Hoài Đức phát huy nội lực để sớm trở thành quận

15/06/2020 07:26

(HNM) - Hướng tới mục tiêu trở thành quận trong thời gian sớm nhất, huyện Hoài Đức đã và đang tập trung khai thác mọi nguồn lực, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy nội lực để hoàn thiện các tiêu chí: Giao thông, hạ tầng, phát triển đô thị… Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Quang Đức xung quanh vấn đề này.

Khu đô thị Geleximco là một trong 21 dự án phát triển đô thị được triển khai trên địa bàn huyện Hoài Đức.

- Đồng chí có thể cho biết những kết quả Hoài Đức đã đạt được trong việc thực hiện các tiêu chí để xây dựng huyện trở thành quận?

- Năm 2017, Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không dừng lại ở đó, huyện tiếp tục tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện thành quận theo đề án được Thành ủy, UBND thành phố phê duyệt. Nhờ đó, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện phát triển mạnh với 12 cụm, điểm công nghiệp làng nghề, 53/54 làng có nghề, gần 3.600 doanh nghiệp…; thu nhập bình quân năm 2020 ước đạt 62 triệu đồng/người/năm (mức đề ra là 55 triệu đồng/người/năm)…

Đến nay, huyện đã đạt 22 tiêu chí và cơ bản đạt 3 tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng; còn 2 tiêu chí cần phấn đấu đạt trong năm nay, đó là: Cơ sở y tế cấp đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý. Các xã, thị trấn cũng đã hoàn thành 230 lượt tiêu chí lên phường, đang phấn đấu hoàn thành 70 tiêu chí còn lại.

- Các tiêu chí về hạ tầng giao thông, đô thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để một huyện trở thành quận của Thủ đô. Hoài Đức đã triển khai thực hiện mục tiêu này như thế nào, thưa đồng chí?

- Song song với quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, huyện đã phối hợp với các sở, ngành tập trung rà soát hiện trạng hệ thống hạ tầng trên địa bàn; đồng thời phát huy nội lực, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị... Ở thời điểm hiện tại, toàn huyện có 118 dự án về hạ tầng, giao thông đã thi công, đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ 98 dự án còn lại để khởi công trong năm 2020. Trên địa bàn huyện cũng đã có 8 tuyến giao thông khung với chiều dài 40,52km.

Bên cạnh đó, huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công 6 tuyến giao thông khung và một số công trình trọng điểm như: Đường Vành đai 3.5, đê Tả Đáy, đường Lại Yên - An Khánh... Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai một số dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) như: Đường số 6, 7 đấu nối với quận Hà Đông; nút giao Đại lộ Thăng Long và đường Vành đai 3.5... Nhờ đó, hệ thống giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần tạo thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, Hoài Đức hiện có 42 dự án đô thị, nhà ở, trong đó 21 dự án đã triển khai thực hiện, 21 dự án đang lập, điều chỉnh quy hoạch... Nhiều dự án đô thị đã cơ bản hoàn thành, thu hút đông người dân đến sinh sống như: Khu đô thị Bắc An Khánh, Nam An Khánh Sudico, Khu đô thị mới Vân Canh, Geleximco, Vinhomes Thăng Long...

- Những kết quả nêu trên rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Đồng chí có thể cho biết, Hoài Đức đã và đang tập trung vào những giải pháp gì để thúc đẩy việc xây dựng huyện thành quận trong thời gian sớm nhất?

- Trong tiến trình xây dựng huyện thành quận, công tác quy hoạch mang tính quyết định, bảo đảm sự phát triển đồng bộ cho khu vực đô thị mới. Ngoài việc phát huy nội lực, huyện đã đề nghị các bộ, ngành, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội quan tâm, giúp huyện tháo gỡ một số vấn đề như đề nghị Bộ NN&PTNT và một số sở, ngành xem xét, có kế hoạch di dời trụ sở những cơ quan, đơn vị trực thuộc đóng trên đất công, hoặc nằm trong vùng phát triển đô thị trung tâm của huyện (có tổng diện tích đất gần 43ha) để huyện triển khai quy hoạch. Do các công trình trụ sở này đã xuống cấp hoặc việc sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị nhiều năm nay không hiệu quả... Huyện cũng đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án: Xây dựng nút giao Đại lộ Thăng Long với đường Vành đai 3.5; Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng; Nhà máy Xử lý nước thải Vân Canh...

Với 21/42 dự án phát triển đô thị đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, huyện cũng đã đề nghị thành phố tạo điều kiện, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, giúp huyện sớm hình thành các khu đô thị đồng bộ, hiện đại...

Trên cơ sở đề xuất của huyện, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp xây dựng huyện Hoài Đức thành quận theo hướng văn minh, thân thiện với môi trường và theo mô hình chính quyền đô thị... Đồng thời, Thành ủy cũng cơ bản đồng ý với các kiến nghị, đề xuất của huyện và giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung hỗ trợ Hoài Đức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới... Đây chính là nền tảng quan trọng để huyện sớm đạt mục tiêu trở thành quận.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức phát huy nội lực để sớm trở thành quận