“Chân dung” nghề thợ khóa

Thùy Liên| 16/02/2020 12:23

(HNNN) - Thợ khóa là nghề khá lạ, vừa giúp người mở khóa, “phá” khóa vừa chế ra những chiếc khóa tốt nhằm chống lại kẻ gian. Oái oăm thế nhưng không thể đánh giá thợ khóa mang tính hai mặt. Họ không cần quảng cáo quá rầm rộ nhưng vẫn có thể sống khỏe bằng nghề, và hơn cả là tìm thấy từ đó ý nghĩa cuộc sống lương thiện.

Ai “khóa” được tay thợ khóa?

Chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội), chưa đến 7h sáng mà đã đông nghịt người. Anh thợ khóa Nguyễn Đắc Sơn tung tấm nilon ra, mắc hai góc lên hai cái cọc ở sát lề đường, một góc mắc vào cái cột ở phía trước, góc còn lại thì ngoắc luôn vào tay lái của xe máy. Tất cả chỉ diễn ra trong vài phút. Một cái lều tạm bợ, “trần” thấp đến mức nếu đứng lên thì đầu người đội tung cả nóc. Sơn ngồi xuống cái ghế gỗ, bày đồ nghề ra trước mặt. Những chùm chìa khóa. Những chiếc khóa cũ. Một ít phôi chìa. Mấy chiếc giũa. Kìm... Thấy tôi nhìn đống đồ nghề đơn sơ với vẻ nghi ngại, Sơn tinh ý nói ngay: “Chưa cần công nghệ cao, cứ thủ công thế này nhưng vẫn ổn”.

Câu chuyện từ anh thợ khóa mau miệng khá thú vị. Nguyễn Đắc Sơn nói rằng anh làm nghề từ lâu nhưng hàng chục năm nay chưa có “ca” nào chịu bó tay cả, chỉ có chuyện mở khóa lâu hay chóng mà thôi dù “đối thủ” là khóa két sắt, khóa cửa chìm ba tầng..., phức tạp hay đơn giản. Những mẫu khóa mới sản xuất thì mất nhiều thời gian hơn một chút trong việc “phá” khóa. Tôi hỏi Sơn: “Người ta nói thợ khóa giỏi và siêu trộm khá giống nhau về tính chất “hành nghề”, anh nghĩ sao?”. Sơn không phật ý mà vui vẻ trả lời: “Cũng có lý! Thường thì kẻ đi ăn trộm thuê thợ khóa làm chìa vạn năng. Hãn hữu cũng có cả kẻ trộm vốn là thợ khóa, bỏ nghề vì muốn kiếm tiền nhanh. Nhưng, loại thợ ấy thì...”.

Anh bỏ lửng câu nói, có thể vì không muốn đề cập đến mặt trái của nghề, những điều mà một thợ khóa đúng nghĩa luôn tìm cách tránh xa, nhưng cũng có thể do đúng lúc đó có một vị khách vừa vào ngồi xuống trước mặt. Sơn cầm chìa khóa của khách, với tay lấy phôi chìa, ướm vào bản mẫu rồi nhanh tay đưa mấy đường giũa, thoáng cái đã thấy đưa ra trước mặt khách hai chiếc chìa khóa - chiếc chìa mẫu và bản sao mới được làm. Vị khách cầm lấy chiếc chìa mới đánh, mở thử, thấy khóa mở “ngon” liền rút tiền ra trả rồi đứng lên.

Thêm mấy khách hàng đến trước “cửa hàng” của Nguyễn Đắc Sơn. Anh vừa làm vừa tiếp chuyện tôi. Sơn cho biết, cũng đã tính chuyện “lên đời”, làm thợ khóa công nghệ cho hợp thời. Tuy nhiên, vì đã “đặt chỗ” tại chợ Nủa từ bao năm nay, lại được khách hàng tín nhiệm nên cứ “tà tà” với cách làm nghề cũ. Anh không chỉ nhận sửa khóa, làm chìa ở các phiên chợ Nủa mà còn tới các phiên chợ Phủ (thị trấn Quốc Oai), cả chợ Đồ Hội (xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai) và một vài chợ khác nữa. “Cứ chạy sô đã. Trông thế mà chẳng mấy ngày được nghỉ đâu!” - Sơn cười thoải mái, tay vẫn lia giũa nhoay nhoáy, đóng khóa, thử chìa rồi giao chìa cho khách.

