Khơi nguồn sáng tạo

Hà Thư| 23/01/2020 07:19

(HNNN) - Cùng với việc phát huy nguồn lực từ hệ thống di sản đồ sộ hiện có, đặc biệt là nguồn lực con người với sức sáng tạo dồi dào, thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng sáng tạo, tạo cơ chế thúc đẩy công nghiệp sáng tạo, khuyến khích các tài năng cống hiến... Đó là những đề xuất mà Hà Nội Ngày nay ghi nhận từ một số doanh nghiệp, nghệ sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật nhằm thúc đẩy nhiệt huyết sáng tạo của mọi cá nhân, tổ chức, giúp Thủ đô phát triển bền vững.

Nhiều không gian công cộng đang trở thành không gian văn hóa mới cho người dân Thủ đô và du khách. Ảnh: Hà Thành

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo:
“Cởi mở với những ý tưởng mới mẻ”

Hà Nội là thành phố giàu tiềm năng, cởi mở trong việc đón nhận ý tưởng sáng tạo mới mẻ. Đây cũng là nơi đi đầu trong cả nước về phát triển các không gian sáng tạo, tạo động lực thu hút nhân lực sáng tạo và thúc đẩy sản phẩm sáng tạo.

Một thành phố sáng tạo cần hội tụ 3 yếu tố cơ bản: Cơ sở hạ tầng sáng tạo; nhân lực sáng tạo; văn hóa bao dung, chấp nhận sự sáng tạo. Chính quyền thành phố có vai trò quan trọng với cả 3 yếu tố này, cần quan tâm nhiều hơn tới hạ tầng cơ sở dành cho công nghiệp sáng tạo, nhất là những trung tâm đào tạo về thiết kế với các chuyên gia đào tạo trình độ cao. Chúng ta còn thiếu các trung tâm triển lãm, nơi giới thiệu các sản phẩm công nghiệp sáng tạo, cũng như các không gian trình diễn công cộng. Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu hỗ trợ cho thiết kế sáng tạo còn nghèo nàn. Nếu trông chờ vào sự đầu tư của khối tư nhân thì rất khó tạo ra bước phát triển mang tính đột phá.

Nguồn lực lao động sáng tạo ở Hà Nội còn thiếu, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế. Theo khảo sát mới đây của Đại học RMIT, nhu cầu về nhân lực thiết kế vượt xa khả năng cung cấp. Mặt khác, tình trạng vi phạm bản quyền nói chung cũng là yếu tố làm giảm động lực sáng tạo. Đây là vấn nạn cần sớm có giải pháp hết sức cụ thể, quyết liệt để xử lý.

Nhà nước và chính quyền thành phố Hà Nội cần cởi mở hơn trong việc tạo điều kiện để những ý tưởng sáng tạo mang tính đột phá có cơ hội thực hiện, được trình diễn hoặc được công bố một cách thuận lợi trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành. Chúng ta cần có cơ chế đặt hàng, sáng tác các tác phẩm phục vụ cho không gian công cộng; có giải pháp mở rộng thị trường cho công nghiệp sáng tạo bởi sự sôi động của thị trường sản phẩm sáng tạo chính là hệ tuần hoàn của một thành phố sáng tạo.

Kiến trúc sư Lê Việt Hà - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến đô thị:
“Người dân là những nhà thiết kế tài hoa”

Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa trầm lắng vừa sôi động, nơi không chỉ mang dấu ấn sáng tạo của các kiến trúc sư mà hiển hiện ở mọi góc phố, con đường là nội lực sáng tạo của chính người dân. Nét đẹp mang đặc trưng văn hóa Hà Nội chính là tổng thể không gian đô thị với hè phố, những ngôi nhà ống và không gian sinh động, đầy màu sắc trên mọi ngõ, phố. Đó là hệ thống nhà dạng shop-house với tầng dưới cùng được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh. Sáng tạo và khả năng xoay xở luôn là điểm rất mạnh của người Việt Nam. Người dân chính là những nhà thiết kế tài hoa làm nên vẻ đẹp cho thành phố ngàn năm tuổi. Bước vào mỗi quán cà phê, mỗi shop hàng hóa, quán ăn... ta sẽ thấy ở đó những không gian rất khác biệt, phong cách thiết kế rất riêng. Sức sáng tạo đó phong phú đến mức cứ vài mét là ta lại được chiêm ngưỡng một không gian mới, với phong cách thiết kế hoàn toàn mới.

Người dân sáng tạo không gian quanh nhà không phải để trưng bày hay biểu diễn, mà phục vụ thiết thực cho cuộc sống hằng ngày của họ. Rõ ràng, bản sắc của một thành phố không phải là cái gì ghê gớm phải cố gắng kiếm tìm, mà nó là cái chúng ta đang có sẵn, trong đời sống hằng ngày. Nhìn nhận đúng về bản sắc đầy sức sáng tạo, thành phố cần có cách quản lý cởi mở hơn, tạo sự hài hòa giữa quản lý đô thị với khả năng duy trì nét đa dạng, đặc sắc trong thiết kế, tổ chức các không gian sống nhằm thu hút du lịch, gìn giữ những di sản đô thị và nét văn hóa đầy màu sắc riêng có của Hà Nội.

