Bồi đắp, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh

Hoàng Lan| 03/04/2020 11:21

(HNMCT) - Vượt qua khuôn khổ của một cuộc vận động, công cuộc "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội - đã trở thành phong trào rộng khắp, được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cả cộng đồng. Nhiều hộ dân đã tự nguyện góp công, góp của, nhiều đoàn thể gương mẫu đi đầu trong các phong trào xóa chân rác, “đòi” vỉa hè cho người đi bộ, nhân rộng mô hình trồng cây xanh, ngõ phố có hoa... Nếp sống văn minh thanh lịch từng bước được cộng đồng bồi đắp, tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Nếp sống văn minh thanh lịch từng bước được cộng đồng bồi đắp, tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

"Chúng tôi không đứng một mình..."

Trong báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (Chương trình 04) giai đoạn 2016 - 2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04 Ngô Văn Quý nhấn mạnh: “Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều giải pháp cụ thể bước đầu đạt hiệu quả với nhiều mô hình, sáng kiến hay như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; ban hành và triển khai có hiệu quả các quy tắc ứng xử...”.

Để có được thành công đó, trên mỗi địa bàn, nhiều sáng kiến, mô hình, giải pháp sáng tạo đã được người dân đón nhận và nhiệt tình hưởng ứng. Quận Hoàn Kiếm, "vùng lõi" của Hà Nội, nơi các hoạt động văn hóa, thương mại, du lịch diễn ra sôi động, từ rất sớm đã triển khai Chương trình 04 bằng việc xây dựng và thực hiện đề án "Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ”. Những khẩu hiệu như "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" đã dần đi vào cuộc sống; cam kết không "chặt chém" khách hàng được các hộ kinh doanh trên địa bàn ký kết và thực hiện... “36 phố phường” ghi nhận những bước chuyển mình trong cung cách ứng xử của người dân khi họ hăng hái tham gia các hoạt động cộng đồng như tổng vệ sinh môi trường, bóc xóa quảng cáo rao vặt không đúng quy định...

Đặc biệt, trái với quan niệm trước kia về các chợ thường có nét xô bồ, dễ xảy ra cảnh cãi cọ, nói thách, cân sai, mất vệ sinh môi trường..., hiện nay chợ Đồng Xuân đã là mô hình điểm cho việc xây dựng mô hình chợ văn minh. Chị Lưu Ngọc Lan (chủ ki ốt 364A - A1 tầng 1 chợ Đồng Xuân) vui vẻ nói: “Trước đây, nhắc đến tiểu thương chợ Đồng Xuân nhiều người thường có thái độ ác cảm bởi nghĩ rằng người bán hàng ở đây ghê gớm, nhưng những năm gần đây, văn hóa ứng xử giữa người bán và người mua tại chợ Đồng Xuân đã có sự thay đổi rõ rệt. Các tiểu thương đã ý thức được việc ứng xử văn minh cũng là cách giữ chân khách hàng. Hiện tượng chèo kéo, ép khách mua, nói thách không còn nữa. Mọi người bảo nhau giữ gìn vệ sinh lối đi, bày trí gian hàng đẹp để gây thiện cảm với khách. Thêm vào đó, chợ Đồng Xuân còn là nơi nhiều khách du lịch ghé thăm, vì thế, trong những ngày lễ hay dịp kỷ niệm quan trọng của Thủ đô chúng tôi còn rủ nhau mặc áo dài, coi như một cách quảng bá nét văn hóa người Hà Nội đến bạn bè quốc tế...”.

Hà Nội đang trên đà phát triển và hội nhập nên không tránh khỏi sự va đập giữa những giá trị cũ và mới. Nhiều hủ tục chưa kịp mất đi, nhiều nếp sống mới được người dân e dè đón nhận. Chính vì thế, trong công cuộc xây dựng văn hóa người Hà Nội, nhiều địa phương chọn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới làm trọng tâm thực hiện Chương trình 04.

Chị Lê Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông cho biết: “Là địa phương có nhiều làng xã, còn tàn dư hủ tục trong việc tang, việc cưới, quận Hà Đông đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền như nhờ những người có uy tín trong dòng họ thuyết phục con cháu; cán bộ hội gương mẫu đi đầu trong tổ chức việc tang, việc cưới theo hướng văn minh; chọn cách tuyên truyền “mưa dầm, thấm lâu”, "đến từng ngõ, gõ từng nhà", thuyết phục từng người... Cũng nhờ sự vào cuộc bền bỉ của các cấp, ngành, đoàn thể, người dân dần nhận thấy đây là hình thức tổ chức việc cưới, việc tang mang lại nhiều lợi ích mà đỡ tốn kém nên đã đồng thuận làm theo.

