Sức bật vùng đất chiêm trũng

Ngọc Quỳnh| 01/04/2020 07:44

(HNM) - Với tư duy đổi mới cùng sự cần cù, người nông dân “một nắng hai sương” tại nhiều huyện trên địa bàn Hà Nội đã biến những vùng đất trũng quanh năm 2 vụ lúa bấp bênh thành trang trại chăn nuôi, ao thả cá và bạt ngàn vườn cây trĩu quả… Những trang trại ở nhiều vùng trước đây người dân vẫn gọi là "chiêm khê, mùa thối", giờ đây không chỉ mang lại no ấm cho nhiều gia đình mà còn từng bước thay đổi cách làm ăn, cách suy nghĩ về nghề nông.

Mô hình vườn ao chuồng của gia đình ông Nguyễn Văn Huynh ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đất trũng chuyển mình sinh sôi

Một ngày cuối tháng 3, khi tia nắng đầu hạ trải khắp phố phường, làng quê như hong khô thời tiết nồm ẩm, mưa dầm…, chúng tôi đến vùng đất trũng của xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) thăm những trang trại của người dân nơi đây đang chất chứa quyết tâm thoát nghèo, làm giàu... 

Bên ao thả cá rộng gần một mẫu và vườn bưởi Diễn bung hoa thơm ngát, bà Nguyễn Thị Chiên - một trong những người tiên phong chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá theo hướng công nghệ cao tâm sự: “Đất này trước kia gia đình tôi trồng lúa nhưng năng suất bấp bênh, khi được mùa, khi mất mùa thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Sau khi được chính quyền địa phương cho đi học về kinh nghiệm nuôi cá, tôi đã chuyển toàn bộ đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản và nuôi cá theo hướng an toàn sinh học. Giờ đây, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch hàng chục tấn cá, mang lại giá trị 400-500 triệu đồng/năm, không phải lam lũ trên những cánh đồng chiêm trũng thường xuyên ngập lụt, mất mùa như xưa...”.

Nói về câu chuyện làm giàu của gia đình bà Chiên, Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng Đinh Quang Lĩnh có phần thán phục: Cải tạo vườn đất trũng thành vùng nuôi trồng thủy sản theo mô hình “sông trong ao” không hề đơn giản bởi phải có nguồn vốn đầu tư lớn và biết kết hợp nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật. Cũng nhờ các yếu tố này mà trang trại của bà Nguyễn Thị Chiên trở thành một điển hình cho việc cải tạo đất “chiêm khê, mùa thối”... thành nơi "hái ra tiền" cho những người nông dân chịu thương, chịu khó.

Trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo, mỗi người nông dân vùng chiêm trũng tìm cho mình một hướng đi riêng. Ông Nguyễn Văn Huynh ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) đã biến ruộng đất trũng thành trang trại quy mô với tổng diện tích 3,5ha. Trong đó 2,5ha diện tích mặt nước được quy hoạch 4 ao nuôi cá thương phẩm: Trắm, chép, rô phi…; phần còn lại đầu tư nuôi ếch và trồng cây ăn quả.

“Lúc bắt tay vào xây dựng trang trại, khó khăn nhiều vô kể bởi nguồn vốn không nhiều, kiến thức về khoa học kỹ thuật thì có hạn... Tự nhủ chỉ cần có đam mê và nỗ lực thì sẽ thành công, tôi đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi ở nhiều nơi rồi chắt lọc, áp dụng cho mình. Công việc dần “thuận buồm xuôi gió” mỗi năm một khấm khá hơn, tích cóp thu nhập, tôi mở rộng trang trại. Giờ đây, mỗi năm thu hoạch 50 tấn cá, 20 vạn con ếch bán ra thị trường, rồi hơn 400 gốc nhãn cũng đã cho thu hoạch, với giá trị đạt 600-700 triệu đồng/năm. Đây là điều trước đây tôi không nghĩ tới” - ông Nguyễn Văn Huynh phấn khởi.

