Chương Mỹ chủ động ''4 tại chỗ'' trong phòng, chống thiên tai

Kim Nhuệ| 03/06/2020 06:58

(HNM) - Nằm trong vùng chậm lũ, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang, huyện Chương Mỹ luôn đối diện với nguy cơ ngập lụt diện rộng, dài ngày... Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, các cấp chính quyền cùng nhân dân huyện Chương Mỹ đã và đang chủ động triển khai giải pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”…

Huyện Chương Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình bảo vệ đê tả Bùi, đoạn qua xã Hoàng Văn Thụ.

Phó Trưởng phòng Kinh tế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học cho biết, thách thức lớn nhất trong mùa mưa bão năm nay của huyện là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống lũ lụt với cường độ mạnh... Cụ thể, 13km đê sông Đáy đi qua địa bàn 7 xã đang bị lún sụt, không bảo đảm cao độ thiết kế. Một số trạm bơm trên địa bàn các xã vùng thấp trũng chưa đủ năng lực tiêu úng khi xảy ra lượng mưa cao hơn 250mm/ngày... Đặc biệt, nếu xảy ra tình huống phân lũ từ sông Hồng vào sông Đáy, huyện Chương Mỹ có tới 36.390 hộ dân bị úng ngập, phải sơ tán…

“Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, huyện Chương Mỹ luôn xác định công tác phòng ngừa là nhiệm vụ quan trọng; trong đó, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ)...” - ông Nguyễn Đức Học khẳng định.

Về công tác phòng, chống thiên tai năm nay của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết, hiện xã đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình trạng ngập lụt. Cụ thể, xã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể cho các thành viên trong bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an ninh trật tự cho người dân tại nơi ở và nơi sơ tán... Về vật tư, xã đã chuẩn bị 600m3 đất, 5.000 bao tải, 500 cọc tre, 50 cuốc, xẻng, 20 chiếc đèn pin... phục vụ công tác hộ đê…

Tương tự, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Trung Hà cho hay, xã đã ký hợp đồng với các đơn vị sẵn sàng cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men... cho người dân trong các tình huống thiên tai. Bên cạnh đó, xã rà soát để lắp đặt bổ sung biển báo khu vực nguy hiểm... Về lực lượng, xã thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai với hơn 100 người. Lực lượng này đã được tập huấn kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhân dân di dời tài sản, khắc phục hậu quả thiên tai…

Cùng với chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lũ, lụt… 32 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ còn đẩy mạnh thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho người dân trên địa bàn. Theo ông Phùng Văn Khải, người dân xã Tân Tiến, mùa mưa lũ năm 2018, gia đình ông bị ngập nước, hỏng gần 2 tấn thóc... Rút kinh nghiệm, năm nay, gia đình ông đã chứa toàn bộ số thóc vừa thu hoạch vụ xuân vào các bao tải nhằm dễ di dời khi xảy ra lũ lụt… Không riêng gia đình ông Phùng Văn Khải, nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực thấp trũng vùng hữu sông Bùi cũng đều có ý thức hơn trong việc chuẩn bị phòng, chống úng ngập năm 2020.

Từ thực tiễn cho thấy, việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” là giải pháp đặc biệt quan trọng. Thực hiện nghiêm giải pháp này, dù cơ sở hạ tầng còn hạn chế, huyện Chương Mỹ vẫn có thể kiểm soát thiệt hại nếu có thiên tai; đồng thời, tạo thế chủ động trong bối cảnh thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương Mỹ chủ động ''4 tại chỗ'' trong phòng, chống thiên tai