Con đường nghệ thuật từ vật liệu tái chế

Quang Thái| 16/02/2020 10:25

(NSHN) - Hơn 250m đường ven sông Hồng (đoạn qua địa bàn phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đã được khoác lên mình chiếc áo mới với 16 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, nằm trong dự án cải tạo bức tường hành lang bảo vệ sông Hồng, được các nghệ sĩ triển khai từ đầu tháng 1-2020.

Dự án gồm 16 tác phẩm nghệ thuật với nội dung xoay quanh cuộc sống, con người ven sông Hồng.

Các tác phẩm ở đây được nghệ sĩ sử dụng những vật liệu tái chế như: Chai, lọ, thùng phuy…

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (Giám tuyển dự án) cho biết: “Dự án của chúng tôi có 16 họa sĩ tham gia thực hiện. Trước khi triển khai, chúng tôi đã có nhiều thời gian trao đổi với người dân quanh khu vực nhằm nắm bắt tâm tư và hiểu hơn về lịch sử nơi này để có nguồn cảm hứng sáng tạo cho phù hợp”.

“Các tác phẩm được xây dựng tương tác với bức tường cũ, để tránh ảnh hưởng đến hiện trạng khu vực”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết thêm.

Nổi bật trong dự án là bức phù điêu về nông nghiệp của nghệ sĩ Vũ Cao Đàm và ngư nghiệp của nghệ sĩ Georges Khánh.

Hai bức phù điêu tái hiện cảnh đời bình dị, cần lao của người dân Việt Nam bằng phong cách khoáng đạt, hồ hởi.

Chị Trần Thu Hà (phường Phúc Tân) chia sẻ: “Người dân chúng tôi phấn khởi sau khi dự án được triển khai. Để hưởng ứng dự án, chúng tôi đã đóng góp nhiều vật liệu tái chế như: Chai, lọ…”.

Theo chị Hà, dự án đã đem lại diện mạo tươi mới cho khu vực và người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan chung.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, việc sử dụng vật liệu tái chế trong những tác phẩm nhằm gửi tới mọi người thông điệp “Chung tay bảo vệ môi trường”.

Tác phẩm nghệ thuật “Xẩm tàu điện” của nghệ sĩ Phạm Khắc Quang với chiều dài 7m, cao 2m và được tạo ra từ thép vụn, túi ni lông ép kính…

Tác phẩm “Nhà nổi” của nghệ sĩ Lê Đăng Ninh với chiều dài 5m, cao 2,5m.

Tác phẩm được tạo ra từ những thùng phuy sắt, gương và đèn led.

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân được triển khai bằng nguồn xã hội hóa và sẽ hoàn thành trong tháng 2-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường nghệ thuật từ vật liệu tái chế