Niềm vui nhân đôi

Dương Linh| 04/06/2019 07:51

(HNM) - “Mình dọn phòng cần tặng lại một số sách”, “Tớ ở Trung Hòa dọn đồ có một vài đôi giầy, dép vẫn còn tốt, bạn nào cần qua lấy nhé!”… là hai trong hàng nghìn thông tin chia sẻ đồ miễn phí được các thành viên nhóm Freecycle Vietnam đăng hằng ngày trên mạng xã hội Facebook.

(HNM) - “Mình dọn phòng cần tặng lại một số sách”, “Tớ ở Trung Hòa dọn đồ có một vài đôi giầy, dép vẫn còn tốt, bạn nào cần qua lấy nhé!”… là hai trong hàng nghìn thông tin chia sẻ đồ miễn phí được các thành viên nhóm Freecycle Vietnam đăng hằng ngày trên mạng xã hội Facebook. Từ những dòng tin này, hàng trăm món đồ hữu ích được trao tặng cho người cần. Niềm vui vì thế cũng được nhân đôi.

Tham gia nhóm được hơn một năm, cô giáo mầm non Trần Thị Thế (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) đã nhiều lần tặng đồ cũ cho người cần qua mạng xã hội của nhóm. Cô giáo Thế chia sẻ: “Tôi thấy tham gia nhóm Freecycle Vietnam rất hữu ích, có thể xin những thứ mình cần và tặng lại những thứ mình không dùng đến thay vì vứt bỏ. Những thứ mình không dùng nữa nhưng có thể những người cần lại đi tìm và mất khoản tiền để mua. Tôi tặng đồ mà thấy rất hạnh phúc, vì mình đã giúp được người có nhu cầu”.

“Trong lúc khó khăn, vì mới sinh em bé, tôi xin được đôi giầy rất ưng ý của bạn Thế cùng một số giầy, dép cho trẻ em. Tôi vui khi vừa được nhận đồ đẹp, lại còn có thêm một người bạn tốt chia sẻ trong cuộc sống hằng ngày”, chị Nguyễn Lý Hiếu (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) bày tỏ.

Mới tham gia nhóm chưa lâu nhưng chị Hoàng Bích Hợp, ở Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân đã có dịp tặng đồ cho người có nhu cầu và bản thân cũng tìm được thứ mình cần khi giao lưu trong nhóm. Chị Hợp vui vẻ nói: “Ban đầu tôi tham gia nhóm chỉ với lý do dọn nhà muốn cho bớt một số sách. Rất nhiều người xin, tôi cũng thấy vui. Sau đó cháu bé nhà tôi bị ho, tôi đã lên nhóm xin lá húng chanh về làm siro cho bé. Mọi người không chỉ cho lá mà còn cho cả cây về trồng. Hiện gia đình tôi đã ươm thành cây to và còn chia sẻ cho cả hàng xóm”.

Freecycle Vietnam do một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội lập ra từ năm 2013. Đến nay, cộng đồng Freecycle Vietnam đã có trên 27.000 thành viên. Mọi giao dịch của nhóm đều thực hiện công khai trên mạng xã hội Facebook. Phương thức kết nối trực tiếp người cho và nhận qua mạng xã hội tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Tất cả đồ dùng gia đình, từ bàn ghế, tủ, mỹ phẩm, sách truyện, quần áo đến cây cối, dụng cụ lao động, đồ chơi trẻ em… nếu còn tốt, các thành viên có thể chụp ảnh, đăng tin lên nhóm cùng một số thông tin cá nhân (địa chỉ, khu vực tặng quà) để tìm người có nhu cầu. Vì thế, những món đồ tưởng như bỏ đi lại được tái sử dụng và tiếp tục có ích. Cứ thế, người này giới thiệu tới người khác, nhóm ngày càng phát triển. “Thấy nhóm rất hữu ích nên em giới thiệu nhiều bạn bè tham gia và ai cũng cảm thấy thích thú”, cô giáo Trần Thị Thế chia sẻ thêm.

Anh Phạm Hồng Kiên - một trong những sáng lập viên của nhóm Freecycle Vietnam cho biết: “Chúng tôi không tạo ra một không gian mua bán hay đổi chác, mà muốn gây dựng một không gian đề cao sự chia sẻ những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Mỗi đồ vật được trao tặng là niềm vui của người cho và của người nhận. Hơn hết, những đồ vật tiếp tục được tái sử dụng thay vì bỏ đi”.

Tuy Freecycle Vietnam hoạt động trên internet, nhưng những kết nối lại là thật và hơn thế vì mọi người vừa giúp đỡ nhau, vừa giúp xã hội tránh lãng phí tiền bạc, bảo vệ môi trường một cách thiết thực. Cách đây chưa lâu, một thành viên có nick Facebook là “Hong Anh Hong” đã chia sẻ những dòng cảm xúc: “Hôm nay em đã nhận được bể cá cho bé. Bé nhà em thích nuôi cá, nhưng vì còn đi thuê nhà và nỗi lo cơm áo em chưa mua được cho bé. Em muốn gửi lời cảm ơn đến Ban Quản trị Freecycle Vietnam và các thành viên trong nhóm. Em cũng đã nhận được một số đồ các anh chị tặng mà gia đình đang cần. Món đồ không chỉ mang ý nghĩa về vật chất, mà còn mang ý nghĩa tinh thần và niềm tin. Cảm ơn mọi người”.

Trao yêu thương - nhận hạnh phúc, câu nói này thật đúng với cộng đồng Freecycle Vietnam. Đó cũng là cái đích mà những người sáng lập nhóm hướng tới. “Mong muốn của chúng tôi là sẽ có thêm nhiều thành viên để việc cho và nhận đồ thêm nhiều ý nghĩa”, anh Phạm Hồng Kiên bộc bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui nhân đôi