Làng văn hóa kiểu mẫu phải là thực tiễn sống động, giàu ý nghĩa nhân văn!

28/06/2019 09:45

(HNMCT) - Trên cơ sở hoàn thành xây dựng Làng văn hóa theo các tiêu chí quy định, nhiều địa phương đã tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phong trào và bắt tay xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, nâng chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần ở nông thôn lên một tầm cao mới. Về vấn đề này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Doãn Đăng - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Phủ Quốc.

(HNMCT) - Trên cơ sở hoàn thành xây dựng Làng văn hóa theo các tiêu chí quy định, nhiều địa phương đã tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phong trào và bắt tay xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, nâng chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần ở nông thôn lên một tầm cao mới. Về vấn đề này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Doãn Đăng - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Phủ Quốc.


- Thưa ông, tính từ năm 1989 đến nay đã là 30 năm thực hiện phong trào xây dựng Làng văn hóa. Có thể nói đó là một khoảng thời gian khá dài. Là người vừa nghiên cứu về văn hóa, trong đó có văn hóa làng, lại có nhiều năm kinh nghiệm, đóng góp hiệu quả cho phong trào xây dựng Làng văn hóa trong thực tiễn, ông có thể cho biết đánh giá tổng quát về phong trào này?

- Xây dựng nông thôn mới, xây dựng Làng văn hóa là một chủ trương lớn nhằm thay đổi toàn diện đời sống nông thôn theo hướng nâng cao về chất lượng, tiếp cận với các tiêu chuẩn của đời sống hiện đại, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Trên cái nền rộng lớn ấy, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần khẳng định chủ trương xây dựng đời sống văn hóa của Đảng, Nhà nước là đúng đắn. Đời sống văn hóa phát triển đã trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Riêng về nội dung xây dựng Làng văn hóa, có thể nói đó là cốt lõi của việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Trong tổng số gần 200.000 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố trong cả nước, đã có gần 70% đạt chuẩn văn hóa. Thủ đô Hà Nội có hàng trăm làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, vượt xa tỷ lệ chung của toàn quốc...

- Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, các con số thống kê chưa hẳn đánh giá đúng chất lượng phong trào. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi hiểu ý muốn nói ở đây là: Chất lượng phong trào chưa đồng đều, nhiều nơi đạt mức cao, nhưng có những nơi còn “chín non”, “chín ép”. Việc xem xét, đánh giá nào cũng phải dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, được đề ra từ trước. Việc đánh giá, công nhận làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa cũng vậy. Có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể cả chứ. Vấn đề ở đây là tiêu chuẩn, tiêu chí đề ra thì “chuẩn”, nhưng việc đánh giá, công nhận thì có lúc, có nơi còn thiếu chuẩn, chưa chuẩn, cụ thể là còn tình trạng xuê xoa, thậm chí cho “nợ” tiêu chí. Cho đến nay, nhiều người vẫn băn khoăn khi số lượng gia đình, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng nhưng đời sống văn hóa xã hội trên một số địa bàn chưa có chuyển biến thực sự. Đó là điều cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tới đây phải làm thực chất hơn.

- Thế nên mới có ý kiến bày tỏ sự lo ngại rằng, trong bối cảnh chung đó, thành quả tuy rất nhiều, nhưng hạn chế cũng còn không ít, vậy thì việc đưa ra yêu cầu cao là xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã có đủ cơ sở thực tiễn chưa?


- Khi các nhà quản lý đã đưa ra một chương trình, kế hoạch hành động mới thì trước đó đã có quá trình nghiên cứu. Thực tế là phong trào ở các nơi không bao giờ có độ đồng đều nên không thể chờ đến khi tất cả cùng đạt chuẩn văn hóa rồi mới nâng lên thực hiện yêu cầu mới. Việc lựa chọn một số làng đi trước trong việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là một quyết định đúng, có tác dụng kích thích phong trào, chú trọng nâng cao về chất lượng. Nếu cứ dàn hàng ngang, chờ cùng tiến thì làm sao có đột phá!

- Nhìn dưới góc độ văn hóa - xã hội, đó là chuyển động trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Nhưng, Làng văn hóa kiểu mẫu là một mô hình mới, đang hướng tới để thực hiện và một số nơi đang thực hiện. Đâu là sự khác biệt chủ yếu giữa Làng văn hóa kiểu mẫu và Làng văn hóa giai đoạn trước? Nó sẽ tác động thế nào đến đời sống xã hội ở nông thôn?


- Cần phải nói ngay là: Trước đây, cả phía đánh giá lẫn phía được đánh giá đều còn có lúc, có nơi chưa thật sự nghiêm túc, coi phong trào chỉ là chuyện nhất thời. Khi đã bắt đầu một giai đoạn mới là xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu thì phải thay đổi quan niệm, thái độ, nâng cao trách nhiệm, phải nâng cái nền văn hóa lên cao, phải xác định tâm huyết là làm phong trào thật sự hữu ích cho xã hội.

Điểm chung ở các Làng văn hóa là kinh tế ổn định và tăng trưởng bền vững, thu nhập bình quân tăng, đời sống vật chất được nâng cao, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo thấp; đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh; tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... Đó là cơ sở vững chắc để tiến tới thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên diện rộng, góp phần thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội cũng như trong cả nước. Điểm khác biệt chủ yếu là ở hai giai đoạn là chất lượng.

Làng văn hóa kiểu mẫu phải thật sự là mẫu mực về các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh. Cũng nên chú ý thêm một điểm là: Phải tuyên truyền thật tốt để người dân không chỉ đồng tình ủng hộ mà còn coi việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là việc của chính mình, cho mình. Tạo được sự đồng thuận tốt thì sẽ huy động được các nguồn lực cần thiết cho phong trào. Chỉ có như thế thì phong trào mới được duy trì và giữ được chất lượng theo đúng yêu cầu đề ra và mục đích hướng tới.

- Nếu có thể tóm tắt thật ngắn gọn cả về mô hình lẫn yêu cầu xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu thì ông sẽ nói như thế nào?


- Theo tôi, Làng văn hóa kiểu mẫu phải là thực tiễn sống động, giàu ý nghĩa nhân văn chứ không phải là mô hình trình diễn!

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng văn hóa kiểu mẫu phải là thực tiễn sống động, giàu ý nghĩa nhân văn!