Tinh tế lụa tơ sen

Nguyễn Mai| 10/07/2019 15:47

(HNM) - Từ sự tìm tòi, đam mê, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) đã làm nên những sản phẩm lụa tinh xảo, có giá trị cao từ cuống của loài hoa sen. Đẹp thuần khiết như hoa, sản phẩm lụa tơ sen đã và đang gây dựng thương hiệu mới cho vùng quê đã từng một thời nức tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt vải của vùng quê Mỹ Đức...

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận với sản phẩm tơ sen. Ảnh: Mạnh Dũng

Kỳ công từng sợi tơ sen

Từ xa xưa, xã Phùng Xá của huyện Mỹ Đức nổi danh với nghề trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải… Sinh ra trong cái nôi của nghề truyền thống ấy, lên 6 tuổi, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã được bố mẹ dạy cách chăn tằm, ươm tơ, các thao tác của nghề dệt vải và cứ thế, nghề đã thấm sâu trong bà tự lúc nào chẳng hay...

Miền quê Phùng Xá nằm soi bóng bên dòng sông Đáy hôm nay không còn những nương dâu ngút ngàn, những nong kén tằm vàng óng như cách đây mấy chục năm. Số hộ trồng dâu, nuôi tằm ở Phùng Xá giảm nhanh, nhưng nghệ nhân Phan Thị Thuận vẫn bền bỉ với nghề. Năm 2010, khi đã sắp bước vào tuổi 60, nghệ nhân vẫn quyết định thành lập Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức. Niềm đam mê với nghề dệt thôi thúc bà tìm tòi, sáng tạo và bà trở thành người đầu tiên "bắt" tằm tự dệt thành tấm chăn tơ tinh xảo và vô cùng bền chắc so với các loại chăn thông thường. Chứng kiến hàng vạn con tằm ăn dâu, nhả tơ, tự đan cài nhau để tạo nên những tấm chăn tơ nhẹ mà đẹp mới thấy sức sáng tạo của người làm nghề nơi đây tinh tế đến mức nào!

Bà Thuận cho hay: "Với đặc tính của tơ tằm là mềm mại, tản nhiệt nhanh nên rất ấm. Trên thị trường, chưa có ai làm được sản phẩm này nên chăn tơ tằm của chúng tôi đang gây “sốt” - sản phẩm làm ra tới đâu, tiêu thụ hết tới đó. Giá thành của mỗi chiếc chăn tơ phụ thuộc vào lượng tơ nhiều hay ít. Thông thường, nếu 1 chiếc chăn nặng 2kg sẽ có giá khoảng 10 triệu đồng…".

Chưa hài lòng với thành công ấy, bà Thuận luôn tâm niệm, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nếu không có sản phẩm độc đáo thì nghề dệt sẽ khó trụ vững. Như cơ duyên, năm 2017, trong một lần đến thăm xưởng sản xuất, khách hàng đã gợi ý bà Thuận làm lụa sen. Không ngờ, gợi ý đó đã khiến bà bị thuyết phục ngay tức thì. “Ban đầu tôi thấy rất lạ vì chưa nghe thấy sản phẩm này bao giờ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì biết, dệt lụa từ tơ sen khá phổ biến và được ưa chuộng ở Myanmar, Campuchia. Tôi nghĩ, sen ở Mỹ Đức được trồng rất nhiều, nếu phát triển nghề dệt tơ sen sẽ không lo thiếu nguyên liệu. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi quyết đi học nghề ở Campuchia và trở thành người đầu tiên ở Việt Nam dệt lụa từ tơ sen” - nữ nghệ nhân nói đầy tự hào.

Những ngày đầu mới làm lụa sen, bà Thuận gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc kéo được sợi tơ từ cuống sen đã mất khá nhiều thời gian, công sức. Cuống sen nào cũng làm được tơ nhưng cuống non thì tơ sẽ dẻo và đẹp hơn; cuống sạch thì tơ đẹp, bởi vậy, sau khi cắt ở đầm về, việc đầu tiên là bà Thuận tỉ mỉ rửa sạch bùn đất và gai từng cuống sen. Quá trình rút tơ đòi hỏi người thợ phải khéo léo, nếu cắt sâu quá sẽ làm đứt luôn phần sợi tơ; còn cắt nông quá sẽ không kéo được tơ. Để lấy được tơ sen, bà Thuận phải khéo léo dùng dao khứa xung quanh cuống sen rồi dùng tay vặn và kéo tơ, se cho sợi tơ tròn lại. Vì sự cầu kỳ như vậy nên mỗi ngày 1 người thợ chỉ kéo được 200-250 cuống sen.

