Ước mơ “giữ lửa” làng nghề

Bài và ảnh: Mộc Lam| 23/02/2020 06:23

(HNMCT) - Những sản phẩm áo dài được thêu hoa tinh tế, những chiếc khăn tay, khăn lụa in hình hoa sen hay những bức tranh thêu phong cảnh nông thôn mang thương hiệu Tú Thị đã trở thành món quà lưu niệm độc đáo, mở ra hy vọng về một hành trình trải nghiệm tại làng thêu Quất Động.

Khởi nghiệp bằng nghề thêu

Căn gác nhỏ trong phố Hàng Thùng, giữa những mái ngói lô nhô đặc trưng của phố cổ Hà Nội được chị Bùi Mai Lan (Giám đốc Công ty cổ phần Thêu tay Tú Thị) sử dụng làm nơi thêu, giới thiệu sản phẩm và trở thành nơi hẹn hò thường xuyên của những người yêu thích văn hóa truyền thống. Bước vào Tú Thị là bước vào thế giới của sắc màu, với những xấp vải nhiều màu sắc đã sẵn hoa văn, những tà áo dài quý phái hay đơn giản là khoảng không đa sắc của những tấm lụa đặt sẵn đợi khách đến chọn kiểu, thêu đồ.

Sinh ra và lớn lên ở làng thêu nổi tiếng Quất Động (xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội), ký ức về quê hương và tuổi thơ của chị Mai Lan gắn liền với những bức tranh thêu rực rỡ sắc màu và hình bóng của bà, của mẹ miệt mài bên khung thêu. Là người luôn giữ niềm tự hào quê hương - vùng “đất tổ” của nghề thêu tay truyền thống Việt Nam, chị luôn trăn trở khi chứng kiến sự thăng trầm, mai một của nghề truyền thống ngay trong chính gia đình mình, khi thế hệ cha ông dần buông khung thêu gắn bó cả đời vì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp. Khi ấy, có gì đó thôi thúc chị mở tiệm thêu Tú Thị, từ bỏ công việc ổn định để bắt đầu với nghề thêu, thành lập doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thêu truyền thống, quay về với cái đẹp đang dần bị lãng quên trong xã hội.

Con đường đưa sản phẩm thêu Tú Thị ra thị trường cũng lắm công phu. Từ những sản phẩm thêu gắn với khăn, trang phục, đồ dùng hằng ngày tới những sản phẩm đòi hỏi đầu tư nhiều công sức như áo dài, tranh đều được chăm chút tỉ mỉ trước khi trao tận tay khách hàng. Ngay từ đầu, các sản phẩm của Tú Thị đã nhanh chóng chinh phục trái tim người tiêu dùng bởi sự tinh xảo trong từng họa tiết, hoa văn, thể hiện thần thái của những “cây kim vàng” ở làng Quất Động. Những sản phẩm này, như áo dài, chủ yếu được dùng trong những dịp quan trọng như cưới hỏi, ngày lễ, và là món quà ý nghĩa cho bạn bè phương xa.

Chị Mai Lan cho biết, Tú Thị hợp với không gian truyền thống nên đã tạo dựng được thị trường tại thành phố Hà Nội và Hội An (Quảng Nam). Nhưng khách hàng của Tú Thị đến từ nhiều nơi. Có những người bạn nước ngoài khi đến Hà Nội đã tìm tới cửa hàng, chọn sản phẩm thêu truyền thống để mang về làm quà. Đặc biệt, sau gần 4 năm kể từ khi thành lập, đến nay nỗ lực của Tú Thị không chỉ góp phần làm hồi sinh nghề thêu mà còn mang những sản phẩm này tới gần hơn với đông đảo người tiêu dùng, không còn bị xem như món đồ thủ công “xa xỉ”.

Bên cạnh việc thiết kế, sáng tạo các mẫu thêu, tạo sản phẩm bán ra thị trường, ngay từ khi thành lập, Tú Thị đã định hướng trở thành một không gian trải nghiệm nghề thêu truyền thống cho du khách khi đến Hà Nội. Rất nhiều lớp học thêu đã được tổ chức, thu hút người học đến từ nhiều tỉnh, thành phố về học. Nghệ nhân Bùi Lê Thuần, người làng Quất Động, gắn bó cả đời với nghề thêu, trở thành người giảng cho các học viên về kỹ thuật thêu truyền thống. Thành quả sau những giờ tập trung là những bức tranh thêu tay mang chủ đề đa dạng như chùm hoa, cây lá rực rỡ sắc màu, cánh chim sống động, có hồn...

Kỳ vọng vươn xa nhờ du lịch

Là người từng tổ chức nhiều lớp học thêu, chị Hà Quỳnh Trang, quản lý tiệm thêu Tú Thị cho biết, chương trình thực hành không chỉ phù hợp với du khách mà còn là giải pháp trị liệu tâm lý, giúp những người phải đối mặt với áp lực cuộc sống có một khoảng thời gian thư giãn, giải tỏa. “Đó là một cách sống chậm giữa đô thị gấp gáp. Bên khung thêu, mọi người rồi sẽ quên đi sự mỏi mệt, sự vội vã, thoải mái tận hưởng cuộc sống”, chị Trang chia sẻ.

Để “giữ lửa” cho làng nghề, trong quá trình định vị thương hiệu cho sản phẩm thêu Tú Thị, chị Mai Lan cũng nuôi ước mơ tạo dựng “con đường tơ lụa” của riêng mình. Trong đó có các hoạt động giới thiệu sản phẩm tại khu vực phố cổ Hà Nội cũng như tổ chức các chương trình trải nghiệm ngay tại làng nghề thêu Quất Động. Điều này hoàn toàn khả thi bởi làng nghề Quất Động cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn 20km, lại nằm ven quốc lộ 1A, có nghề thêu và không gian làng cổ truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, dễ dàng đón du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm.

So với các tour hiện nay, không chỉ giới thiệu Quất Động là một điểm trong hành trình dã ngoại ở vùng ngoại thành, Tú Thị còn đặt tham vọng tạo chiều sâu cho hành trình trải nghiệm làng nghề, tổ chức thành các chương trình tìm hiểu lịch sử làng nghề tại đền thờ cụ Lê Công Hành - ông tổ nghề thêu, thực hành nghề thêu ngay trong những ngôi nhà cổ với nghệ nhân cũng như trải nghiệm không gian văn hóa đặc trưng của xứ Đoài vốn nổi tiếng là vùng đất trăm nghề.

Là người từng tham gia khóa học thêu tại cửa hàng thêu Tú Thị, chị Nguyễn Thị Thu Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: “Việc học thêu từ chính những người con của làng thêu Quất Động đã giúp các học viên như chúng tôi không chỉ được học nghề mà còn được lĩnh hội vốn cổ dân tộc, từ đó tạo ra tác phẩm giàu tính mỹ thuật, đậm chất truyền thống. Với cách làm của Tú Thị, tôi tin rằng đây sẽ là không gian mang lại những trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn cho những người vốn đã “phải lòng” văn hóa truyền thống”.

Chứng kiến tâm huyết của những người như chị Bùi Mai Lan, chúng ta có thể yên tâm về một thế hệ kế cận luôn đau đáu giữ nghề truyền thống của cha ông trước nhịp sống vội vã hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ước mơ “giữ lửa” làng nghề