Thợ quê - thợ phố - thợ rong

Những người thợ khóa thủ công “ăn theo” các phiên chợ vùng như Nguyễn Đắc Sơn được gọi là “thợ quê”, tuy nhiên số này chỉ còn rất ít. Sơn nhận xét: “Làm bằng máy, thu tiền “đắt” như thợ ở phố mới đáng nói là làm nghề, chứ chúng tôi là diện cò con, lạc hậu. Chủ yếu là “vốn nghề” chứ tiền vốn bỏ ra chẳng đáng bao nhiêu, chỉ cần vài ba trăm nghìn là được”.

Rất nhiều người trong số “thợ quê” thực hiện phương châm “làm tất ăn cả”. Thợ kim khí ở các xã thuộc huyện Thạch Thất từ lâu giỏi có tiếng: Cao cấp như máy tập đa năng, võng xếp... mà họ còn “nhái” được chỉ sau mấy ngày bản chính xuất hiện trên thị trường, giá lại chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần ba hàng chính hãng, thì nhỏ như cái phôi chìa khóa có thấm gì. Chỉ khi làm những loại “chìa thửa” thì họ mới chịu mua, nhưng thực chất cũng là mua đồ do tư nhân làm ra cả, giá thấp hơn nhiều so với hàng “xịn” từ nhà máy. “Làm nghề nào ăn nghề đó, mới lại chúng tôi bán đồ tốt giá rẻ cho bà con. Thế là được chứ gì!” - Nguyễn Đắc Sơn vui vẻ nói.

Chữ “tốt” mà Sơn nói chính là sự chấp nhận của khách hàng. Một chiếc chìa khóa đánh thêm có giá chỉ từ 5 nghìn đến 10 nghìn đồng, thậm chí nếu đánh 2 - 3 chìa có thể “kỳ kèo” giảm giá. Sơn đưa thêm một con số so sánh: Một chiếc chìa khóa xe máy nếu bị mất thì người dùng phải báo hãng xe, rồi phải chờ cả tuần, cả tháng, chi phí cho việc làm chìa mới lên đến hàng trăm nghìn đồng; còn nếu nhờ “thợ quê” làm có khi chỉ mất dăm phút, số tiền phải trả chỉ trên dưới 50 nghìn đồng.

Ngoài việc làm chìa khóa, thợ khóa còn có khoản thu không nhỏ là mua khóa cũ, đổi khóa mới, tất nhiên là có khoản “ăn” chênh lệch về giá. Rồi họ sửa lại những chiếc khóa cũ, bán cho những khách chọn mua khóa cũ với giá “rẻ không ngờ”.

Những người làm nghề sửa khóa thủ công không chỉ chọn địa bàn hoạt động ở ngoại thành. “Thợ phố” Nguyễn Đức Tiến, quê ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) thường hành nghề trên hè đường Nguyễn Trãi. Mới ngoài bốn mươi tuổi nhưng anh đã có hơn 10 năm trong nghề thợ khóa. Trước anh làm thợ cơ khí nhưng gặp lúc công ty khó khăn thì xin nghỉ, đóng cái hòm, mua cái xe làm thợ khóa “rong”. Anh cho biết, nói “thợ rong” là để phân biệt với mấy anh có cửa hàng cửa hiệu đàng hoàng chứ thật ra anh cũng tìm được chỗ ngồi cố định, nếu nhà chức trách tới “hỏi thăm” thì lên xe di chuyển vị trí, lúc “êm” thì quay lại.