Trong nhiều câu chuyện với chúng tôi về những người nông dân làm giàu trên vùng đất trũng của Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương đều dành cho họ sự mến phục: Dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản..., nhưng với khát vọng vươn lên trong cuộc sống, những người nông dân nơi đây đã dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, đào ao, thả cá, trồng cây ăn quả… Họ đã biến vùng đất nghèo khó trước đây thành những trang trại đầy sức sống và trù phú…

… Hình thành nếp làm ăn mới

Đã quen với cảnh “một nắng, hai sương”, điều mà những người nông dân vùng chiêm trũng của Hà Nội âu lo, trăn trở là câu chuyện đầu tư. Đầu tư phải có hiệu quả vì đây là nguồn sống. Với lượng vốn không nhiều, chủ yếu là vay, nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì coi như phá sản, không vực dậy được. Có thể nói sau mỗi thành công là cả mồ hôi nước mắt và nỗi niềm của người dân.

Khoa học công nghệ là chìa khóa để mở cánh cửa tương lai của người nông dân vùng đất trũng trên địa bàn Hà Nội. Trong câu chuyện của ông Hà Văn Quang ở xã Chu Phan (huyện Mê Linh) có thể hiểu phần nào điều đó. Năm 2007, gia đình ông Quang thuê 3ha đất vùng trũng của người dân để làm trang trại, đến nay đã có 250 con lợn, 3.000 gà đẻ trứng...

“Để tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tôi đã chủ động quy hoạch hệ thống chuồng trại khép kín, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Không chỉ đầu tư hệ thống điều hòa, các trang thiết bị phụ trợ như máng ăn, máng uống tự động, máy nghiền, trộn thức ăn…, trang trại còn ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu vệ sinh làm sạch môi trường. Việc này vừa tiết kiệm chi phí nhân công, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả…” - ông Hà Văn Quang cho biết.

Cũng từ việc chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Dương Văn Tĩnh ở xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) đã biến vùng đất trũng thành một trang trại lớn với 5ha thả cá và hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt, cho thu nhập mỗi năm hơn 2 tỷ đồng.

"Muốn thoát nghèo, không thể làm ăn theo kiểu manh mún, nên ngay từ khi bắt tay vào xây dựng trang trại, tôi đã suy nghĩ phải làm từ vài héc ta trở lên với công nghệ chăn nuôi hiện đại... Đối với các ao cá, cùng với việc áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản, tôi đã đầu tư nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại như: Hệ thống quạt nước, sục khí, máy cho ăn tự động... Từ hướng đi này, trang trại ngày càng phát triển, thu nhập năm sau cao hơn năm trước... Có thể nói, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp cũng có nghĩa là phải chấp nhận khó khăn, nhưng nếu chịu khó cập nhật thông tin khoa học, kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm thì ông trời cũng không phụ công những người dân chịu thương, chịu khó” - ông Dương Văn Tĩnh tâm sự.

Rời vùng chiêm trũng, tạm biệt những trang trại trù phú, chúng tôi phần nào hiểu rõ hơn điều mà Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đã nói trong một buổi làm việc: “Có thể nói, một thế hệ nhà nông thời hiện đại đang hình thành với nếp làm ăn mới. Từ nông hộ chuyển sang phát triển tập trung, không còn cảnh “mạnh ai nấy làm”. Không chỉ làm giàu từ vùng đất trũng mà nhiều trang trại còn xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu khâu trung gian, góp phần nâng cao giá trị nông sản”.

Biến vùng đất trũng thành các trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm là không dễ. Nhưng từ sự thành công của nhiều mô hình trên thực tế để thấy, với người nông dân, việc làm giàu trên đồng đất quê hương là hoàn toàn có thể, nếu có sự đầu tư và nỗ lực miệt mài...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức bật vùng đất chiêm trũng