Lấy được tơ sen đã khó, dệt được một tấm lụa sen cũng khó không kém. Tơ sen mỏng manh nên người thợ dệt Phùng Xá phải chỉnh khung dệt cho phù hợp. “Phải mất hơn một tháng tìm tòi, nghiên cứu, dệt đi dệt lại nhiều lần, tôi mới hoàn thành chiếc khăn lụa bằng tơ sen đầu tiên. Tính ra, một chiếc khăn lụa sen rộng 25cm, dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen cùng rất nhiều ngày công. Cũng do được làm hoàn toàn thủ công nên lụa sen có giá rất cao. Một chiếc khăn lụa sen có giá từ 5 triệu đồng trở lên. Thành công từ cái mới, cái khó với những sản phẩm có giá trị cao đã tiếp thêm niềm đam mê cho nữ nghệ nhân…

Sẵn sàng đào tạo trực tiếp cho người trồng sen

Không phụ công người thợ cầu kỳ trong từng công đoạn, bù lại, lụa sen mềm, mịn, mát, nhẹ như lụa tơ tằm; ngoài ra, còn có thêm ưu điểm xốp, thấm nước và tỏa hương nhè nhẹ của sen. Từ lụa tơ sen có thể dệt khăn, quần áo, làm đồ lưu niệm… rất đẹp!

Cả đời gắn bó với nghề dệt, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận luôn tâm niệm, muốn giữ nghề, phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra cái mới để sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Hiện Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận làm Giám đốc vừa dệt lụa tơ tằm, vừa dệt lụa tơ sen. Nhờ sự năng động, sáng tạo và đặc biệt đam mê nên 20 công nhân của Công ty có việc làm và thu nhập ổn định.

Độc đáo là vậy, song nghệ nhân không giấu nghề. Bà không muốn “là người đầu tiên” duy nhất mà rất muốn nhiều người cùng làm, bởi, theo bà, nghề này vừa tạo việc làm và thu nhập cho người “vùng sen”, vừa duy trì một nghề độc đáo, riêng biệt. “Tôi sẵn sàng dạy cho công nhân trong công ty và bất cứ ai muốn học nghề lấy tơ và dệt lụa từ tơ sen. Tôi mong được hợp tác với các hộ trồng sen theo hướng đào tạo trực tiếp cho người trồng sen cách rút tơ sen để bán nguyên liệu cho tôi dệt lụa hoặc có thể tự dệt tại nhà” - bà Thuận trải lòng.

Sản phẩm lụa tơ sen có chất lượng cao, được thị trường đón nhận nhưng để phát triển hơn, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Sen có mùa (từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 9 hằng năm) nên chỉ lấy được tơ theo thời vụ; các công đoạn sản xuất vẫn chủ yếu làm thủ công nên để dệt được lụa sen mất nhiều thời gian. Bà Thuận mong muốn thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức cùng các ngành chức năng định hướng cụ thể hơn cho việc phát triển tơ sen, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu tơ sen của huyện Mỹ Đức để nghề dệt lụa sen phát triển…

Nói về nghề dệt lụa sen trên địa bàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho rằng, ngoài lấy tơ, các hộ trồng sen kết hợp thu hoạch hoa sen và hạt sen, tạo nguồn thu đáng kể; nếu nghề dệt tơ sen phát triển sẽ tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông nhàn. “Huyện Mỹ Đức đang nghiên cứu để hỗ trợ phát triển nghề dệt lụa sen theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giúp nâng cao giá trị, thu nhập cho nông dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mỹ Đức có khoảng 300ha đất trũng trồng sen, trong đó xã An Phú - nơi có 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống đang có 198ha đất trồng sen. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc sản xuất sợi tơ sen” - ông Lê Hải Hồng kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh tế lụa tơ sen