Thế quất Tứ Tổng

Triệu Dương| 23/01/2020 10:28

(HNMCT) - Cây quất Tứ Tổng (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, xưa thuộc vùng Tứ Tổng) thường góp mặt trong các gia đình Hà Nội vào dịp Tết đến xuân về. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, những năm gần đây nhiều cây quất Tứ Tổng đã trở thành “kỳ hoa, dị thảo” ở đất Hà thành...

Những nông dân tiền tỷ

Sớm mờ đất ngày tháng Chạp, khi sương còn giăng nhẹ như lớp voan mỏng trên dải đất bãi sông Hồng, người trồng quất Tứ Liên, trồng đào Nhật Tân đã rộn ràng ra đồng. Nhưng không như những nông dân ở nơi khác quanh năm bám đất trông trời, chân lấm tay bùn, nông dân mạn Tứ Tổng (tên gọi cũ của vùng đất bãi sông Hồng từ Tứ Liên lên Phú Thượng) lại ra ruộng trên những chiếc xe máy đắt tiền, thậm chí có người đi trên những chiếc "xế hộp" tậu được sau một vụ cây cảnh bội thu.

Nghệ nhân trồng quất bonsai Bùi Đức Thọ trong “bộ cánh” chỉn chu, miệng ngậm tẩu nom càng thủng thẳng, thảnh thơi bên những gốc quất chuẩn bị cho mùa Tết. Mang danh “gã gàn” từ ngày còn trẻ, chàng trai thế hệ 7x từng nổi tiếng cả mạn Tứ Tổng khi bỏ cơ ngơi khang trang trong làng ra ruộng dựng lều trồng quất, từ những ngày đất Tứ Liên còn heo hút, đứng trên đê Yên Phụ trông xuống chỉ thấy mênh mang ruộng lúa, bãi dâu... Giờ đã có bạc tỷ trong tay, Thọ càng “nổi danh” hơn khi bỏ cả việc kinh doanh vật liệu xây dựng để chuyên tâm vào trồng quất cảnh. Cách kinh doanh của Thọ cũng “có một không hai”, thay vì như người ta tất tả đem cây ra chợ hoa, tất tả lên mạng Internet chào hàng, Thọ cứ đủng đỉnh hằng ngày hút tẩu, ngắm nghía và chăm bẵm vườn quất. Ung dung thế cũng phải vì năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng Chạp vườn quất cả ngàn gốc của Thọ đã được khách đặt mua hết.

Chẳng phải bây giờ cách kinh doanh của Bùi Đức Thọ mới chẳng giống ai, mà  cách đây 20 năm, khi Hà Nội chuẩn bị chào đón sự kiện 990 năm Thăng Long - Hà Nội thì Thọ đã trồng trong vườn nhà mình đúng 990 gốc quất thế. Ngày ấy thú chơi quất đa phần mang tính đại chúng, phổ biến là loại quất to dáng gò như cây thông, nên nhiều khách đi qua vườn nhà Thọ mà không biết đó là thứ “vàng mười” đang được luyện chờ ngày lấp lánh. Mùa xuân năm Canh Dần 2010, chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thọ trồng đúng 1.000 cây quất thế dáng bonsai trong chậu cảnh cầu kỳ chọn từ làng gốm Bát Tràng, Thổ Hà về. Chẳng vì mục đích bán buôn và với tâm niệm chỉ để chơi theo cách một người Hà Nội chào đón sự kiện trọng đại của Thủ đô, thế nhưng vườn quất heo hút sâu trong bãi Tứ Liên của Thọ lại nườm nượp khách ra vào ngắm nghía, hỏi mua. Còn mùa xuân Canh Tý 2020 này, mùa xuân thứ 1010 của Thăng Long - Hà Nội, như đã nói ở trên, 1010 cây quất cảnh thế bonsai trong vườn nhà Thọ đã hết hàng.

"Gã gàn" năm nay đã ngoài tuổi 40, càng có cớ ung dung vừa chăm vườn quất vừa đủng đỉnh ngẫm những bước đi mới cho một thú chơi tài tử. Quất bonsai nhà vườn Bùi Đức Thọ được tạo dáng theo Long giáng, Phụng chầu, thác đổ, dáng trực... Bình trồng quất có hình dáng, họa tiết phong phú được nhập từ làng gốm Phù Lãng, Thổ Hà hay Bát Tràng. Khác với trồng quất trong đất vườn, những cây quất trồng trong bình phải mất khoảng 2 năm kỳ công tỉa, uốn, nắn, chăm bẵm... để có thể đọ dáng, khoe tài được với thiên hạ.

Theo lời Chủ tịch UBND phường Tứ Liên Nguyễn Việt Cường, nghề làm quất cảnh ở Tứ Liên có từ lâu đời, nhưng để trở thành một nghệ thuật và có giá trị cao thì cũng chỉ manh nha chục năm về trước. Trước đây cứ hết một vụ Tết, người Tứ Liên lại đạp xe quanh thành phố gom những gốc quất bị quăng quật sau một mùa chơi. Những gốc quất tưởng bỏ đi nhưng qua bàn tay chăm chỉ, tài hoa của người nông dân Tứ Liên lại được hồi sinh trên đất mẹ màu mỡ, chuẩn bị đón vụ mùa mới bội thu. Vốn lăn lộn với nghề trồng quất từ tấm bé, Bùi Đức Thọ cũng như nhiều người trồng quất khác nhận ra một điều, trong số những gốc quất vứt chỏng chơ bên đường, hay những gốc quất tồn tại nhiều năm trong vườn không ai màng đến, có nhiều gốc quất mọc phá cách, vậy sao không thử tạo dáng quất theo thế, như người xưa vẫn chơi “tứ quý” (đa, sanh, sung, si)? Nghĩ là làm, thế là từ một vài vườn quất bonsai ấp ủ từ mấy năm trước, đến nay Tứ Liên đã hình thành phong trào chơi quất bonsai, nâng tầm một thú chơi từ bao đời của đất Thăng Long - Hà Nội.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Nghề trồng quất lắm gian nan, một năm chỉ "ăn" được một vụ Tết nên không phải ai cũng mặn mà. Cái nghề khắc nghiệt đến nỗi những nghệ nhân một thời như bác Lê Kế Lư, thầy giáo Dương Văn Viện... giờ cũng chỉ trồng trong mảnh vườn nhỏ để chơi mà không buôn bán. Nhưng nhớ nghề, các cụ trong làng Tứ Liên hằng năm vẫn tổ chức cuộc thi trồng quất và tạo dáng đẹp, giải tuy không cao nhưng danh giá và có ý nghĩa truyền lửa cho thế hệ sau.