Kết quả là quận Hà Đông hiện đang dẫn đầu trong thực hiện việc tang, việc cưới văn minh. Tỷ lệ hỏa táng đạt 100%, các đám cưới đều không có số mâm cỗ, số người dự tiệc mặn quá so với quy định; nhiều gia đình chỉ tổ chức báo hỉ hoặc tiệc trà. Đặc biệt, trong thời điểm có dịch Covid-19, nhiều hộ gia đình đã tự giác hoãn tổ chức đám cưới để tránh dịch lây lan trong cộng đồng”.

Một điểm nổi bật nữa cho thấy vai trò to lớn của cộng đồng trong “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” chính là sự nhiệt tình hưởng ứng của người dân trong hoạt động vệ sinh môi trường. Chị Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân phấn khởi chia sẻ: “Đã thành thói quen, cứ vào các buổi sáng thứ bảy hằng tuần là phụ nữ trên địa bàn quận đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường từ ngõ phố cho đến sân chơi, các điểm công cộng, dọn các chân rác, điểm rác khó xóa... Đặc biệt, các sân chơi, sân tập thể dục với vườn hoa, bồn hoa và các dụng cụ tập luyện có được như hiện nay là nhờ sự chung sức của cư dân trên địa bàn. Người góp tiền, người góp sức, người thì giúp vận chuyển vật dụng, trang thiết bị để trồng và trang trí cây cảnh.

Cảm động nhất là trong thời điểm có dịch Covid-19, số tiền mua khẩu trang, mua quần áo bảo hộ cho nhân viên Trung tâm y tế, mua trang thiết bị để vệ sinh ngõ xóm... đều lấy từ nguồn xã hội hóa với sự tham gia của các thành viên trong Hội. Hành động đó chứng minh một điều là chúng tôi không đứng một mình trong công cuộc xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch”.

Khơi dậy mạnh mẽ hơn nguồn lực cộng đồng

Người dân nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trong những ngày chống dịch Covid-19.

Dù vậy, phải thừa nhận một thực tế, việc xây dựng nếp sống văn minh ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long khẳng định: “Đâu đó trong một số nếp nhà, một số thôn xóm vẫn còn hiện tượng cờ bạc, bạo hành gia đình. Hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vứt rác bừa bãi, vi phạm trật tự giao thông, chen lấn, xô đẩy, vi phạm trật tự công cộng vẫn còn xảy ra. Những câu nói thiếu văn hóa vẫn xuất hiện ở một bộ phận người dân...”. Đó là những hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa huy động được sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân...

Trước những thách thức đặt ra, để nếp sống, cách ứng xử thanh lịch, văn minh thực sự “ngấm sâu”, trở thành thói quen trong mỗi người, theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, cần tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để kiểm tra thường xuyên, tránh cách làm đại khái. Đơn cử như khi dịch Covid trên địa bàn Hà Nội đang có những diễn biến phức tạp, người dân Thủ đô cần tuân thủ nghiêm nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Không tập trung đông người, chỉ ra ngoài khi cần thiết, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định, trung thực trong khai báo y tế... chính là cách thể hiện của một công dân Thủ đô văn minh.

Với những hành vi đi ngược lại với tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg cần phải có biện pháp giám sát, kiểm tra, áp dụng chế tài nghiêm, bảo đảm tính răn đe, giữ gìn trật tự văn minh đô thị. Cùng với đó, các địa phương cũng cần thường xuyên tuyên truyền, động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân đã nỗ lực trong xây dựng nếp sống văn minh tại cộng đồng... để duy trì nhiệt huyết trong nhân dân, thúc đẩy phong trào toàn dân.

Nhìn nhận vấn đề theo quan điểm “lấy xây để chống”, thấy rõ rằng một xã hội văn minh cần có cả cộng đồng người biết ứng xử văn minh, mong muốn làm việc thiện. Theo ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), phát huy nguồn lực cộng đồng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải bắt đầu từ việc hình thành thói quen làm điều tử tế hằng ngày, với từng người. Những việc tuy giản dị như không vứt rác ở nơi công cộng, không hái hoa, bẻ cành; đỗ xe đúng nơi quy định; đổ rác đúng giờ; duy trì thói quen xếp hàng mọi lúc, mọi nơi... chính là cơ sở hình thành nền tảng văn hóa, nếp sống văn hóa vững chắc trong đời sống cộng đồng.

Rõ ràng, cách ứng xử kém văn minh nếu cứ lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen xấu, ăn sâu thành nếp. Ngược lại, nếu từng người làm tốt từ những việc nhỏ hằng ngày thì sẽ dần hình thành một cộng đồng ứng xử văn minh, bắt đầu từ việc tự giác chấp hành các nội quy, quy định của khu phố, địa bàn nơi mình sinh sống, rộng hơn nữa là tinh thần thượng tôn pháp luật, điều căn cốt để hình thành nếp sống văn minh.

“Quán triệt tinh thần “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, xã Minh Cường đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng nếp sống mới. Như trong thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, xã khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn... đã được cán bộ xã đến tận thôn hướng dẫn và sau một thời gian, người dân hầu như đã quen với việc khai báo và nộp hồ sơ tại nhà”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi đắp, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh