước hơn nhiều, nhất là khi thượng nguồn của nó và sông Lô, sông Đà đã xây dựng nhiều nhà máy thủy điện. Nhưng dẫu không ít nước hơn thì nhà Thủy Tạ và chùa Một Cột vẫn mọc lên từ bùn nước đấy thôi. Các nhịp cầu Long Biên được đổ bê tông cốt thép từ chân móng dưới sâu 72m là đến tầng đá mẹ và đã đứng vững suốt 100 năm lũ lụt, để nhấn mạnh thông điệp của vua Lý Thái Tổ: Rồng từ nước bay lên!

Hãy cứ hình dung: Dưới chân các tòa nhà cao tầng ven sông Hồng là các cọc bê tông khoan nhồi sâu hàng chục mét, tầng trệt thông thoáng để thoát lũ, nếu xảy ra. Một thành phố ven sông hiện đại, bề thế mọc lên, kéo dài suốt từ mạn Chèm xuống đến Bạch Đằng, Vĩnh Tuy rồi Lĩnh Nam. Đôi bên bờ sông được kè đá, trồng thảm cây xanh sạch đẹp. Đáy sông chỗ nào đầy thì nạo vét, tạo luồng lạch thông thoáng để phát triển giao thương, du lịch đường sông. Thành phố ven sông sầm uất vào ban ngày, ban đêm đèn hoa lộng lẫy, lung linh tạo nên những cảnh quan giải trí, nghỉ ngơi cho cư dân Thủ đô và khách du lịch. Nếu dự án này được xem xét, cân nhắc để mời gọi đầu tư, hẳn chỉ sau dăm, mười năm “thành phố ven sông Hồng” sẽ thành vùng lõi mới của Hà Nội, biến thông điệp của đức vua Lý Thái Tổ thành hiện thực huy hoàng.

Thành phố bên sông là hợp về phong thủy, là thành phố đáng mơ ước của mọi quốc gia. Huống chi Hà Nội đã có sẵn sông Hồng, hai bên bờ đất còn rộng, được kiến tạo từ thời vua Lý Thái Tổ, lại được vua Minh Mệnh khơi thêm cho vững vàng cái thế thiên tạo, thế “Giời cho”.

Sống trách nhiệm với nơi mình đang sống

Mới đây, nghe báo đài nói dự kiến cả nước, trong đó có Hà Nội, sẽ bỏ sổ hộ khẩu, tức là bỏ biện pháp quản lý cũ thay bằng quản lý theo căn cước đã số hóa. Nghĩ lại chuyện cái sổ hộ khẩu mới thấy nhiêu khê, nó ngăn tinh thần làm chủ của “công dân KT”, biến mặc cảm ấy thành tiềm thức và sinh ra tâm lý: “Giữ cho đường phố xanh, sạch, đẹp là việc của chủ nhà, không phải việc của những kẻ ăn nhờ ở đậu chúng em”.

Sổ hộ tịch giữ thói quen nhà quê ở lại lâu hơn với từng người, thoải mái phơi phóng nước còn rỏ tong tong trên ban công, chảy xuống đầu người đi đường, ăn to nói lớn, động vào là văng tục, có khi còn dao nhọn, gậy gộc chỉ để giải quyết cái việc cỏn con. Cái tâm lý “ăn nhờ ở đậu” ngấm sâu đến mức: Ra đường đi đứng bạt mạng, không cần biết đến luật lệ là gì. Mỗi khi ùn tắc thì leo xe ngay lên hè. Ở nhà hay ở chợ cũng sẵn sàng ném toẹt bịch rác ra đường, khạc nhổ, tiểu tiện vô tư nơi công cộng, “ai nhìn người nấy xấu hổ”…

Dân quê ở phố là cư trú tạm nên xây nhà không xem trọng việc cần xin phép. Như thời 18 năm “công dân KT” của tôi thì muốn xin phép cũng không được. Vậy là khi cần thì cứ xây, cơ quan chức năng đến thì phong bì “thuốc nước” xin xỏ. Năm 2018, con tôi xây nhà có giấy phép hẳn hoi, tôi giúp con trông coi thợ mà thấy mình là người đàng hoàng. Cả năm trời vất vả nhưng ý thức được mình góp vào Hà Nội thêm một ngôi nhà có ngôn ngữ kiến trúc, cho riêng gia đình mình và cho thành phố.

Nói vậy để khẳng định rằng, quản lý dân cư theo căn cước số hóa, mặt được thấy ngay là giúp cơ quan chức năng có thêm công cụ quản lý đô thị, buộc mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường..., đặc biệt là giảm thiểu đến triệt tiêu cái mặc cảm “ăn nhờ ở đậu”, lối sống vô trách nhiệm với nơi mình đang sống.

Hà Nội ngày càng cao lên, đẹp hơn, rộng ra so với trước. Đó là điều thấy rõ, nhất là khi đứng trên cao ngắm nghía. Và nhất là cái hơn trước lại diễn ra ngay trong 38 năm ở Hà Nội của tôi, có sự đóng góp của tôi, cả cái hay lẫn nét dở. Đó là quá trình tiệm cận với sở hữu cách khi tôi nói: “Hà Nội của tôi”.

Tôi viết những dòng này sau khi đã ở Hà Nội gần 38 năm và ngẫm ngợi, khi đã dần dà trở thành cư dân Hà Nội, vẫn chưa hết hẳn thói nhà quê nhưng đã Hà Nội hơn một chút. Với niềm mong mỏi mọi người hãy sống trách nhiệm với nơi mình đang sống, trước hết là vì mình, để khi viết mấy chữ “HÀ NỘI CỦA TÔI” sẽ không còn ngượng ngùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phần cuối: Thành phố bên sông