Thành phố 1010 năm tuổi

Phạm Quang Long| 25/01/2020 07:59

(HNMCT) - Thời gian cứ lặng lẽ trôi và khoảnh khắc thành phố thân yêu cán đích một ngàn mười tuổi đã đến.

Ảnh: Lê Việt Khánh

Âu Lạc, Vạn Xuân không đơn giản chỉ là những quốc hiệu của một đất nước. Đành rằng mỗi triều đại thay thế triều đại trước đó, chuyện đổi tên cũng là bình thường, nhưng từ Âu Lạc, Vạn Xuân đến Đại Việt là cả một chiều dài nhiều thế kỷ, là một cuộc vật lộn để khẳng định vị thế của một quốc gia. Các nhà sử học đã chứng minh rằng sự hình thành và lớn mạnh của một quốc gia gắn rất nhiều với mồ hôi, nước mắt và xương máu của nhiều thế hệ, những đổi thay của ý thức xã hội về mình và về người. Ta là ai, làm thế nào để tồn tại luôn là những câu hỏi xuyên suốt thời gian, đi suốt không gian không chỉ của một người mà của một cộng đồng.

Mê Linh, Cổ Loa, Hoa Lư cũng không giản đơn chỉ là những vùng đất ngẫu nhiên được lựa chọn làm kinh đô của đất nước trong những triều đại nhất định. Cùng với sự lớn mạnh dần của quốc gia, vùng đất được lựa chọn là thủ đô phải đáp ứng được yêu cầu là “trung tâm của trời đất”, là nơi “có thể mưu nghiệp đế vương muôn đời”. Nhưng, nói như ngôn ngữ hiện đại thì nhận thức là một quá trình, sự thay đổi nhận thức, suy cho cùng, là sự chín dần của tư duy, khẳng định sự chín muồi của một quá trình. Ở những quyết định quan trọng đối với vận mệnh một dân tộc, một thời đại thì khoảnh khắc vụt sáng của tư duy bộc lộ một tầm nhìn vượt thoát hoàn cảnh mà người xưa hay ví von rằng đó là tầm nhìn của người anh hùng. Đó là quyết định sáng suốt của những thiên tài.

Nói bằng cách nói hiện đại thì mỗi lần dời đô là một lần nhận thức mới về sự phát triển của đất nước và vai trò của vùng đất được chọn làm thủ đô của một quốc gia. Người xưa cho rằng an cư bao giờ cũng đi liền với lạc nghiệp, nhưng an - yên không đồng nghĩa với bằng lòng và chấp nhận những gì mình có, thỏa mãn với những gì cần cho hiện tại, và nghiệp cũng không thể lạc nếu cái khung khổ đang có đã quá chật chội với một khát vọng đang cường tráng, trở thành vật cản cho sự phát triển. Không phải ai cũng nhận thức ra điều này vì để có thể làm được điều đó, không chỉ có tri thức mà còn cần cả bản lĩnh và lòng dũng cảm, cần cả ý chí hơn người, dám cởi bỏ những điều quen thuộc, đã được thừa nhận để hướng tới những cái mới chưa thành hình hài, chưa hứa hẹn được những điều thuận lợi. Tầm nhìn đi trước thời đại của các vĩ nhân chính là ở những quyết định đúng đắn và đúng lúc bởi thời cơ chỉ đến một lần, nếu dùng dằng, để cơ hội qua đi thì không thể làm được những điều mong muốn nữa.

Trong Chiếu dời đô, Đức Lý Thái Tổ nói với quần thần việc dời đô xưa nay không có gì lạ, không phải là việc “theo ý riêng tự tiện dời đô”. Dời đô là để “mưu nghiệp lớn, chọn chỗ ở giữa (trung tâm của trời đất), làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Ngài chọn Đại La vì vùng đất này ở vào “trung tâm của trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Toàn văn chỉ có 214 chữ, có thể nói là cực súc tích, sắc sảo, chặt chẽ về lập luận nhưng đúc kết những vấn đề rất lớn của tầm nhìn địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế, địa văn hóa, nghĩa là bao quát nhiều lĩnh vực, có căn cứ xác đáng mà hơn 1.000 năm sau, trải qua bao nhiêu vật đổi sao dời, Thăng Long - Hà Nội vẫn là Thủ đô của một nước Việt Nam thống nhất, vừa giữ được những bản sắc dân tộc, vừa phát triển và hòa nhập với thế giới, xứng đáng là thành phố văn hóa, thành phố vì hòa bình.

Các vĩ nhân, từ xưa đến nay, đều có tầm nhìn vượt thoát thời đại, mang đậm tính thực tiễn do thấu hiểu quá khứ, hiện tại và một khát vọng mãnh liệt hướng về tương lai không phải cho cá nhân mình mà cho cả một quốc gia khiến các thế hệ sau không hết ngỡ ngàng ở sự minh triết và bản lĩnh như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ sau việc thiên đô vài chục năm, khi mà những vấn đề nội trị, ngoại giao, phát triển đất nước còn đang bề bộn, triều Lý đã lập Văn Miếu, mở khoa thi để đào tạo hiền tài cho nước nhà.