Nhạc sĩ Quốc Trung:
Cần cơ chế thúc đẩy sự sáng tạo” 

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, từng bước thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo phát triển. Điển hình là việc thành phố đã thông qua kế hoạch cho phép Lễ hội âm nhạc Gió mùa được tổ chức thường niên từ năm 2019 đến năm 2022 tại Hoàng thành Thăng Long. Đó là việc làm thiết thực để các không gian sáng tạo, mô hình nghệ thuật có điều kiện phát triển. Ở chiều ngược lại, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng nỗ lực hết sức để Lễ hội âm nhạc Gió mùa dần trở thành thương hiệu văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, để người Hà Nội và du khách nhớ tới hoạt động âm nhạc thân quen này.

Công nghiệp sáng tạo phát triển dựa trên sự tác động tương hỗ giữa nghệ sĩ và công chúng, trong đó không gian sáng tạo là nền tảng cho mối quan hệ đó. Muốn cho công nghiệp sáng tạo phát triển, trước hết Thủ đô cần có thêm nhiều không gian sáng tạo để giúp nghệ sĩ có cơ hội thể hiện cá tính nghệ thuật, tiếp cận công chúng, từ đó có thêm động lực sáng tạo. Những không gian và nghệ sĩ giàu sức sáng tạo sẽ thu hút công chúng nhiều hơn, làm thay đổi cách thưởng thức, cách nhìn nhận của khán giả trước sự xuất hiện của những phong cách, thể loại nghệ thuật và nghệ sĩ mới. Sự tác động qua lại này góp phần thúc đẩy công nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, đem đến nhiều giá trị hơn cho xã hội.

Để ngành công nghiệp sáng tạo phát triển đúng với tiềm năng, vấn đề có tính quyết định là các bộ, ngành và thành phố cần đưa ra cơ chế, chính sách mới phù hợp, dành sự quan tâm đúng mức và cởi mở hơn nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mở rộng không gian sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng, tạo ra sản phẩm tinh hoa.

Thạc sĩ, Kiến trúc sư Tạ Thu Hương - Tổ chức Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng (ABC):
“Mong thành phố quy hoạch nhiều không gian công cộng”

Hà Nội là quê hương, nguồn cảm hứng bất tận cho chúng tôi sáng tạo nghệ thuật. Từ dự án tranh bích họa đầu tiên có tên “Vẻ đẹp Hà Nội xưa và nay” tại khu tập thể 39 Pháo Đài Láng năm 2017, dự án “Nông nghiệp sạch - Thành phố xanh” ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) đến những dự án gần nhất có tên “Không khí sạch - Thành phố xanh” tại tổ dân phố 19 phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) vào năm 2019..., chúng tôi luôn mong muốn khắc họa hình ảnh Hà Nội như một thành phố xanh, phát triển bền vững và giàu bản sắc.

Thực hiện các dự án nghệ thuật tình nguyện vì cộng đồng tại các không gian công cộng góp phần làm đẹp thành phố, chúng tôi tin tưởng các tác phẩm nghệ thuật sẽ mang lại giá trị tích cực, tạo thêm giá trị văn hóa, thẩm mỹ, những điểm nhấn mới lạ tại các không gian công cộng. Chúng tôi mong muốn biến những không gian công cộng trở thành điểm sinh hoạt văn hóa mới, văn minh, từ đó đem đến nhiều trải nghiệm nghệ thuật mới lạ, tạo ra một cộng đồng cư dân Thủ đô yêu nghệ thuật và có trình độ thẩm mỹ cao. Bằng hoạt động thiết thực của mình, chúng tôi cũng đồng hành, hỗ trợ cộng đồng trong công tác quy hoạch không gian cảnh quan, thiết kế đô thị, tăng hiệu quả sử dụng các không gian công cộng trên địa bàn.

Để giới sáng tác, đặc biệt là các bạn trẻ có thể đóng góp công sức nhiều hơn, chúng tôi mong muốn thành phố sẽ quy hoạch các không gian công cộng, tăng tính kết nối cho các không gian này; ban hành các quy định, quy chế, hướng dẫn và cho phép các cá nhân, tổ chức có thể tham gia nhiều hơn vào công tác cải tạo, phát triển không gian công cộng. Thành phố Hà Nội có thể đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo để các nhóm hoạt động xã hội trao đổi thông tin, truyền cảm hứng cho giới trẻ trong việc xây dựng không gian chung cho mọi người. Cần xây dựng mạng lưới liên kết để những nhóm hành động vì thành phố cùng đưa ra ý tưởng và giải pháp làm cho Hà Nội ngày càng văn minh, sạch đẹp và đáng sống hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi nguồn sáng tạo