Cầu Chương Dương - chứng nhân sự đổi mới của Thủ đô

Thu Hằng| 17/01/2020 07:07

(HNM) - Cầu Chương Dương là cây cầu huyết mạch nơi cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, kết nối đôi bờ sông Hồng. Trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, cây cầu là một chứng nhân lịch sử trong quá trình đổi mới đi lên của đất nước, là một phần lịch sử của Thủ đô.

Hơn 3 thập kỷ qua, cầu Chương Dương là một chứng nhân lịch sử trong quá trình đổi mới đi lên của Thủ đô.

Cây cầu của tinh thần tự lực, tự cường

Những năm 80 của thế kỷ trước, tình hình giao thông của Hà Nội rất phức tạp, nhất là giao thông qua sông Hồng. Mặc dù đã có cầu phao, nhưng lưu lượng phương tiện đi qua cầu Long Biên rất lớn, song cầu quá nhỏ, lại đi chung với đường sắt, nên thường xuyên bị ách tắc. Trong khi đó, cầu Thăng Long còn đang dở dang và dù có xong cũng không “chia lửa” được nhiều, do vị trí quá xa nhau.

Theo quy hoạch, Hà Nội cần thêm 4 cây cầu qua sông Hồng, trong đó cầu vào trung tâm thành phố là ưu tiên số một. Trước tình thế cấp bách, năm 1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã cho phép Bộ Giao thông - Vận tải và UBND thành phố Hà Nội xây trước một cây cầu tại khu vực này.

Ban đầu, cầu Chương Dương được xây dựng trên ý tưởng thiết kế là cầu treo với 3 nhịp chính vượt sông. Để làm được cầu này, điều quan trọng nhất là phải đóng được cọc của các trụ nhịp chính xuống sông Hồng ở độ sâu khoảng 60m. Lý thuyết là vậy, nhưng lúc đó chúng ta không có búa lớn có đủ năng lực xung kích để đóng cọc xuống cao độ yêu cầu. Yếu tố quan trọng nữa khi xây dựng cầu treo là cáp chủ để thi công từ bờ Nam sang bờ Bắc, lại không có.

Trước tình hình đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã triệu tập một cuộc họp và ông quyết định chuyển phương án làm cầu Chương Dương từ cầu treo thành cầu cứng.

Cầu Chương Dương do Viện Thiết kế giao thông (nay là Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải TEDI) thiết kế là cầu dầm thép. Nằm ở vị trí km170+200 quốc lộ 1A, cầu có chiều dài 1.230m, gồm 21 nhịp, trong đó 11 nhịp thép, 10 nhịp bê tông. Cầu chia làm 4 làn xe chạy, ở giữa có phần cánh gà mỗi bên rộng 5m, phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m. Đầu cầu phía Gia Lâm nối vào con đường mới mở (đường Nguyễn Văn Cừ) chạy tới cầu Chui và đầu cầu phía nội thành nối vào đường Trần Nhật Duật. Toàn bộ sắt thép làm cầu là tận dụng thép phục vụ thi công cầu Thăng Long và một lượng khá lớn dầm cầu đường sắt.

Tên cầu lúc khởi công (ngày 10-10-1983) là "Cầu treo mùa xuân", sau đó, được đổi tên thành cầu “Chương Dương”. Tại một cuộc họp báo ở khách sạn Giảng Võ, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nói, sở dĩ đặt tên cầu là Chương Dương bởi đây là tên một bến trên sông Hồng, nơi đã vang lừng chiến thắng đánh bại quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII, nay được đặt tên cho cây cầu để khơi dậy khí thế Chương Dương trong thi đua lao động sản xuất, trên tinh thần tự lực, tự cường của Việt Nam.

Chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng cầu lúc đó là Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Bùi Danh Lưu, chỉ huy xây dựng trực tiếp là Tổng Giám đốc Liên hiệp Các xí nghiệp giao thông 1 (nay là Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 1, Bộ Giao thông - Vận tải) Phạm Quang Tuyến. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đồng Sỹ Nguyên dù bận trăm công nghìn việc, nhưng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công trình này. Gần như tối nào ông cũng đi kiểm tra tình hình thi công dự án. Đi đến đâu, ông cũng ghi nhận, động viên những việc anh em làm được, việc gì còn vướng mắc, ngay hôm sau ông triệu tập cuộc họp để tìm giải pháp tháo gỡ.

Trong hoàn cảnh thiếu vật tư xây dựng, công nghệ thi công móng mố trụ cầu còn thô sơ lạc hậu, nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, trên công trình xây dựng cầu Chương Dương đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong việc chế sửa dầm cầu, công nghệ xử lý nền móng và sáng kiến cải tiến kỹ thuật công nghệ. Một trong những sáng kiến được lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá cao, đó là việc hoán cải và làm sống lại chiếc búa máy Denmak của kỹ sư Vũ Kim Chung. Nhờ có chiếc búa này, đã giúp các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ đóng cọc móng trụ cầu. Đến giờ, nhiều bác công nhân lúc đó vẫn nhớ sâu sắc hình ảnh những kiện tướng đóng cọc suốt đêm xuống sông Hồng. Trời rét "cắt da, cắt thịt" nhưng những người thợ vẫn làm việc quên mình, tiếng cọc đóng xuống lòng sông rung chuyển cả thành phố, hay những buổi dầm mưa lội nước chống bão lũ mỗi khi đổ bê tông móng mố trụ cầu, những ngày phơi mình dưới trời nắng chang chang để kích kéo, lao lắp những dàn dầm thép nặng hàng chục tấn tiến vào mố trụ... Nhờ vậy, cây cầu đã hoàn thành chỉ sau 21 tháng thi công, vượt tiến độ 12 tháng và chính thức thông xe ngày 30-6-1985.

Song hành cùng sự phát triển của thành phố

Nằm ở vị trí đắc địa kết nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và các vùng lân cận, từ năm 1985 đến nay, cầu Chương Dương đóng vai trò quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế Thủ đô. Cầu đã góp phần giải quyết cơ bản việc giao lưu kinh tế, xã hội giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc sông Hồng, khiến vùng đất phía Đông của Hà Nội “thay da đổi thịt”. Làng mạc và những cánh đồng ngày nào giờ đây đã mọc lên những khu công nghiệp, nhà máy, phố xá đông vui. Chính vì vậy cây cầu mang rất nhiều ý nghĩa lịch sử và văn hóa.

35 năm qua, những người thợ xây cầu Chương Dương năm xưa, đã mang khí thế của tinh thần “tự lực, tự cường” đi khắp đất nước để nối thêm những bờ vui. Từ chỗ chỉ biết sửa chữa những cây cầu bị phá hoại trong chiến tranh và từ chỗ vừa học, vừa làm cùng các chuyên gia nước ngoài, nay các kỹ sư cầu đường của Việt Nam đã tiến lên làm chủ công nghệ, có thể tự thiết kế và thi công các cây cầu lớn khác. Đó là niềm tự hào về trí tuệ, bản lĩnh, ý chí con người Việt Nam, mà Hà Nội chính là nơi khởi nguồn cho những thành tựu trên lĩnh vực quy hoạch, thiết kế, xây dựng cầu. Bà Trần Thị Lê (72 tuổi), nguyên cán bộ Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 1 chia sẻ: So với nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng sau này, thì cầu Chương Dương tuy không bề thế, hiện đại, nhưng có những đặc điểm riêng mà các cây cầu khác không có. Tôi yêu cây cầu như yêu những nhọc nhằn gian khó năm xưa và ngậm ngùi khi nhớ lại những người xây dựng cầu ngày đó...

Đến nay, Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu mới bắc qua sông Hồng. Kiến trúc kết cấu bằng thép như cầu Chương Dương đã nhường chỗ cho những cây cầu bê tông như cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì hay cầu dây văng hiện đại như cầu Nhật Tân, đánh dấu sự chuyển mình kỳ diệu của Thủ đô lên tầm cao mới. Nhưng cầu Chương Dương - cây cầu của tinh thần tự lực, tự cường vẫn kiêu hãnh đứng vững và song hành cùng sự phát triển của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu Chương Dương - chứng nhân sự đổi mới của Thủ đô