Cột mốc 1010 năm không chỉ là một cột mốc lịch sử về một quyết định lớn lao mà nó còn đánh dấu một tầm vóc mới trong nhận thức về văn hóa dựng nước: Chọn thủ đô của quốc gia không chỉ là công việc của một triều đại, ý thích của một ông vua nào đó dù là sáng suốt, mà nó là bước đầu, đặt nền móng, mở ra một thời đại mới với một quốc gia; mở rộng sự học, đào tạo hiền tài, xây nền pháp trị là những công việc mang tính chất khai phóng, là tiền đề cho một quốc gia phát triển lâu bền, “thuận lẽ trời, hợp lòng người”.

Việc UNESCO công nhận khu di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long mang ý nghĩa văn hóa tiêu biểu của nhân loại là sự công nhận của thế giới đối với tinh hoa văn hóa của nước nhà từ thời Đại Việt cho đến ngày nay. Chất tinh hoa của văn hóa Thăng Long - Hà Nội là sự hội tụ, kết tinh và tỏa sáng tinh hoa văn hóa đất nước, văn hóa nhân loại không thể chỉ là những di sản của quá khứ, không thể chỉ là chứng nhân về một thời đã qua. Nó cần đồng hành với chúng ta trong đời sống hiện tại, là một trong những nguồn lực để tiếp tục phát triển Thăng Long - Hà Nội và nước Việt trong thế giới đang hòa nhập. Ở văn hóa Thăng Long - Hà Nội yếu tố văn hóa truyền thống và đương đại luôn hòa vào nhau, bồi bổ cho nhau, nuôi dưỡng nhau và cùng thăng hoa trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Cái chất hào hoa, trí tuệ, tinh túy của văn hóa Đại Việt và thời đại Hồ Chí Minh kết hợp với nhau làm cho Hà Nội không chỉ là một chứng nhân của lịch sử đã qua mà nó pha trộn quá khứ với hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà những mệnh đề như “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình” mà bạn bè quốc tế đã vinh danh đất và người Hà Nội thường được nhắc đi, nhắc lại trong những cảm nhận, phát ngôn của nhiều chính khách, nguyên thủ quốc gia hay bạn bè khắp năm châu. Có những ghi nhận ấy vì Hà Nội ngày nay vẫn giữ được cái tinh túy của người xưa cộng với cái năng động, phát triển và hòa nhập với thế giới ngày càng rộng mở trên tinh thần hợp tác, làm phong phú cho nhau, cùng chia sẻ với nhau những giá trị của mình để làm cho trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại đẹp hơn.

Thành phố nghìn năm tuổi trên thế giới có nhiều nhưng thành phố liên tục là thủ đô của một đất nước trong suốt nghìn năm thì không nhiều lắm. Nếu như không kể tới thời kỳ binh lửa cuối Trần, đầu Hậu Lê thì chỉ có triều Nguyễn do những điều kiện lịch sử lúc đó mới chọn Phú Xuân làm kinh đô cho triều đại phong kiến cuối cùng, còn vùng đất linh thiêng và hào hoa này từ ngày lập quốc đã mấy phen được chọn làm trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa của một đất nước. Châu Diên, Mê Linh, Cổ Loa, Thăng Long - Hà Nội - những vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi đã chứng kiến những võ công hiển hách, những dấu son chói lọi, những sự kiện văn hóa mang ý nghĩa khai phóng cho những giai đoạn phát triển của một dân tộc. Không phải mãi đến những năm chống chiến tranh xâm lược, người ta mới gọi Hà Nội là “trái tim của cả nước”. Từ những ngày đi mở cõi, nỗi nhớ Bắc bao giờ cũng gắn với nỗi nhớ về nơi thiêng liêng như biểu tượng của cội nguồn: “Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Nhớ Bắc - Huỳnh Văn Nghệ).

Một vùng đất cụ thể trở thành biểu tượng của quê cha, đất tổ, thành biểu tượng của non sông, Tổ quốc. Cũng như đền Hùng như biểu tượng của ngọn nguồn dân tộc, Hà Nội ngàn năm vẫn trong trái tim mỗi người dân nước Việt là vì vậy.

Vóc dáng của Hà Nội hôm nay đã vượt xa mọi tưởng tượng dù lãng mạn nhất. Chiều sâu lịch sử, tầm cao thời đại quyện vào nhau, tạo ra cho Hà Nội một tư thế mới bước vào kỷ nguyên hội nhập quốc tế toàn diện, thành điểm đến yêu mến và tin cậy cho những sự kiện tầm vóc toàn cầu. Cái làm cho Hà Nội đẹp và cường tráng hơn trong mắt bạn bè chính là ở chiều sâu văn hóa của nó, ở vóc dáng của một thành phố văn minh, yên bình, thân thiện. Dòng chảy của văn hóa Đại Việt đang trở thành một nội lực để Hà Nội và cả nước tiến vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố 1010 năm tuổi