Hạ Thái tìm hướng phát triển du lịch cộng đồng

Mỹ An| 30/05/2020 06:29

(HNMCT) - Du lịch cộng đồng là hướng phát triển bền vững khi gắn với sinh kế của người dân, phục vụ lợi ích của cộng đồng. Với lịch sử hơn 300 năm, làng nghề sơn mài Hạ Thái đã và đang nỗ lực tìm hướng phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch làng nghề để thu hút du khách.

Du khách xem sản phẩm truyền thống của làng nghề sơn mài Hạ Thái. Ảnh: Mỹ An

Tiềm năng thừa - kỹ năng thiếu

Có dịp đến xã Duyên Thái (huyện Thường Tín), ấn tượng đầu tiên đối với du khách là phong cảnh làng quê thanh bình, đường làng ngõ xóm sạch sẽ. Theo quốc lộ 1A (cũ), tới cầu Quán Gánh, rẽ vào đường liên xã Duyên Thái, du khách đến với làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái. Tại đây, du khách có thể tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất sản phẩm sơn mài tinh xảo, bắt mắt.

Dẫn du khách đến từng xưởng sản xuất, ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái giới thiệu: Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề là giai đoạn 1995 - 2008. Khi đó, các hộ phải sản xuất cả ngày lẫn đêm để kịp đóng những “công hàng lớn” chuyển sang các nước Tây Âu, Bắc Mỹ... Trước khi xảy ra dịch Covid-19, du khách vẫn tìm đến khu sản xuất tập trung - nơi quy tụy hơn 100 hộ sản xuất để tham quan, tìm hiểu nghề truyền thống. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái hiện chiếm khoảng 50% số lượng hàng trong các cửa hàng lưu niệm tại khu vực phố cổ Hà Nội. Đó là động lực để người Hạ Thái quyết tâm giữ nghề.

Ông Ngô Đình Tiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Duyên Thái cho biết: Với lợi thế nằm gần trung tâm Thủ đô, điều kiện giao thông thuận lợi, người dân thân thiện, mến khách lại có nghề thủ công truyền thống hấp dẫn, Hạ Thái có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch ở Hạ Thái chưa phát triển do những khó khăn, bất cập như: Làng nghề mới chỉ tập trung xuất khẩu, chưa quan tâm đến nhu cầu của du khách; các hộ kinh doanh chưa chú trọng đầu tư quản trị doanh nghiệp để phát triển thương hiệu. Hơn nữa, người dân còn thiếu kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ để giao lưu với du khách. Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng làm giảm sức hút du lịch. “Chúng tôi mong được Thành phố hỗ trợ để du lịch xã khởi sắc, từ đó quảng bá rộng rãi hình ảnh và sản phẩm làng nghề”, ông Tiến chia sẻ.

Những gợi ý để phát triển du lịch cộng đồng

Đến rất sớm để tham dự Hội nghị tập huấn về ứng xử văn minh du lịch do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tại xã Duyên Thái, bà Nguyễn Thị Hạnh (cụm 8, thôn Hạ Thái) chia sẻ: “Tôi mong muốn một ngày nào đó Hạ Thái phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nhưng hiện tại người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch”.

Chia sẻ với người dân Hạ Thái kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Người dân phải được trang bị kiến thức làm du lịch, phải khơi dậy trong họ lòng tự hào về làng quê của mình để họ kể cho du khách những câu chuyện về văn hóa, lịch sử và nghề thủ công truyền thống. Các hộ gia đình cần giúp du khách gia tăng trải nghiệm, hướng dẫn họ làm thử một vài khâu trong quy trình sản xuất. Đặc biệt, cần sản xuất các mặt hàng nhỏ gọn, thuận tiện để du khách mua làm quà, từ đó gia tăng giá trị cho sản phẩm làng nghề”.

Khẳng định vai trò của địa phương trong phát triển du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy cho rằng, xã Hạ Thái cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đường giao thông, ứng dụng công nghệ số để xây dựng bản đồ tham quan di tích, cơ sở sản xuất trên địa bàn. “Bên cạnh đó, phải tạo được môi trường du lịch tốt với 3 tiêu chí: Thân thiện, mến khách và ứng xử văn minh để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách”, bà Thủy nói.

Nhấn mạnh đến chất lượng nguồn nhân lực - một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng điểm đến và phát triển bền vững, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng: “Chất lượng dịch vụ du lịch có mối liên quan chặt chẽ với chất lượng nguồn nhân lực. Sản phẩm của Hạ Thái là du lịch văn hóa gắn với du lịch cộng đồng, trong đó người dân là chủ thể. Sở Du lịch Hà Nội đang triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng điểm đến, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc ứng xử văn minh của cộng đồng dân cư”. Ông Hải cũng khẳng định, Sở sẽ đồng hành cùng với người dân và chính quyền Hạ Thái trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm làng nghề. Vì thế, người dân, doanh nghiệp và chính quyền xã Hạ Thái cần xây dựng những sản phẩm đặc trưng, nâng cao chất lượng điểm đến để thu hút khách trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ Thái tìm hướng phát triển du lịch cộng đồng