Xây dựng nông thôn mới tiệm cận tiêu chí đô thị

23/08/2019 06:57

(HNM) - Thanh Trì đạt chuẩn huyện nông thôn mới từ năm 2017 với nhiều kết quả nổi bật và đang nỗ lực hoàn thành các phần việc nhằm đáp ứng tiêu chí của một quận trước năm 2025. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương.

Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) hôm nay. Ảnh: Bá Hoạt

- Là huyện thứ ba của thành phố Hà Nội hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, ông có thể chia sẻ cụ thể về thành quả của Thanh Trì?

- Triển khai xây dựng nông thôn mới, Thanh Trì có nhiều thuận lợi, toàn huyện đạt bình quân 13/19 tiêu chí nông thôn mới/xã. Trên địa bàn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Dệt Triều Khúc (xã Tân Triều), bánh chưng, bánh giầy Tranh Khúc (xã Duyên Hà); miến, bánh đa Phú Diễn (xã Hữu Hòa)… Đây là tiềm năng để huyện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Trước khi xây dựng nông thôn mới, huyện đã chủ động chỉ đạo các xã xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó ưu tiên đầu tư đường làng, ngõ xóm, giao thông nội đồng và các công trình điện, đường, trường, trạm...

Vì vậy, đến hết năm 2015, huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 15/15 xã. Tháng 9-2017, huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

- Cải thiện môi trường là một trong những thành công nổi bật của Thanh Trì trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Huyện đã triển khai các giải pháp nào để đạt được kết quả như vậy, thưa ông?

- Thanh Trì đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, mặt trái của nó chính là ô nhiễm môi trường. Nhận rõ điều này, năm 2016, Huyện ủy Thanh Trì ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện”; UBND huyện đã xây dựng đề án cụ thể để thực hiện. Đến nay, Thanh Trì đã triển khai 240 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu hút hơn 8.000 lượt người tham gia. Toàn huyện đã trồng được 2.917 cây xanh, 9.060m2 thảm hoa trên các đường trục chính, khu dân cư... góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, huyện đã cải tạo được 8,4km sông Tô Lịch (đoạn qua địa bàn) và làm đường gom hai bên bờ sông. Quá trình thực hiện, Thanh Trì đã huy động được sự chung sức rất lớn từ người dân với những việc cụ thể: Vệ sinh thôn xóm, trồng hoa, cây xanh, duy trì môi trường sạch đẹp…

- Thanh Trì là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa… Để giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong bối cảnh đô thị hóa, huyện đã có những giải pháp gì, thưa ông?

- Thanh Trì là vùng đất có bề dày phát triển và truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn lưu giữ được nhiều cụm di tích và di tích đã được xếp hạng như: Chùa Bảo Tháp, chùa Hưng Long, đền Chu Văn An, đền Phạm Tu, đình Triều Khúc, đình Vĩnh Ninh... 

Mặc dù việc bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa trong bối cảnh đô thị hóa là hết sức khó khăn, song, gắn với xây dựng nông thôn mới, Nhà nước cùng nhân dân trên địa bàn đã nỗ lực trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử ngày một khang trang. Nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống được phát huy như: Khai bút đầu xuân tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An (xã Thanh Liệt), khôi phục điệu múa cổ ở thôn Triều Khúc - xã Tân Triều... Cùng với đó, Thanh Trì tích cực xây dựng nếp sống văn hóa mới. Việc cưới đã được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ; việc tang được tổ chức văn minh, tiến bộ, một số hủ tục dần được loại bỏ...

- Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới gắn với đô thị văn minh, Thanh Trì triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 6 xã: Tân Triều, Thanh Liệt, Đại Áng, Ngũ Hiệp, Tam Hiệp, Ngọc Hồi. Bên cạnh đó, Thanh Trì tập trung đầu tư cho các tiêu chí nhằm hoàn thành đề án trở thành quận trước năm 2025.

Có thể nói, xây dựng xã/huyện nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao có nhiều điểm tương đồng với các chỉ tiêu trong tiêu chí của phường/quận. Ví như, ngoài cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đều đòi hỏi thu nhập bình quân của người dân phải cao hơn; tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn so với nông thôn truyền thống; công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải thường xuyên; có nhiều hơn các vườn hoa, khu vui chơi, hệ thống cây xanh, chiếu sáng, hộ dân được sử dụng nước sạch... Đây cũng chính là các chỉ tiêu mà huyện Thanh Trì phải thực hiện được để đạt tiêu chí lên quận trong tương lai.

Chính vì vậy, Thanh Trì đã tính toán để việc nâng cao chất lượng các tiêu chí xã/huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao gắn với các tiêu chí của phường/quận để đầu tư đồng bộ. Theo đó, Thanh Trì tập trung vào các việc cụ thể: Duy trì 100% xã/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% trở lên; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đô thị đạt 100%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 98% trở lên...

Để đạt được mục tiêu, Thanh Trì tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được phê duyệt; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới tiệm cận tiêu chí đô thị