Tái chế rác để “sống xanh”

Thảo Nguyên| 02/05/2019 07:10

(NSHN) - Thay vì vứt những thùng sơn, chai nhựa, giấy báo... vào sọt rác, nhiều người Hà Nội đã gom lại, bỏ thêm chút công sức để sơn, sửa, làm mới thành những món đồ ngộ nghĩnh, hữu ích phục vụ cuộc sống.

(NSHN) - Thay vì vứt những thùng sơn, chai nhựa, giấy báo... vào sọt rác, nhiều người Hà Nội đã gom lại, bỏ thêm chút công sức để sơn, sửa, làm mới thành những món đồ ngộ nghĩnh, hữu ích phục vụ cuộc sống. Tái chế đồ cũ đang trở thành một xu hướng trong cộng đồng nhằm giảm thiểu rác thải, giữ gìn môi trường.

Những ngày này, nếu có dịp đến ngách 90/3 phố Hoa Bằng (thuộc tổ dân phố số 10, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), chắc chắn nhiều người sẽ ngạc nhiên trước những đổi thay ở nơi đây. Ấy là bởi sự xuất hiện của 40 chậu hoa, cây cảnh tươi xanh được trang trí dọc 2 dãy nhà. Điều đặc biệt, những chậu hoa, cây cảnh này đều là đồ tái chế được người dân sơn, sửa lại.

Ông Trần Ngọc Thắng, tổ trưởng tổ dân phố số 10 cho biết: "Thực hiện mô hình "Tiết kiệm đồ tái chế trồng cây xanh bảo vệ môi trường" do phường Yên Hòa phát động, cấp ủy và tổ chức đoàn thể tổ dân phố số 10 đã vận động bà con ủng hộ thùng sơn cũ, cắt tỉa thành chậu hoa, sơn phủ thật đẹp, rồi trồng hoa, cây xanh đặt dọc ngách 90/3 này. Các thùng sơn cũ nhiều người bỏ đi nay đã có một chức năng mới không chỉ làm cho cảnh quan ngõ phố đẹp hơn mà còn làm cho môi trường trong lành, thoáng đãng hơn hẳn. Đặc biệt là từ những chậu hoa, cây cảnh tái chế này mà ý thức giữ vệ sinh môi trường của người dân tăng lên rõ rệt".

Trong các ngày 22 và 23-4 vừa qua, sảnh trước nhà B8 ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội cũng rực rỡ hơn bởi sự xuất hiện của những quầy hàng trưng bày những chậu hoa, cây cảnh mới lạ, đẹp mắt. Đây là hoạt động của Liên Chi hội Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội trong chương trình "Đổi giấy lấy cây xanh". Mấy ngày qua cũng là thời điểm Hà Nội bước vào đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè này nhưng chương trình vẫn thu hút rất đông sinh viên và người dân tham gia. Kết quả là đã có gần 200kg giấy vụn được thu gom, đổi lấy 130 cây xanh.

Bạn Nguyễn Thị Thanh, sinh viên năm thứ ba Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Em đã đem 8kg giấy vụn để đổi cây xanh. Trước đây, em và các bạn thường vứt bỏ các loại giấy, vở cũ nhưng tham gia chương trình này, chúng em đã hiểu giấy vụn và nhiều vật dụng cũ khác vẫn có ích khi đem tái chế”. Nguyễn Đức Thành, Chi hội trưởng Liên Chi hội Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm cho biết thêm: “Năm nay là lần thứ hai chương trình "Đổi giấy lấy cây xanh" được tổ chức nằm trong chuỗi hoạt động nhằm cổ vũ cho xu hướng "sống xanh" của tuổi trẻ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm nói riêng và Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung. Việc đổi giấy lấy cây xanh không chỉ giúp các bạn sinh viên nhận thức giá trị của các vật dụng cũ như giấy vụn, sách báo, đồ dùng cũ mà còn nâng cao nhận thức về đồ tái chế, để cho môi trường của chúng ta xanh hơn”.

Có thể thấy thời gian qua, các mô hình, phong trào tái chế, biến rác thải thành những vật dụng hữu ích đã lan rộng khắp thành phố. Giờ đây ngày càng có nhiều người biết đến quán cà phê trưng bày đồ tái chế của anh Nguyễn Văn Thơ ở phố Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm. Từ những vật dụng tái chế được trưng bày mang phong cách nghệ thuật trong quán cà phê này, anh Nguyễn Văn Thơ hy vọng sẽ làm thay đổi cách nghĩ của mọi người về rác thải, từ đó ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Mô hình “biến” can, bình nhựa cũ thành những chậu hoa xinh xắn ở khắp các nhà hội họp, khu dân cư và trong mỗi lan can, hiên nhà dân ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy hay mô hình gấp và sử dụng túi giấy trong kinh doanh thay cho túi nilon của phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm đã góp phần nâng cao ý thức người dân về phân loại và tái chế rác thải. Chưa kể đến mô hình sử dụng đồ tái chế như lốp xe, sắt, gỗ làm đồ chơi, xích đu tại các sân chơi, góc xanh ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình...

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều trường học tổ chức những ngày hội tái chế với nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Và nổi bật nhất phải kể đến sự kiện “Ngày hội Sống xanh” do Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội tổ chức với thông điệp “Chung tay hành động vì một Hà Nội xanh”. Sự kiện này là chuỗi các hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm kêu gọi cộng đồng tiêu dùng tiết kiệm, bền vững, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng năng lượng, công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường...

Trong bối cảnh mỗi ngày Hà Nội có tới 5.000 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường, những chương trình, mô hình phân loại, tái chế rác thải ngay tại nguồn rõ ràng là hướng đi đúng, thiết thực để giảm lượng rác, giảm tác hại tới môi trường, giúp thành phố phát triển xanh, bền vững hơn.

PGS. TS Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Ô nhiễm rác thải rắn, đặc biệt là đồ nhựa đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Ở Việt Nam với khối lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 60-70 triệu tấn/năm đã tạo áp lực rất lớn trong công tác quản lý cũng như xử lý chất thải. Đặc biệt, lượng chất thải sinh hoạt gia tăng hằng năm, ở khu vực đô thị, chất thải rắn sinh hoạt chiếm 60% tổng lượng chất thải phát sinh. Hiện nay ngày càng nhiều người dân nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sống cho mình cũng như ý thức được trách nhiệm cá nhân đối với xã hội và thể hiện bằng những việc làm cụ thể như hạn chế dùng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, tái chế đồ cũ...

Tái sử dụng, tái chế chất thải là giải pháp được khuyến khích và đẩy mạnh trong các quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải. Vì thế, chúng ta cần thúc đẩy nhiều hơn để tổ chức các phong trào thực tế về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy được vai trò của người dân trong công tác bảo vệ môi trường mọi nơi, mọi lúc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái chế rác để “sống xanh”