Phóng sinh bừa bãi vừa phản khoa học vừa phản tâm linh

Thu Hằng| 18/05/2019 09:30

(NSHN) - Có mặt tại đền Ngọc Sơn vào trưa một ngày giữa tháng 5, phóng viên Báo Hànộimới thấy rất nhiều rùa tai đỏ bò lên các cành si để sưởi nắng. Những chú rùa này do người dân phóng sinh, thả nhiều ở những sông, hồ Hà Nội.

(NSHN) - Có mặt tại đền Ngọc Sơn vào trưa một ngày giữa tháng 5, phóng viên Báo Hànộimới thấy rất nhiều rùa tai đỏ bò lên các cành si để sưởi nắng. Những chú rùa này do người dân phóng sinh, thả nhiều ở những sông, hồ Hà Nội.

Điều đáng nói ở đây là rùa tai đỏ, một loài động vật xâm hại nguy hiểm. Loài này ăn tạp, lớn nhanh, sinh sản khỏe, sống dai, phá hoại hệ sinh thái nơi chúng sống.

Các loài rùa sống trong hồ Hoàn Kiếm bò lên cành si để sưởi nắng trưa 14-5-2019. Ảnh HÀ ĐÌNH ĐỨC


Trước đây ở Pháp, Trung Quốc và nhiều nước nuôi rùa tai đỏ làm cảnh, về sau nó sinh sản nhanh, số lượng quá nhiều, người ta thả ra ngoài tự nhiên. Chúng cạnh tranh với rùa bản địa và các loài thủy sinh khác nên đã bị cấm nuôi và xử phạt những người buôn bán và nuôi rùa tai đỏ. Còn tại Việt Nam, người dân vẫn vô tư nuôi rùa tai đỏ làm cảnh, thậm chí buôn bán và phóng sinh tràn lan ra ao, hồ.

Rùa tai đỏ ở hồ Hoàn Kiếm. Ảnh HÀ ĐÌNH ĐỨC


Trước thực trạng này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hà Đình Đức về ý nghĩa của việc phóng sinh và tác hại của việc phóng sinh không đúng cách ảnh hưởng xấu đến môi trường.

PGS.TS Hà Đình Đức


- Thưa PGS. TS Hà Đình Đức, ông nghĩ gì về việc phóng sinh?

PGS.TS Hà Đình Đức: Phóng sinh là một nét đẹp văn hóa. Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là một hành động nhằm cứu các loài sinh vật khỏi bị giết hại hay giam nhốt và trao cho chúng cơ hội tiếp tục sống trong môi trường tự nhiên. Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn, thì ra tay cứu thoát. Đặc biệt vào dịp Tết, mùng Một hay ngày Rằm, mọi người thường phóng sinh để cầu mong năm mới, tháng mới gặp nhiều may mắn, tốt lành.


- Người ta thường phóng sinh những sinh vật gì, thưa ông?

PGS.TS Hà Đình Đức: Thông thường người ta phóng sinh nhiều thứ, nhưng căn bản là phóng sinh loài trên trời và loài dưới nước. Loài trên trời có chim sẻ, chim ri, bồ câu… Loài dưới nước có cá, rùa, lươn, ốc… Khi con chim, con cá được thả về với tự nhiên, điều này thể hiện lòng thương hay trong đạo Phật là biểu hiện tính từ bi.

- Ông có nhận xét gì khi ở hồ Hoàn Kiếm xuất hiện rất nhiều rùa tai đỏ do người dân phóng sinh mà có?

PGS.TS Hà Đình Đức: Sinh vật nào có môi trường sống ấy, nếu như thả không đúng môi trường của nó thì suy cho cùng sẽ tạo nên mâu thuẫn giữa các loài, tiêu diệt giữa các loài với nhau.

Hiện nay, do sự thiếu hiểu biết của con người, việc phóng sinh đã gây những tác động không tốt đối với môi trường sống. Nhiều người phóng sinh theo phong trào, hình thức, phóng sinh cả những loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây ảnh hưởng đến môi trường như: Rùa tai đỏ, ốc bươu vàng… có thể gây nguy hiểm tới sinh tồn của các loài khác.

Rùa tai đỏ ăn tạp, lớn nhanh, sinh sản khỏe, sống dai, phá hoại hệ sinh thái nơi chúng sống


- Ông vừa nhắc tới cụm từ “sinh vật ngoại lai xâm hại”. Ông có thể giải thích rõ hơn về khái nhiệm này? Tác hại của chúng đối với môi trường ra sao, thưa ông?

PGS.TS Hà Đình Đức: Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số lượng lớn các loài động thực vật đã được chuyển đến sống ở ngoài khu phân bố tự nhiên lâu đời trước kia của chúng. Ở môi trường sống mới, trong nhiều trường hợp, do điều kiện sống không phù hợp hay bị cạnh tranh mạnh của loài bản địa, các loài sinh vật mới đến không tồn tại hoặc phát triển được.

