Chú trọng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai

23/05/2019 08:17

(HNM) - Mùa mưa bão năm 2019 đã cận kề, huyện Ba Vì đã làm gì để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra... Giải đáp vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần.

(HNM) - Mùa mưa bão năm 2019 đã cận kề, huyện Ba Vì đã làm gì để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra... Giải đáp vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện trong những năm vừa qua?

- Nhiều năm nay, huyện Ba Vì luôn coi công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tập trung chỉ đạo, điều hành sâu sát, kịp thời, linh hoạt nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Các địa phương đã thực hiện tốt chế độ trực, chỉ huy, điều hành trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi cũng đã đánh giá và nhận thấy còn một số hạn chế. Cụ thể là một số đơn vị, địa phương, người dân trên địa bàn huyện còn chủ quan, chưa thật sự chú trọng công tác phòng, chống thiên tai như xây dựng phương án còn sơ sài, hình thức; chưa thể hiện đầy đủ phương châm "4 tại chỗ"... Một số tiểu ban được phân công phụ trách các xã, đơn vị chưa chủ động kiểm tra, nắm bắt tổng hợp tình hình nên chưa kịp thời chỉ đạo xử lý khi xảy ra tình huống, sự cố. Tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi vẫn diễn ra, chưa được các địa phương và đơn vị chuyên trách xử lý kịp thời, dứt điểm...

- Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra, năm 2019, huyện Ba Vì đã và đang triển khai những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?


- Để ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra, rà soát lại tất cả công trình, nhà cửa, kho tàng, công trình công cộng để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng; rà soát các phương án ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là bão mạnh và siêu bão.

Huyện đang tập trung đẩy mạnh công tác tu bổ đê, kè, cống, hồ đập; tổ chức huy động lực lượng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát lũ nội đồng; đồng thời, kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình kênh mương, các trạm bơm, công trình phục vụ phòng, chống lũ, ngập lụt. Đối với các công trình đang bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa, huyện yêu cầu các đơn vị phải huy động nguồn lực tại chỗ để xử lý, khắc phục bảo đảm an toàn và vận hành khi có mưa, lũ, lụt xảy ra. Các đơn vị, xã, thị trấn rà soát, hoàn thiện phương án bảo vệ nhà cửa, công trình công cộng, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân; lập phương án sơ tán dân, bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Ngoài nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ, úng ngập, huyện Ba Vì có kế hoạch gì trong phòng cháy, chữa cháy rừng?

- Để phòng cháy, chữa cháy rừng, huyện Ba Vì đã yêu cầu lực lượng chức năng và các xã có rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ"; tổ chức diễn tập công tác phòng, chống cháy rừng theo kế hoạch của UBND thành phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và vận động nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng cháy, chữa cháy... Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị phải trực chỉ huy chữa cháy 24/24 giờ để sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra; tăng cường tuần tra, canh gác lửa rừng, kiểm soát nghiêm ngặt nguồn lửa đem vào rừng và sử dụng lửa trong sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, không để lửa cháy lan vào rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ".

Các đơn vị, địa phương thông báo và yêu cầu các chủ rừng trước khi xử lý thực bì, đốt nương, làm rẫy... phải báo cho chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm địa bàn biết để được hướng dẫn và giám sát quá trình thực hiện. Các đơn vị chuyên trách và xã có rừng phải thường xuyên, kiểm tra đột xuất công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các chủ rừng, các tổ, đội nhận hợp đồng bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô để nhắc nhở, chấn chỉnh, khắc phục sửa chữa kịp thời những hạn chế, thiếu sót nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai