“Phố jeans” - ký ức một thời

Khánh Linh| 16/12/2019 17:31

(HNNN) - Có thể nói, chưa có một mặt hàng thời trang nào được ưu ái bày bán không phải một mà có đến vài dãy phố như... jeans (người Hà Nội thường gọi là quần áo bò). Cũng nhờ jeans mà những con phố Trần Nhân Tông, Thợ Nhuộm, Nguyễn Du đã từng được gán “nickname” là phố quần áo bò...

Mặt hàng chưa từng lỗi mốt

Trong bài Chiếc quần bò xuyên hai thế kỷ: Quần jeans vào Việt Nam, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến viết: “Người Hà Nội biết đến quần jeans do xem phim Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại (phim Cộng hòa Dân chủ Đức), trong đó nhân vật đóng vai người hùng da đỏ mặc quần jeans do diễn viên nổi tiếng Dean Reed đóng. Và cũng nhiều người biết kiểu quần này vì có một vài người mặc, họ được người thân sống ở Pháp gửi cho...”. Trong bài viết còn nhắc khá đầy đủ về các thương hiệu jeans đã từng có mặt trong đời sống người Hà Nội. Từ thương hiệu KingJo xuất hiện “sau khi quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng năm 1979, hàng hóa Thái Lan các loại qua ngả Campuchia tràn về Việt Nam. Bên cạnh vải, thuốc lá, đồ tiêu dùng có cả chiếc quần jeans hiệu KingJo.

Quần chỉ có màu xanh với hai kiểu là ống đứng và ống hơi loe. Thời điểm này, quần áo bằng chất liệu nilon và sợi tổng hợp không còn hấp dẫn nữa nên nhiều thanh niên đã chọn quần jeans, loại quần mà cả nam và nữ đều mặc được lại tha hồ “lăn lê bò toài”, nếu bị chê bẩn thì có thể thanh minh là theo mốt bụi...”, đến những bộ jeans mang thương hiệu Lee hay Levi Strauss do cán bộ đi học tập, công tác ở Đông Âu, chủ yếu là Liên Xô, cùng một số lượng lớn người lao động Việt Nam sang đó làm việc mang về. Rồi những năm 1987, 1988, ngoài các kiểu quần jeans cổ điển thì thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều kiểu khác là jeans mốc, jeans mài, rách gối, loang lổ..., phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc.

Qua tư liệu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, có thể thấy, người Hà Nội bằng sự cởi mở vốn có của mình đã tiếp nhận văn hóa mặc Tây Âu khá dễ dàng. Theo chị Vũ Lan Anh (chủ cửa hàng đồ jeans số 39 phố Trần Nhân Tông), cách đây hai chục năm, mỗi khi muốn mua quần áo bò, người Hà Nội lại rủ nhau lên phố Trần Nhân Tông, Thợ Nhuộm và một vài cửa hiệu trên đường Nguyễn Du, tuy nhiên nhiều nhất là phố Trần Nhân Tông. Họ đến đây bởi con phố này tập trung nhiều mặt hàng, kiểu dáng phong phú, giá cả phải chăng nên dễ dàng lựa chọn”.

Thời buôn bán tấp nập, quần áo bò còn được bày bán lan sang cả các phố Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân. Cũng vì mặt hàng thời trang này mà phố Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương hình thành những cửa hàng dịch vụ cắt gấu, bóp bụng..., phục vụ những nhu cầu khác nhau của “thượng đế”. Thậm chí, quần áo bò cũ hoặc có vấn đề về “đường kim, mũi chỉ” hay chủ nhân không may bị ngã xe rách đều có thể mang ra cho các tay thợ “phù phép” lại theo nhiều kiểu: Đơn giản là vá, cầu kỳ thì cách điệu ngay chỗ rách để trở thành chiếc quần jeans bụi bặm theo phong cách “Rocker” ...

Thăng trầm theo thời cuộc

Đồ jeans chưa bao giờ lỗi mốt.

Thời trang là sự quay vòng, thay đổi liên tục và jeans cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong khoảng hai chục năm trở lại đây, những con phố jeans đã chứng kiến nhiều trào lưu thời trang, từ nối gối, ống vẩy, ống bó, ống đứng cho đến “bò mài” bụi bặm, “bò rách” khoe đầu gối, cẳng chân, bắp đùi... Rồi cả những chiếc quần bò rách bình dân giá chỉ vài trăm ngàn đồng đến những chiếc quần bò rách tiền triệu xuất hiện ngập tràn trên phố. Một thời gian sau, khi trào lưu mặc đồ “xước rách” thoái trào, phố jeans lại chứng kiến xu hướng jeans được thiết kế độc lạ, bất tuân xu hướng “lên ngôi”. Xu hướng mài xước rách ngày trước bây giờ được chuyển xuống vùng gấu quần với cách xử lý đa dạng, từ tạo sợi tua rua cho tới cắt gấu, không giữ viền mép...

Thời gian xoay vần, phố jeans hối hả chạy theo nhịp của cuộc sống hiện đại. Các cửa hàng đồ jeans đông đúc ngày nào ở phố Thợ Nhuộm, phố Nguyễn Du hầu hết cũng đã trở thành ký ức “vang bóng một thời”, được thay thế bằng những cửa hiệu kinh doanh quần áo thời trang tổng hợp hoặc đồ second hand... Giờ hầu như chỉ còn phố Trần Nhân Tông vẫn có người bám trụ với nghề cũ, đó là cửa hàng Oanh Oanh tại số nhà 3A và cửa hàng của chị Vũ Lan Anh ở số nhà 39. Nhiều cửa hàng đồ jeans ở phố này đã bị thay thế bằng cửa hàng bán vàng bạc, đá quý. Cửa hàng quần áo một thời đắt khách ở số nhà 32 nay đã thành... quán trà đá vỉa hè. Những cửa hàng còn lại hoặc mở tiệm cà phê, trà tranh hoặc vẫn bán jeans nhưng phải “trộn” thêm những mặt hàng thời trang khác mới mong bám trụ.

Các cửa hàng bán đồ jeans không còn tấp nập như xưa.

Chị Lan Anh cho biết: “Giờ thì khách hàng có quá nhiều lựa chọn. Đồ jeans bán đầy trong các siêu thị, trung tâm thương mại, đủ các thương hiệu trong nước lẫn nước ngoài, đáp ứng các đối tượng từ bình dân đến giàu có. Đặc biệt là cùng với sự ra đời của thương mại điện tử, các shop quần áo online xuất hiện tràn lan, nhờ đó giới trẻ có thể mua được đồ “xịn”, thậm chí “hàng xách tay” độc lạ gửi từ nước ngoài về, giá phải chăng mà không cần phải đến tận phố jeans như trước”. Hẳn đó là lý do đáng kể khiến các con phố jeans giờ không còn tấp nập như xưa nữa. Nhớ lại một thời vàng son, chị Lan Anh ngậm ngùi: “Nhà tôi vẫn còn túc tắc bán được mặt hàng này vì không mất tiền thuê cửa hàng, nếu không thì tôi cũng bỏ lâu rồi”.       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Phố jeans” - ký ức một thời