Theo Tiến sĩ Đinh Đức Tiến (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), thú  chơi quất cảnh mang đặc trưng của người Việt Nam mà không nơi nào có được. Điều này đã được học giả Đào Duy Anh khẳng định rõ khi ông dịch bài thơ cổ của thi hào Khuất Nguyên (340 - 278 tr.CN). Bài thơ ca ngợi cây quất và nói về đất tổ của loài cây này ở phương Nam: "Cây đẹp giữa trời đất/ Lá cây quất đã quen thổ ngơi/ Nhận mệnh không đổi đời/ Sinh ở nước Nam/ Rễ sâu khó chuyển lay/ Khí tiết bền/ Lá xanh hoa trắng/ Rộn ràng mừng thay.../ Quả tròn từng cụm/ Vàng xanh đua chín/ Như thêu dệt rực rỡ". Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến vào thế kỷ XIX cũng có bài thơ Ái quất (Yêu quất) ca ngợi phẩm chất của quất, xếp ngang loài cây này cạnh hoa sen, hoa cúc: "Yêu cúc cùng yêu sen/ Mỗi người ưa mỗi thứ/ Ta tính vốn yêu rộng/ Đến già chỉ yêu quất...".

Cũng theo Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, thú chơi đào, quất đã có từ lâu ở Thăng Long -  Hà Nội. Với ý nghĩa xua đuổi tà ma, đem lại may mắn nên cứ dịp Tết đến xuân về, dù là chốn quyền quý hay gia đình bình dân cũng sắm sửa đủ đầy hai loại cây này bày trong nhà. Khác với các vùng miền khác, đào thường để nguyên cành, quất để mọc tự nhiên thì người Thăng Long xưa - Hà Nội nay thường cắm đào trong bình gốm, bình đồng, bình sứ và trồng quất trong chậu gốm trang trí đẹp. Chính vì lẽ đó cây đào, cây quất cũng được người trồng chăm bẵm cho hợp dáng, hợp thế để đáp ứng một thú chơi mang nét hào hoa chốn kinh kỳ - Kẻ Chợ. Cuộc sống bây giờ ngày càng sung túc, đời sống tinh thần cũng theo đó phát triển phong phú, những giá trị truyền thống, thú chơi xưa lại hồi vọng khiến người Hà Nội ngày càng tìm đến nhiều hơn với quất bonsai, đào thế.

Theo cuốn Phố phường Hà Nội xưa của tác giả Hoàng Đạo Thúy, đầu thế kỷ XX ở Hà Nội đã có nhiều nhà chơi quất. Các làng quanh hồ Tây chuyên trồng hoa, trồng quất tạo thành những làng lúa, làng hoa. Trồng quất đòi hỏi kỹ thuật cao và đồng thời cũng là một nghệ thuật. Đảo quất là một kỹ thuật quan trọng để hãm cho cây ra quả rồi chín đúng dịp Tết. Khoảng rằm tháng Chạp là quất đã kìn kìn chở vào nội thành. Người Hà Nội thích chơi quất vào dịp Tết vì bền hơn các loại hoa mà lại thêm “vận đỏ”. Người chơi quất thường chọn cây có quả sum suê, trĩu nặng, quả to vàng thắm, lá xanh tươi, cành mập mạp để có sức giữ được quả và giữ lâu. Quất Tứ Liên dẫu lấy giống ở Văn Giang, Hưng Yên hay nhiều nơi khác nhưng nhờ bàn tay tài hoa của người nghệ nhân vẫn luôn đáp ứng các tiêu chí khắt khe trong thú chơi của người Hà Nội.

Vùng Tứ Tổng là dải đất ven sông Hồng từ Tứ Liên kéo dài lên tận Phú Thượng quận Tây Hồ ngày nay. Với đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp trồng loại cây chịu rét giỏi như quất, đào nên từ lâu người dân nơi đây đã có nghề trồng cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Đào có đào Nhật Tân, quất có quất Tứ Liên, Quảng Bá. Khác với những vùng miền khác, hoa đào Tứ Tổng cánh nở to, sắc màu rõ đào phai, đào thắm. Quất Tứ Tổng quả màu vàng đậm như màu quả cam, to và mọng, chơi được lâu.

Trải bao thăng trầm, thú chơi quất cảnh vẫn trọn vẹn thủy chung nơi người Hà thành. Nghề trồng quất dẫu mai một, diện tích trồng quất bị thu hẹp nhiều khi vùng đất bãi nay đã thành phố xá, nhưng Tứ Liên vẫn còn có những nghệ nhân bền bỉ nuôi ngọn lửa đam mê, để rồi mùa xuân nào cũng cho ra đời những vườn quất đẹp, góp phần lưu giữ một thú chơi, một nét đẹp văn hóa có từ ngàn đời của người Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế quất Tứ Tổng