Tuy nhiên, nhiều khi, do thiếu vắng các đối thủ cạnh tranh và thiên địch như ở quê hương cũ, lại gặp nhiều điều kiện sống thuận lợi (như nguồn thức ăn, khí hậu, đất đai…) các loài mới du nhập có điều kiện sinh sôi, nảy nở rất nhanh và đến một lúc nào đó, chúng phá vỡ cân bằng sinh thái của môi trường sống mới và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Lúc đó, các loài mới này trở thành loài xâm hại.

Sự phát triển quá mức và khó kiểm soát của sinh vật ngoại lai xâm hại gây nên những hậu quả xấu đối với môi trường và đa dạng sinh học bản địa như lấn át, loại trừ và làm suy giảm các loài bản địa; lai giống với các loài bản địa từ đó làm suy giảm nguồn gen; phá vỡ cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái, phá hoại mùa màng, làm giảm năng suất cây trồng vật nuôi, thậm chí ảnh hưởng cả đến sức khỏe con người (truyền bệnh và ký sinh trùng).


Ở Việt Nam, những loài sinh vật ngoại lai xâm hại như: Cây mai dương thân gỗ, chuột hải ly, ốc bươu vàng, rùa tai đỏ… đã gây nên những hậu quả khôn lường, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp.

Khi “cụ” rùa hồ Hoàn Kiếm còn sống, vì muốn bảo vệ “cụ” nên đã có chương trình bắt và diệt rùa tai đỏ ở hồ nhưng đây là loài khó bắt, khó diệt, vì thế mà hiệu quả không cao.

- Do thiếu hiểu biết mà nhiều người đã phóng sinh bừa bãi những sinh vật ngoại lai xâm hại ra sông hồ, gây ra sự thay đổi và đe dọa đa dạng sinh học bản địa. Vậy, phóng sinh như thế nào mới là đúng, thưa ông?

PGS.TS Hà Đình Đức: Việc phóng sinh trước hết không nên quá hình thức mà nên được làm một cách tùy duyên. Khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát mới thực là ý nghĩa nguyên bản của việc phóng sinh.

Để việc phóng sinh thực sự có ý nghĩa, người phóng sinh cần phải tìm hiểu rõ môi trường sống của các loài vật để có thể đưa chúng đến nơi phù hợp và an toàn, tạo cơ hội sống sót cho các loài sinh vật được phóng sinh. Tôi đã chứng kiến có người thả rùa núi viền, rùa núi vàng xuống ao chùa. Đây là loài sống trên cạn, bởi vậy chúng sẽ chết khi được thả xuống ao. Ngay như ở hồ Hoàn Kiếm, người ta cũng thả cả vích, cả đồi mồi (là những con sống ở biển) xuống hồ. Như thế không thể gọi là phóng sinh mà là sát sinh.

Một chú rùa núi vàng (loài sống trên cạn) bị chết khi được “phóng sinh” xuống hồ Hoàn Kiếm


- Ông có nhận xét gì về việc quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học ở hồ Hoàn Kiếm nói riêng và các sông, hồ ở Hà Nội nói chung?

PGS.TS Hà Đình Đức: Do mức độ phát triển và đô thị hóa ngày càng nhanh nên đa dạng sinh học ở các sông, hồ Hà Nội không còn được như trước nữa. Đơn cử như sông Tô Lịch. Từ một con sông khá rộng, có làn nước trong xanh, thuyền bè có thể qua lại được, nay, lòng sông cứ ngày càng thu hẹp. Trên nhiều đoạn sông, màu nước đen kịt, bùn đặc, nước không lưu thông, không sinh vật nào có thể sống được…

Có một thực tế là người dân luôn tin rằng hồ Hoàn Kiếm linh thiêng, nếu phóng sinh ở đây sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp nên đã “đổ xô” đến hồ này để phóng sinh. Bởi vậy, đa dạng sinh học ở hồ Hoàn Kiếm cũng không còn nguyên gốc mà là tạp-pí-lù…

Rất nhiều rùa tai đỏ xuất hiện ở hồ Hoàn Kiếm do người dân phóng sinh thả xuống. Ảnh HÀ ĐÌNH ĐỨC


- Theo ông, có nên để người dân tự ý “phóng sinh” các loài sinh vật, nhất là loài sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm lấn loài bản địa?

PGS.TS Hà Đình Đức: Tôi luôn ủng hộ và khuyến khích việc phóng sinh có tổ chức như việc thả cá bột, con giống để tăng cường lượng cá ở các hồ ao...

Ai cũng hiểu mục đích cuối cùng của phóng sinh là làm điều thiện. Nếu ta phóng sinh mà để lại hậu quả cho môi trường sống của các loài sinh vật bản địa và chính những con vật tưởng là sẽ được cứu vớt thì thực là phản cả khoa học, phản cả tâm linh. Bởi vậy, người dân không nên phóng sinh tùy tiện.

Tại các sông, hồ ở Hà Nội hiện nay, việc quản lý để người dân không tự ý đến phóng sinh là rất khó và không xuể. Việc này chỉ có thể trông chờ vào sự hiểu biết và ý thức tự giác của mỗi người.

- Trân trọng cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phóng sinh bừa bãi vừa phản khoa học vừa phản tâm linh