Làm mới không gian văn hóa công cộng: Đừng thử nghiệm tùy tiện!

Trà Giang| 06/06/2020 05:43

(HNMCT) - Chuyện những bức tượng ở Công viên Thống Nhất bỗng được sơn xanh đỏ rồi lại trở về nguyên trạng chỉ trong ít ngày đang thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có nhiều người cho rằng đây là việc làm “không thể chấp nhận”, nhưng cũng không ít ý kiến coi đó là một cách thử làm mới không gian công cộng... Vậy đâu là cách ứng xử phù hợp với những tác phẩm nghệ thuật nơi công cộng?

Những bức tượng ở Công viên Thống Nhất được sơn lại màu trắng.

Thử, được không?

Với mong muốn tạo ra diện mạo mới cho công viên sau thời gian đóng cửa do dịch Covid-19, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Công viên Thống Nhất đã cho sơn lại những bức tượng có tuổi đời hơn nửa thế kỷ với gam màu sặc sỡ. Tất cả tượng được sơn theo một “công thức”: Da trắng, tóc đen, mắt đen, môi đỏ, quần đen, áo xanh hoặc đỏ... Tuy nhiên, ngay khi được khoác lên mình diện mạo mới, những bức tượng ở đây đã khiến không ít người, đặc biệt là giới mỹ thuật, cảm thấy... sốc.

Trước phản ứng của dư luận, chỉ ít ngày sau, số tượng nói trên lại được sơn trắng trở lại. Trả lời báo chí, ông Hoàng Kim Hồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên Thống Nhất cho biết, đơn vị này đã tham khảo ý kiến của giới họa sĩ và thấy rằng màu trắng hợp lý hơn cả. Việc trả lại màu trắng cho tượng được đông đảo người dân đồng tình. Rõ ràng, trong cách nhìn nhận của lãnh đạo công viên, việc sơn tượng đơn giản là “thử làm mới, sai thì sửa, không phù hợp thì sơn lại”.

Việc sơn lại tượng với thẩm mỹ khá tệ là điều đáng phản biện, nhưng bên cạnh đó sự việc cũng đặt ra câu hỏi về cách thức thử nghiệm làm mới không gian công cộng. Trên địa bàn thành phố còn có rất nhiều công trình nghệ thuật công cộng có tuổi đời hàng chục năm, đã có dấu hiệu xuống cấp, cần tu bổ lại... Dư luận phản ứng mạnh mẽ với việc sơn lại tượng ở Công viên Thống Nhất dù đó chỉ là những bức tượng trang trí bình thường, điều đó liệu có khiến những người có ý định làm mới không gian công cộng cảm thấy cần phải thận trọng hơn?

Phải thận trọng

Việc sơn tượng nói trên gợi nhớ những lần “thay đổi diện mạo” từng làm dư luận xôn xao. Chẳng hạn như việc sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội vào năm 2015 hay quét lại vôi cho những bức tường ở Văn Miếu vào năm 2017... Rõ ràng, việc thay đổi diện mạo bề ngoài của những công trình văn hóa quen thuộc với người dân có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, cần hết sức thận trọng với những “thử nghiệm thị giác” ở nơi công cộng. Theo ông, một tác phẩm đơn lẻ thì có thể đẹp, nhưng khi đưa vào không gian công cộng thì phải xem nó có phù hợp với cảnh quan tổng thể; tác phẩm đó có làm đẹp không gian, có đáp ứng nhu cầu, cảm xúc thẩm mỹ của công chúng hay không... Cũng chính vì vậy mà nhiều họa sĩ đã lên tiếng phản đối khi bích họa mọc “như nấm sau mưa” ở quá nhiều nơi với đủ phong cách khác nhau, thậm chí tranh tường ở nhiều nơi có chất lượng nghệ thuật ở mức kém hoặc không phù hợp với cảnh quan chung.

Còn PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia nhận định: “Trên thực tế, việc đặt một tác phẩm vào không gian công cộng là bài toán vừa đơn giản vừa phức tạp. Nó không chỉ liên quan tới tính nghệ thuật của riêng tác phẩm và cá tính nghệ thuật của tác giả, mà còn là vấn đề liệu các nhóm chủ thể có quyền sử dụng, kiểm soát không gian đó, cộng đồng tại khu vực đó có đón nhận tác phẩm đó hay không. Như vậy, vấn đề nghệ thuật ở đây không chỉ được quyết định bởi nghệ sĩ, mà còn bởi công chúng”.

Tính quyết định của công chúng thể hiện rất rõ ở những dự án chú trọng tới sự tương tác của người dân. Chẳng hạn như dự án nghệ thuật công cộng trên địa bàn phường Phúc Tân có thể biến bãi rác thành không gian nghệ thuật công cộng, được người dân hết sức ủng hộ bởi theo nghệ sĩ, giám tuyển nghệ thuật Thế Sơn, ngay từ đầu dự án đã làm rất tốt công tác lấy ý kiến của cộng đồng. Công chúng có trình độ nhận thức ngày càng cao, vừa là đối tượng thưởng thức vừa là nơi đưa ra ý kiến góp ý với nghệ sĩ và cơ quan quản lý, đòi hỏi họ không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật công cộng.

Như vậy, vấn đề quan trọng nhất đặt ra trong việc làm mới không gian công cộng là ở cách tiếp cận. Bất kỳ một sự thay đổi nào trong không gian công cộng, nhất là với các tác phẩm đã quen thuộc, phải dựa trên nguyên tắc: Bảo đảm tính thẩm mỹ chung và được cộng đồng chấp nhận. Nếu ngay từ đầu lãnh đạo Công viên Thống Nhất áp dụng nguyên tắc này, vừa tham vấn các nhà chuyên môn vừa lấy ý kiến của người dân thì chắc chắn đã không phải mất công “sơn đi, sửa lại” như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm mới không gian văn hóa công cộng: Đừng thử nghiệm tùy tiện!