Đòi hỏi những giải pháp kịp thời

05/07/2019 16:35

(HNM) - Năm 2019 là năm bản lề quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Bên cạnh những thuận lợi, công tác xây dựng nông thôn mới của thành phố vẫn gặp một số khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời để tháo gỡ. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí.

- Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của thành phố?

- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến nay, toàn thành phố đã có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 325 xã (chiếm 84,2% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, vượt trước 2 năm so với kế hoạch thành phố đề ra (kế hoạch đến năm 2020 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới) và có 3 xã (Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung thuộc huyện Đan Phượng) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018.

Năm 2019, thành phố đặt mục tiêu có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm nay, các huyện, thị xã và các xã đã đăng ký, xây dựng kế hoạch và xác định từng tiêu chí cụ thể để tập trung đầu tư. Đến hết quý II năm 2019, nhiều xã đăng ký đạt chuẩn đã tiệm cận 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đối với xây dựng huyện nông thôn mới, thành phố đề ra đến năm 2020 có 10 huyện, thị xã hoàn thành mục tiêu. Hiện, ngoài 4 huyện đã được công nhận đạt chuẩn và 2 huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo huyện Thạch Thất và Phúc Thọ hoàn thiện các tiêu chí để đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Năm 2020, thành phố phấn đấu có ít nhất từ 2 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Với tiến độ như hiện nay, việc hoàn thành mục tiêu đề ra là hoàn toàn khả thi.

Xã Yên Bình, huyện Thạch Thất chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Thái Hiền

- Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Toàn thành phố hiện còn 61/386 xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới nhưng hầu hết là xã khó khăn, xa trung tâm, thuộc các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên. Hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, cơ sở vật chất ở các địa phương này vẫn thiếu đồng bộ, cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng. Trong khi việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn 2011-2015, nhưng nguồn thu của các xã chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp; việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các xã còn chậm; công tác đào tạo, nhân cấy nghề mới còn hạn chế..., do vậy đời sống của người dân các xã này, nhất là các xã dân tộc, miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy rất cần sự vào cuộc tập trung, quyết liệt của hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân để chung sức xây dựng nông thôn mới.

- Vậy thành phố sẽ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào để hoàn thành mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới, thưa ông?

- Từ nay đến cuối năm 2019, thành phố tập trung cho việc tổ chức thành công hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (gồm 2 giai đoạn: 2011-2015 và 2016-2020). Qua đó, làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, thành phố hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương công nhận hai huyện Gia Lâm, Quốc Oai đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; tập trung chỉ đạo thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và hai huyện Thạch Thất, Phúc Thọ hoàn thiện hồ sơ để trình cấp thẩm quyền công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2019. Tiến hành thẩm định công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Ngoài ra, thành phố ưu tiên cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chú trọng triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020; định hướng các địa phương quan tâm thực hiện các tiêu chí về môi trường, an toàn thực phẩm, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.

- Với vai trò là cơ quan tham mưu, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội sẽ tập trung vào những nhiệm vụ  gì, thưa ông?

- Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tiếp tục tham mưu Sở NN&PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã về bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu và bộ tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm là triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020 (đang trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt…). Bên cạnh đó, Văn phòng bám sát địa bàn, kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc ở cơ sở và đề xuất giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòi hỏi những giải pháp kịp thời