Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển vọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc châu Á-Thái Bình Dương

Quang Thái| 15/05/2019 14:01

(HNMO) - Sau gần 5 thập kỷ xây dựng và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN đã chuyển hóa căn bản về chất và chính thức thành lập Cộng đồng kinh tế vào ngày 31/12/2015.

Ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời.


Với mục tiêu xây dựng cấu trúc Á-Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc cơ bản của khối, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm và là động lực chính, các nước ASEAN thống nhất rằng, vai trò trung tâm của tổ chức trong cấu trúc khu vực là điều kiện cần thiết để bảo đảm độc lập, chủ quyền, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phát triển cho các nước trong khu vực.

Để có thể phát huy vai trò trung tâm nói trên, ASEAN cần phải là một tổ chức thống nhất, có thực lực và có tiếng nói chung mạnh mẽ.

Muốn có tiếng nói, phải có thực lực

Nằm ở trung tâm của khu vực trải rộng từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương và là cầu nối giữa các cường quốc với các nước trong khu vực, ASEAN có vị trí hết sức quan trọng trong các tiến trình hợp tác ở châu Á. Nhưng bên cạnh đó, vẫn phải nhìn nhận rằng, tổ chức này là tập hợp của một loạt những nước vừa và nhỏ mà tiếng nói của mỗi thành viên đều tương đối hạn chế.

Để thực sự có được tiếng nói mạnh mẽ, có sức nặng trong khu vực, ASEAN, một tập hợp toàn các nước nhỏ cần phải phát huy tối đa sức mạnh tập thể bằng cách hòa quyện chặt chẽ với nhau, luôn có ý thức trách nhiệm về sự an nguy và thịnh vượng của nhau. Muốn thế, trước hết ASEAN cần phải gắn kết chặt chẽ về kinh tế, đây là bước thiết yếu trong tiến trình xây dựng một tổ chức đoàn kết, có thực lực.

Nhìn vào thực tế, tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN được chính thức khởi động từ đầu 1993 cho đến nay vẫn chưa đưa lại kết quả mong đợi. Mặc dù buôn bán nội khối tăng lên, nhưng tỷ trọng buôn bán nội khối trong tổng buôn bán quốc tế của ASEAN vẫn chỉ khoảng 25 %, tức là cao hơn không đáng kể so với trước khi AFTA được xây dựng. Nếu tình hình trên không được cải thiện, ASEAN có thể bị tụt hậu về kinh tế và mất vai trò chính trị trong khu vực.

Trước nguy cơ đó, việc ASEAN xây dựng một cộng đồng kinh tế gắn kết là vô cùng quan trọng. Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức ra đời sẽ là động lực đáng kể trong nỗ lực biến ASEAN trở thành một khu vực hội nhập và cạnh tranh thật sự. Nói cách khác, để hiện thực hóa tiềm năng của khối, ASEAN chỉ có thể dựa vào nỗ lực hội nhập khu vực của chính mình.

Như cựu Tổng thống Philippines, Gloria Macapagal Arroyo đã từng khẳng định: “Trong một thế giới bất ổn về an ninh và biến động liên tục về kinh tế, chúng ta biết rằng, từng nước riêng rẽ Đông Nam Á, dù rộng lớn như Indonesia hay tiên tiến về kinh tế như Singapore, không thể có hoà bình, không thể phát triển, không thể hy vọng có thịnh vượng, không thể có niềm tin vào tương lai, trừ khi chúng ta cùng sát cánh bên nhau, góp chung của cải, chia sẻ ngày càng nhiều các mối quan tâm chung, tin tưởng lẫn nhau và ngày càng nói chung một tiếng nói trên các diễn đàn của thế giới.”

Động lực của sự phát triển

Trong ba trụ cột, AEC được coi là quan trọng nhất. Sự phát triển của AEC sẽ là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại.

ASEAN có một thị trường tiềm năng to lớn, với dân số hơn 600 triệu. Hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 sẽ đưa ASEAN là một khu vực thị trường lớn thứ 3 trên thế giới được hỗ trợ bởi một số lượng dân số lớn thứ 3 (8% tổng dân số thế giới) trong thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Với việc trở thành một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất, ASEAN sẽ phát huy được lợi thế chung của khu vực để từng bước xây dựng một khu vực năng động, có tính cạnh tranh cao trên thế giới, đem lại sự thịnh vượng chung cho nhân dân và các quốc gia trong khối. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào. AEC có thể tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào việc xây dựng năng lực cạnh tranh của ASEAN với thế giới.

Các lãnh đạo ASEAN bắt tay tại lễ Ký kết thành lập Cộng đồng chung ASEAN


Ngoài ra, liên kết kinh tế ASEAN phát triển còn giúp tạo tiền đề và môi trường thuận lợi cho việc khắc phục các bất đồng An ninh-Chính trị, các vướng mắc lịch sử, những khó khăn kinh tế và những vấn đề văn hóa-xã hội. Trong khi đó, thúc đẩy hợp tác văn hóa-xã hội vừa giúp tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế, vừa giúp đem lại sự hiểu biết lẫn nhau về chính trị. Hợp tác trong hai lĩnh vực này đều tạo thêm những kênh quan hệ mới. Hơn nữa, chúng đều có nhiều điều kiện thuận lợi để thực thi hơn và cũng ít động chạm hơn so với hợp tác An ninh-Chính trị.

