Quán cà phê gần trăm tuổi và cách giữ chất Hà Nội xưa

Minh Hà| 29/06/2020 08:06

(NSHN) - Suốt gần trăm năm, ngôi nhà 27 Triệu Việt Vương - Cà phê Thái - đã trở thành nơi chốn đi về thân quen của nhiều người Hà Nội. Họ tới đây, thưởng thức cốc cà phê đậm chất truyền thống, để bắt đầu một ngày mới, hoặc đơn giản là để thỏa nỗi nhớ.

Cà phê Thái là một trong những quán thân thuộc của nhiều người Hà Nội.

Cà phê Thái có từ năm 1926. Các thế hệ trong gia đình vẫn được nghe kể, gốc gác ban đầu chỉ là gánh cà phê rong do cụ Nguyễn Văn Đến (sinh năm 1908, quê gốc Hưng Yên) bán khắp Hà Nội. Sau đó, quán được mở cố định trên phố Triệu Việt Vương và hiện lấy tên của thế hệ thứ hai tiếp nối nghiệp bán cà phê gia đình: Cà phê Thái. 

Sự gắn bó với cà phê suốt 4 thế hệ trong một gia đình có lẽ nhờ vào mối duyên sâu nặng. Cho dù các thế hệ sau từng thành công ở nhiều nghề, nhưng họ vẫn quyết định quay về với nghiệp gia đình. Bởi với họ, đó là gìn giữ truyền thống, gìn giữ một góc Hà Nội bình yên, không xô bồ. Họ là gia đình hiếm hoi đang bảo toàn nét Hà Nội xưa trong từng cốc cà phê thơm mùi khói bếp. 

Củi dùng để rang cà phê, cho hương vị khói không dễ lẫn.

Chia sẻ về bí quyết tạo ra cốc cà phê gây thương nhớ, anh Nguyễn Đức Hiếu, hiện là chủ quán đời thứ tư, cho biết: “Đằng sau mỗi cốc cà phê thực khách thưởng thức là sự tỉ mỉ từ công đoạn rang cà phê tới khâu pha chế”. Hạt cà phê sau khi được thu mua từ những thương lái đã gắn bó lâu năm với gia đình sẽ được rang thủ công. Thợ rang cà phê phải thật tinh tế trong khâu cảm nhận độ nóng của bếp củi, khi nhiệt đủ nóng thì mới bắt đầu bỏ hạt vào rang. Cà phê rang xong sẽ được kiểm tra chất lượng bằng cách cắn thử trực tiếp để kiểm tra độ chín, độ giòn của mẻ rang. 

Các công đoạn đãi, rang cà phê đều được thực hiện thủ công.

“Cà phê được rang bằng củi có sự khác biệt rất lớn. Hạt cà phê chín không đều như cách rang hiện đại. Có nhiều hạt sẽ bị non, có hạt bị quá lửa, nhưng khi hòa quyện tất cả lại với nhau, ta có được vị khói đặc trưng, không lẫn đi đâu được”, anh Hiếu chia sẻ thêm. Từ mẻ “cà” rang - như cách của người trong nghề hay gọi, lúc này, cà phê sẽ được chuyển vào máy xay, cho ra bột cà phê chất lượng, với hương vị đặc trưng quen thuộc.

Với tuổi đời 94 năm, cà phê Thái đã trở thành địa điểm thường xuyên lui tới của nhiều người Hà Nội. Quán mỗi ngày đều đặn bán cả nghìn cốc, không ngày nào còn cà phê thừa lại. Mỗi sáng, cà phê được pha cả loạt lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm phin, sau đó cất tủ lạnh 12 tiếng để cà phê được ngấm. Vị chát của cà phê ngay khi chảy qua phin cũng vì thế mà được dung hòa. 

Bộc bạch về lý do chai cà phê phải được ủ lạnh, anh Hiếu kể đây là bí quyết gia truyền từ thời cụ Đến và tiếp tục được các thế hệ sau áp dụng. Thuở xưa, khi chưa có tủ lạnh, cụ Đến đã đem những bình cà phê ngâm dưới giếng sâu để ủ lạnh trước khi bán cho khách hàng. 

Cà phê được ủ lạnh trong 12 tiếng.

Anh Hiếu nhấn mạnh: “Cà phê Thái không đặt mục tiêu lời lãi, mà đặt trải nghiệm của khách hàng lên trên hết. Có lẽ vì thế nên khách tới với quán một cách tự nhiên và gắn bó lâu dài”. Anh cũng cho biết, 70% lượng khách của quán là khách quen, đã uống cà phê tại đây hàng thập kỷ.

“Mỗi tuần tôi đến quán đến từ 3 đến 4 lần và khó có thể uống được cà phê ở nơi khác vì thấy hụt hẫng, như thiếu điều gì đó đã quá đỗi thân thuộc, cả không gian lẫn hương vị”, ông Nguyễn Việt Anh (quận Hoàn Kiếm), khách quen của quán suốt 20 năm qua bộc bạch.

Trải qua thời gian, quán vẫn giữ nguyên cách bài trí đơn giản, cổ xưa với những chiếc ghế đã bằng tuổi của quán, đặc biệt giữ nguyên cách rang xay cà phê đặc trưng và chung thủy với “menu” chỉ gồm những loại cà phê truyền thống, không chạy theo xu thế hiện hành với những thức uống cà phê sáng tạo ít nhiều phai phôi hương vị Hà Nội xưa. 

Cà phê đen và cà phê nâu là hai thức uống quen thuộc đã có gần trăm năm qua tại quán.

Thực khách đến với Thái không chỉ để hưởng không khí bình yên, để thêm yêu Hà thành, mà còn để thưởng thức và nhâm nhi hương vị được bảo toàn nguyên vẹn qua năm tháng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quán cà phê gần trăm tuổi và cách giữ chất Hà Nội xưa