Nền tảng vững chãi trên chặng đường phát triển

Nguyễn Mai| 29/07/2019 06:54

(HNM) - Ngày 30-7-1954, huyện Phú Xuyên được hoàn toàn giải phóng khỏi sự xâm chiếm của thực dân Pháp. Trải qua 65 năm, truyền thống đáng tự hào luôn cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong huyện học tập, lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp, văn minh... Thành tựu trong 65 năm qua cũng là nền tảng vững chãi để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên tiếp tục đổi mới, nỗ lực phát triển trên mọi lĩnh vực.

Truyền thống hào hùng

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Phú Xuyên có vị trí quan trọng nên bị thực dân Pháp chú ý, quyết tâm đánh chiếm. Tại đây, địch đã xây dựng 38 đồn, bốt; thường xuyên đánh phá phong trào cách mạng địa phương; càn quét, đốt phá, giết người dã man. Với bản lĩnh anh dũng, kiên cường, dưới dự lãnh đạo các tổ chức Việt Minh, nhân dân Phú Xuyên đã vùng lên đấu tranh giành chính quyền ngày 24-8-1945. Ngày 28-11-1945, Chi bộ Đảng huyện Phú Xuyên ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng của địa phương.

Cách mạng Tháng Tám thành công, huyện Phú Xuyên cùng cả nước xây dựng, củng cố chính quyền; chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hưởng ứng "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân huyện Phú Xuyên đã xẻ đường, đắp ụ, bóc ray đường sắt... nhằm cản bước tiến quân của địch. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), địch đã ném xuống Phú Xuyên 1.712 quả bom, bắn 6.155 quả đại bác, tổ chức hàng trăm đợt càn quét lớn, nhỏ. Từ tâm thế chống đỡ sự đánh phá của kẻ thù, Đảng bộ, nhân dân huyện Phú Xuyên đã tiến lên giành thế chủ động, phá vỡ từng mảng chiếm đóng của địch. Huyện Phú Xuyên đã tổ chức chiến đấu 2.053 trận, diệt 3.645 tên địch, thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược. 

Những chiến thắng vang dội ở Cầu Gầm, Nội Cói, Cống Gạo Hồ, Trại Diền, Mai Xá... đã đi vào lịch sử Phú Xuyên như những chiến công chói lọi, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ngày 7-5-1954. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại, địch đã rút khỏi các bốt chiếm đóng, ngày 30-7-1954, huyện Phú Xuyên được hoàn toàn giải phóng.

Tiếp nối truyền thống, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Phú Xuyên có 17.000 thanh niên tham gia quân đội, hàng nghìn lượt thanh niên xung phong. Nhân dân trong huyện phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức chiến đấu 241 trận, bắn rơi 13 máy bay Mỹ. Địa danh Cầu Giẽ được ví như "Hàm Rồng" của tỉnh Hà Tây (thời kỳ đó). Trải qua các cuộc chiến tranh, huyện Phú Xuyên đã có gần 4.000 liệt sĩ; gần 2.000 thương, bệnh binh. Đảng, Nhà nước cũng đã vinh danh 319 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện.

Tạo đột phá để phát triển

Truyền thống quý báu là nền tảng, là động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên nỗ lực vươn lên trong thời bình, giành nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.

Phát triển làng nghề là mũi nhọn kinh tế ở huyện Phú Xuyên.

Là huyện nông nghiệp của Hà Nội, Phú Xuyên đã đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, huyện đã hình thành các vùng: Trồng lúa năng suất, chất lượng cao; vùng trồng rau an toàn; vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi xa khu dân cư; vùng trồng cây ăn quả; 27 mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình mới được áp dụng vào sản xuất như: Măng tây xanh, su hào trái vụ; rau cần, khoai tây, bí xanh... cho giá trị đạt từ 200 đến 500 triệu đồng/ha. Đặc biệt, Phú Xuyên sớm có chính sách hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Huyện hỗ trợ 50% kinh phí cho các hợp tác xã và hộ nông dân mua máy cấy, máy gieo hạt; hỗ trợ 70.000 đồng/sào khi các hộ cấy lúa bằng máy; hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà lưới để triển khai mô hình trồng măng tây...

Làng nghề cũng được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Phú Xuyên. Trưởng phòng Kinh tế Nguyễn Hữu Chi cho biết: Toàn huyện có 156/156 thôn, làng có nghề, trong đó có 43 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện ước đạt hơn 4.500 tỷ đồng/năm. Khu vực làng nghề đã tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn.

Nhằm tạo bước đột phá cho sản xuất, huyện Phú Xuyên đã hình thành Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và triển khai 3 cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề ở các xã: Phú Túc, Đại Thắng, Phú Yên. Năm 2020, huyện sẽ thêm 19 cụm công nghiệp làng nghề.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, Phú Xuyên đã huy động được hơn 3.354 tỷ đồng đầu tư cho các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, huyện Phú Xuyên đã có 20/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019 đang phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ để đến cuối năm, huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phú Xuyên cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới; xã Đại Thắng hoàn thành nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2019-2020. Việc đẩy mạnh xây dựng chương trình nông thôn mới đã giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hiện, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 42,6 triệu đồng/người/năm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, môi trường được cải thiện; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển...

Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa, mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên sẽ phát huy truyền thống, tập trung trí tuệ, xác định những khâu đột phá... đưa huyện phát triển. Thành tựu phát triển trong 65 năm xây dựng và trưởng thành là niềm tự hào và nguồn sức mạnh cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên không ngừng phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Xuyên lần thứ XXIV... đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng vững chãi trên chặng đường phát triển