Có thể nói, tăng cường hội nhập kinh tế, thông qua việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN là định hướng thiết thực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh. Việc xây dựng thành công AEC sẽ là tiền đề quan trọng để đưa vai trò của ASEAN lên một tầm cao mới, với tư cách là một chủ thể có quyền lực trong kiến tạo cấu trúc an ninh mới và định hình trật tự quyền lực ở khu vực, đồng thời quá trình trên đang làm tăng nguồn “tài nguyên địa chính trị”, sức mặc cả của ASEAN và các nước thành viên trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế, nhất là trong quan hệ với các nước lớn.

Những thách thức đang chờ

ASEAN đang tiến tới một thị trường thống nhất, rộng lớn, có tiếng nói tập thể khá trọng lượng trong các vấn đề an ninh và hợp tác khu vực và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN đang vấp phải những thách thức đến từ bên trong khối cũng như những nhân tố bên ngoài.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, trở ngại lớn nhất đối với việc thực hiện các mục tiêu của AEC là sự khác biệt không nhỏ về trình độ phát triển kinh tế và chế độ chính trị giữa các nước thành viên. Một trở ngại khác là mô hình quản trị của ASEAN. Để thích ứng với việc tiếp tục khẳng định duy trì nguyên tắc bất hủ “tôn trọng độc lập, chủ quyền” của từng thành viên, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định, Cộng đồng ASEAN không phải là một tổ chức siêu quốc gia. Trong quá trình hợp tác ngày càng cao, như việc hình thành một thị trường ASEAN thống nhất hay quy chế dịch chuyển lao động tư do, tất yếu sẽ nảy sinh không ít mâu thuẫn, nguy cơ an ninh. Một cơ chế đồng thuận giúp dung hòa “chủ quyền” và “sự ràng buộc pháp lý của Cộng đồng ASEAN” là cần thiết, bởi nếu chỉ trông cậy vào ý thức “chia sẻ” và “trách nhiệm” của mỗi thành viên là chưa đủ, nhưng đây rõ ràng là một nhiệm vụ không hề dễ.

Mặt khác, việc xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh không chỉ phụ thuộc vào ý chí, hành động chiến lược của mỗi nước thành viên, mà còn bị chi phối từ các nước lớn, nhất là từ cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong năm qua, Trung Quốc tiếp tục bành trướng tại khu vực thông qua hoạt động xây dựng đảo nhân tạo. ASEAN hiện đang phải đối mặt với nguy cơ chia rẽ nội khối do chính sách can thiệp
của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.


Trước hết, thách thức bắt nguồn từ toan tính lợi ích chiến lược của các nước lớn, nhất là từ tham vọng “Giấc mơ Trung Hoa” của Trung Quốc và quyết tâm duy trì vị thế nổi trội, “Siêu cường duy nhất” của người Mỹ. Mặc dù các nước lớn đều coi trọng ASEAN xây dựng cộng đồng, chấp nhận ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các diễn đàn khu vực, nhưng vì mục tiêu và lợi ích chiến lược lâu dài, các nước lớn này thường tìm cách phân hoá và gây sức ép với ASEAN và các nước thành viên trên một số vấn đề có lợi ích chiến lược, nhằm phục vụ chính sách khu vực của họ và tranh giành ảnh hưởng giữa họ với nhau. Trong lúc ASEAN còn tồn tại những khác biệt, thì mọi sự tác động, lôi kéo từ bên ngoài có khả năng làm mất đoàn kết, ly tâm trong Hiệp hội. Vì lợi ích cục bộ, trước mắt, một số nước thành viên có thể “đi đêm”, “đi riêng lẻ” với các nước lớn. Điều này được chứng minh khá rõ trong vấn đề Biển Đông.

Tiếp đến, sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cặp Mỹ-Trung, sau đó là Trung-Nhật đang làm cho các mâu thuẫn, xung đột địa chính trị của khu vực tăng nhanh, nhất là ở những khu vực nhạy cảm như ở Biển Đông, hay Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công, v.v... Kéo theo nó là làm tăng chạy đua vũ trang. Xu hướng trên không chỉ làm cho nhiều nước ASEAN phải tăng chi phí quốc phòng, làm ảnh hưởng đến phát triển và hội nhập kinh tế, mà còn tạo điều kiện cho các nước can thiệp nhiều hơn vào khu vực, gia tăng liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng có lợi cho họ nhằm thực hiện mục tiêu địa chính trị của mình. Điều này đã và đang tác động mạnh mẽ đến tính tương đối độc lập và trung lập của ASEAN trong quan hệ với các nước lớn, cụ thể là đến chiến lược cân bằng ảnh hưởng mà ASEAN đang theo đuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc châu Á-Thái Bình Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.