Phương tiện hành nghề của Nguyễn Đức Tiến “cao cấp” hơn hẳn “thợ quê”: Một máy mài chạy điện có giá trên 2 triệu đồng, cộng với vốn mua phôi chìa khoảng 1 triệu nữa. Tuy nhiên, theo anh Tiến, máy đánh chìa khóa giúp người làm nghề “tác nghiệp” thuận lợi hơn nhưng cũng có sự bất tiện. Thuận lợi ở chỗ máy có thể “phô tô” chìa  khóa nhanh chóng cấu tạo hai nửa tương ứng, có nút điều chỉnh phù hợp. Một bên máy kẹp chặt chìa khóa gốc, bên kia kẹp chặt phôi chìa; ấn nút là máy chạy, cắt phôi chìa y như bản chính. Sau đó, thợ chỉ cần giũa qua để hoàn thiện chìa, 1 - 2 phút là xong. Còn điểm bất tiện nằm ở chỗ nếu khách không có chìa gốc thì chịu. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp, thợ khóa cần áp dụng đồng thời ngón nghề của cả “thợ quê” và “thợ phố” thì mới giải quyết được, tất nhiên giá dịch vụ cũng phải tăng lên “chút đỉnh”.

“Mở khóa” nghề thợ khóa

Tôi hỏi Nguyễn Đức Tiến câu hỏi đã từng đưa ra với “thợ quê” Nguyễn Đắc Sơn và nhiều thợ khóa khác: “Trước đây, có công ty, đơn vị từng đưa ra lời thách “mở khóa có thưởng” hoặc “chế tạo loại khóa không thể mở”, anh có tham dự không?”. Anh Tiến nói rằng chẳng qua là chiêu quảng cáo chất lượng khóa của họ thôi. Anh không tham gia và nghĩ rằng chẳng có tay “thợ rong” nào tham dự dù phía mời gọi hứa hẹn tuyển dụng với khoản lương hấp dẫn đối với những ai “thắng cược”.

“Thợ khóa chúng tôi hành nghề tự do, chẳng có ai được xếp bậc thợ như trong nhà máy, doanh nghiệp. Giả dụ, nếu trúng tuyển thì liệu họ có thể trả lương gấp đôi, gấp ba thu nhập thường ngày của chúng tôi không? Đó là chưa kể mình phải đi làm xa nhà, phải thuê nhà và các khoản chi phí khác, liệu họ có bù đắp nổi không?” - anh Tiến nói.

Câu chuyện của Nguyễn Đức Tiến cho thấy anh đủ tự tin với nghề “thợ phố”, “sống khỏe” bằng nghề dù độ ổn định chắc chắn là không cao. Tuy nhiên, nhìn về tương lai thì để trụ được với nghề, họ không thể tự bằng lòng với vốn nghề “học lỏm” và khả năng “nhanh tay, hay mắt”. Cần phải cải thiện điều kiện làm nghề bằng cách sắm sửa dụng cụ tốt hơn và nâng cao hiểu biết một cách linh hoạt. Chẳng hạn, để có thể làm được chìa khóa từ thì phải mất học phí cho thầy; còn để làm được những loại khóa cao cấp hơn nữa thì phải tốn nhiều tiền và nhiều thời gian học hơn. Ngay như vợ anh Tiến, hiện đã thành thạo hầu như tất cả công đoạn sửa khóa nhưng chưa được chồng “truyền” cho thủ thuật mở khóa thang máy hoặc khắc phục sự cố đối với khóa điều khiển từ xa... do chồng chị cũng mới đi “học” về, chưa bố trí được thời gian cho đi “thực tập” cùng.

Cho dù là “thợ rong”, “thợ quê” hay “thợ phố” thì nghề thợ khóa luôn cần cho cuộc sống. Những người thợ khóa theo nghề không chỉ để kiếm sống đơn thuần, mà họ tìm thấy ở đó niềm vui, một chút tự hào và nhất là ý nghĩa giúp ích cho đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chân dung” nghề thợ khóa