Những cây cầu “nối đôi bờ vui” trên sông Đáy

Hưng Thịnh| 30/06/2019 22:27

(NSHN) - Mấy năm gần đây, những cây cầu kiên cố mới được xây dựng bắc qua sông Đáy như “đánh thức” các làng quê ven sông thuộc các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ (Hà Nội) bừng tỉnh sau giấc ngủ dài...

(NSHN) - Mấy năm gần đây, những cây cầu kiên cố mới được xây dựng bắc qua sông Đáy như “đánh thức” các làng quê ven sông thuộc các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ (Hà Nội) bừng tỉnh sau giấc ngủ dài... 

 Từ cầu phao nguy hiểm...

Đoạn sông Đáy chảy qua địa bàn các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức có chiều dài vài chục cây số. Khoảng 5 năm trở về trước, trên đoạn sông này có tới hơn 20 chiếc cầu phao. Đến thời điểm này, khi các cây cầu kiên cố Văn Phương, Hòa Mỹ, Hòa Viên được xây dựng xong và đi vào hoạt động, số cầu phao hoạt động trên đoạn sông chảy qua 4 huyện đã giảm xuống còn 10 cầu.

Cầu phao Kênh Đào bắc qua sông Đáy thuộc địa bàn xã Sơn Công (Ứng Hòa) và xã An Mỹ (Mỹ Đức).


Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, ngoài cầu phao Tràng Cát bắc qua sông Đáy nối liền xã Kim An (Thanh Oai) với xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ), số cầu phao còn lại đều nằm trên địa bàn các xã của 2 huyện Ứng Hòa (bên tả Đáy) và Mỹ Đức (bên hữu Đáy), gồm: Cầu Viên Nội (Viên Nội - Bột Xuyên); cầu Tía (Cao Thành - Bột Xuyên); cầu Kênh Đào (Sơn Công - An Mỹ); cầu Áng Hạ (Sơn Công - Lê Thanh); cầu Lai Xá (Đồng Tiến - Xuy Xá); cầu Phù Lưu Tế (Vạn Thái - Phù Lưu Tế); cầu Đanh (Hòa Nam - Đại Hưng); cầu Chợ Sêu (Hòa Phú - Đại Hưng); cầu Vạn Kim (Phù Lưu - Vạn Kim). Những cây cầu này có kết cấu phao là thuyền bê tông, mặt cầu là những tấm đan bằng sắt hoặc trải ván gỗ; các cầu có chiều rộng 1,5 - 2m; cầu ngắn nhất có chiều dài gần 50m, cầu dài nhất là hơn 90m.

Những cây cầu phao này chỉ có thể phục vụ những người đi bộ, đi xe đạp hoặc xe máy, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân hai bờ sông Đáy. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra tai nạn luôn rình rập tại đây. Với kết cấu thiếu chắc chắn, mỗi khi có phương tiện qua lại, cầu tròng trành, nghiêng ngả. Về mùa cạn, nước sông không chảy xiết nhưng đường dẫn đầu cầu lại có độ dốc lớn, mặt đường nhỏ nên rất nguy hiểm khi lên, xuống cầu để qua sông. Trong mùa mưa bão, mực nước sông dâng cao, tốc độ dòng chảy lớn, trong khi cầu phao thường có sức chịu tải yếu, người và phương tiện mỗi khi qua cầu gây rung lắc mạnh, có thể sập hoặc đứt dây neo bất cứ lúc nào. 

... đến kiên cố nối bờ giao thương

Hơn chục năm trở về trước, trên đoạn sông Đáy chảy qua địa bàn 4 huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức mới chỉ có các cầu Tế Tiêu, Ba Thá, Phùng Xá, Mụ là những cây cầu kiên cố bắc qua sông. Trong khi đó, nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa qua quốc lộ 21B là rất lớn. Vì thế, nhiều xã nằm bên hữu Đáy thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức trở thành vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh khó có điều kiện để phát triển mặc dù chỉ cách quốc lộ 21B một con sông.

Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2018, lần lượt có thêm các cây cầu kiên cố bắc qua sông Đáy được xây dựng và đi vào hoạt động, như: Văn Phương, Hòa Viên, Hòa Mỹ và Ba Thá (được xây dựng thay thế cầu cũ xuống cấp) đã góp phần rút ngắn khoảng cách đi lại, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội các làng quê thuộc vùng hữu Đáy.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Văn Võ cho biết, những năm trước, khi cầu Văn Phương chưa đi vào hoạt động, xã Văn Võ được coi là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chương Mỹ vì cách huyện lỵ tới 15km, đường sá đi lại khó khăn. Kinh tế của Văn Võ chậm phát triển hơn so với các xã trong huyện. Bên kia sông là xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) thuộc tả Đáy có nghề làm nón lá, lại nằm giáp quốc lộ 21B nên kinh tế rất phát triển. Thời điểm đó, nối liền 2 xã là chiếc cầu phao ọp ẹp chỉ có thể bảo đảm cho người đi bộ, đi xe đạp hoặc xe máy qua lại nên dù có muốn cũng khó có thể thúc đẩy kinh tế phát triển.


Cầu Văn Phương bắc qua sông Đáy nối liền 2 huyện Chương Mỹ và Thanh Oai.


Khởi công xây dựng từ năm 2007, nhưng do vướng mắc mặt bằng thi công đường dẫn lên cầu nên phải đến cuối năm 2015, cầu Văn Phương mới chính thức thông xe và đi vào hoạt động. Theo ông Nguyễn Văn Hưng, từ khi cầu Văn Phương đi vào hoạt động, không chỉ bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão khi nước sông Đáy lên cao, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong xã Văn Võ và các xã lân cận thuộc vùng hữu Đáy như: Hòa Chính, Thượng Vực, Phú Nam An,… vận chuyển hàng hóa, giao lưu kinh tế, thương mại với các địa phương lân cận.

Nhờ giao thông thuận lợi, trên địa bàn xã Văn Võ một số ngành nghề sản xuất trong đó có nghề mộc phát triển mạnh, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Năm 2018, xã Văn Võ được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Cầu Mỹ Hòa bắc qua sông Đáy nối liền 2 huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa.


Khởi công vào tháng 12-2016, với tổng mức đầu tư gần 192 tỷ đồng, sau gần 15 tháng thi công đến tháng 2-2018, cầu Mỹ Hòa (cầu Bột Xuyên) bắc qua sông Đáy thuộc địa bàn huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cầu Mỹ Hòa có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện tình hình giao thông đi lại của nhân dân hai bên bờ sông Đáy.

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức đang triển khai dự án đường ngang đê Đáy nối cầu Mỹ Hòa với tỉnh lộ 419 để phát huy hiệu quả đầu tư của dự án cầu này. Từ đó, tạo một trục giao thông quan trọng kết nối quốc lộ 21B với tỉnh lộ 419 và đường Hồ Chí Minh; từng bước cải thiện mạng lưới giao thông vận tải của khu vực phía Tây, Tây Nam Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cây cầu “nối đôi bờ vui” trên sông Đáy